Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV: Vấn đề quốc kế, dân sinh “nóng” nghị trường

Thanh Huyền - 21:16, 03/11/2020

Phiên họp ngày 3/11, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV “nóng” bởi nhiều vấn đề liên quan đến quốc kế, dân sinh: Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2020; kế hoạch năm 2021; mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH giai đoạn 2021 - 2025. Theo kế hoạch, Quốc hội dành 3 ngày (từ 3 - 5/11) trong chương trình kỳ họp thứ 10 cho nội dung này.

Đại biểu Phan Thái Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam.
Đại biểu Phan Thái Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam.

Quan tâm hỗ trợ người dân vùng sạt lở

Thảo luận tại phiên họp, các Đại biểu Quốc hội đánh giá, Báo cáo KT-XH được Thủ tướng Chính phủ trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội rất sinh động, toàn diện, có minh chứng rõ ràng với những số liệu rất cụ thể và thuyết phục. Những kết quả đạt được có sự đóng góp rất quan trọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với sự chỉ đạo, điều hành rất quyết liệt, sát sao, linh hoạt và nhạy bén. Các Đại biểu cho rằng, kết quả thực hiện mục tiêu kép của Việt Nam tuy còn khiêm tốn nhưng rất đáng ghi nhận, con số tăng trưởng 2 - 3% GDP là con số tuyệt vời trong bối cảnh thế giới nói chung. Mục tiêu Chính phủ đề ra năm 2021 GDP tăng 6 - 6,5% là hợp lý và hoàn toàn có thể đạt được.

Theo Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước), thời gian qua Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt để tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công và đạt được kết quả tích cực. Đại biểu đề xuất Chính phủ có giải pháp hữu hiệu lựa chọn các bộ, ngành, địa phương để giao vốn đầu tư công, tránh cào bằng; kiên quyết thu hồi các dự án chậm giải ngân, xử lý trách nhiệm người đứng đầu; cải cách thủ tục hành chính về thủ tục thực hiện dự án đầu tư công, có cơ chế giám sát, xử lý; các bộ, ngành chỉ đạo sát sao, chặt chẽ các khâu thuộc trách nhiệm, lĩnh vực quản lý khi triển khai dự án đầu tư công, không để quả bóng trách nhiệm bị đá qua đá lại.

Từ những thiệt hại qua đợt bão lũ lịch sử tại miền Trung, Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (TP. Cần Thơ) đề nghị, Quốc hội có nghị quyết để Chính phủ có giải pháp, nguồn lực đủ để di dân ra khỏi vùng sạt lở, lũ quét; rà soát, nghiên cứu để phân vùng, cảnh báo, quy hoạch… đối với những địa phương có nguy cơ bị thiệt hại lớn khi có thiên tai.

Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) bày tỏ lời cảm ơn Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương, Nhân dân cả nước đã chia sẻ với những khó khăn, mất mát của đồng bào miền Trung, trong đó có tỉnh Quảng Nam, phải gánh chịu trong đợt bão lũ lịch sử vừa qua. Đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm hỗ trợ người dân vùng sạt lở làm nhà sàn ở miền núi, nhà chống lụt ở vùng trũng thấp, hầm trú bão. Tổng rà soát toàn bộ cơ sở giáo dục tại vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, bão lũ, kiên cố hóa các điểm trường vùng núi vì đây là nơi người dân tránh trú khi xảy ra bão, lũ. Rà soát, đánh giá lại toàn bộ tác động, mức độ an toàn của hệ thống hồ chứa, hồ thủy điện, thông tin rộng rãi để người dân hiểu rõ.

Tiếp tục đầu tư vào các vùng khó khăn

Đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) băn khoăn về sự trùng lặp giữa Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Đại biểu đề nghị ưu tiên thực hiện hai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi để tập trung nguồn lực cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi…

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đăk Lăk) đề nghị, trong Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Quốc hội, Chính phủ có nội dung trồng rừng tái sinh và bố trí vốn cho việc này. Đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, các địa phương nhanh chóng đánh giá lại việc đầu tư các dự án thủy điện vừa và nhỏ tại các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh miền Trung và các tỉnh miền núi phía Bắc; cần cân nhắc loại bỏ các dự án thủy điện vừa và nhỏ ra khỏi quy hoạch điện đến năm 2030.

Bày tỏ quan tâm về chính sách bảo vệ và phát triển rừng, Đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) đề nghị, Chính phủ xem xét điều chỉnh tiêu chí phân bổ ngân sách trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho các tỉnh có tỷ lệ diện tích che phủ rừng cao; có chính sách sắp xếp ổn định dân cư vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, có nguy cơ lũ lụt, sạt lở cao để bảo đảm an toàn cho người dân.

Đại biểu Võ Đình Tín (Đăk Nông) đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo là những chủ trương lớn. Đại biểu kiến nghị ban hành chuẩn nghèo mới, thực chất, công khai, minh bạch; rà soát việc triển khai các hợp phần dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia; rà soát, bãi bỏ một số chính sách hỗ trợ mang tính bao cấp; tiếp tục kết nối các vùng, khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào các vùng khó khăn…