Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV: Bằng mọi giải pháp quyết liệt nhằm kiểm soát dịch bệnh, phục hồi kinh tế

Minh Thu - 12:42, 21/10/2021

Đó là nội dung được các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, cho ý kiến khi thảo luận tại tổ vào sáng nay 21/10.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp ở tổ sáng 21/10/2021
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp ở tổ sáng 21/10/2021

Ngày 21/10/2021, các đại biểu thảo luận ở tổ về về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển KT - XH năm 2022. Báo cáo về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15  kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm 2022-2024 (trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương).

Theo ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh): Tác động của đại dịch Covid-19 lần thứ tư ảnh hưởng mạnh mẽ và tiêu cực đến kinh tế nước ta. Từ tăng trưởng tích cực, chúng ta lỡ nhịp với thế giới. Vì vậy, trong những tháng cuối năm, cần bám sát Nghị quyết 30 của Quốc hội về công tác phòng chống dịch với nhiều đặc thù, đặc cách (về các gói hỗ trợ; huy động các nguồn lực), cân bằng với liều lượng hợp lý để ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định kinh tế với gói hỗ trợ tổng thể.

Đồng quan điểm với đại biểu Vũ Hồng Thanh, đại biểu Phạm Thanh Trà, Đoàn ĐBQH Yên Bái cho rằng: Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến nhiều mặt của đời sống KT-XH của đất nước. Nhưng qua đó, Nhân dân cũng thấy rõ sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của Trung ương với tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong bối cảnh khó khăn, đất nước ta cũng đã đạt được những kết quả quan trọng trong phòng chống dịch, từng bước phục hồi kinh tế. Chúng ta đã rất nỗ lực, đến nay cơ bản kiểm soát dịch bệnh Covid-19, đảm bảo kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, một số khu vực có tăng trưởng như công nghiệp, nông nghiệp, xuất nhập khẩu, dịch vụ. Đã thực sự quan tâm chăm lo đến an sinh xã hội, đảm bảo an dân. An ninh chính trị, trận tự an toàn xã hội được giữ ổn định.

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại phiên họp ở tổ
Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại phiên họp ở tổ

Theo đại biểu Phạm Thị Thanh Trà: Năm 2022, ưu tiên hàng đầu là thực hiện mục tiêu kép, bằng mọi biện pháp quyết liệt kiểm soát dịch bệnh, từ đó thực hiện khôi phục nền kinh tế. Trước măt phủ vắc xin cho người dân với phương châm sống chung an toàn, hiệu quả trong trạng thái bình thường mới. Phải cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện hệ thống quy hoạch từ quốc gia đến cấp tỉnh, đẩy mạnh kinh tế số, tạo thời cơ để phát triển.

Góp ý cho Nghị quyết số 30/2021/QH15, đại biểu Đỗ Thị Lan (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh) cho rằng: Với Nghị quyết 30, Quốc hội đã tháo gỡ kịp thời cho Chính phủ trong công tác phòng chống dịch Covid-19 với các giải pháp cấp bách, kể cả về thuế, chính sách cho người lao động. Công tác phòng chống dịch đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, hy sinh của lực lượng y bác sỹ, lực lượng tuyến đầu chống dịch và các giải pháp chủ động, linh hoạt trong phòng chống dịch của các địa phương. Tuy nhiên, cần đánh giá đúng mức về công tác phòng chống dịch của các bộ, ngành, địa phương, từ đó có thể nhân rộng hoặc rút kinh nghiệm, đặc biệt là công tác kiểm soát người, phương tiện, thực hiện xét nghiệm ngiệm để hạn chế lây lan dịch bệnh khi mở lại giao thông, tiếp tục có giải pháp hỗ trợ cho người lao động.

Đại biểu Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại phiên họp ở tổ
Đại biểu Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại phiên họp ở tổ

Còn theo đại biểu Nguyễn Xuân Thắng (Đoàn ĐBQH Quảng Ninh): Chúng ta đã thành công trong kiểm soát dịch bệnh Covid-19 nhưng chưa thành công về đạt mục tiêu kép. Trong những tháng cuối năm 2021, các giải pháp phòng chống dịch bệnh, phát triển kinh tế đã rõ; trong đó chú trọng nhiệm vụ khắc phục đứt gãy trong sản xuất; có giải pháp phối hợp giữa các địa phương sử dụng lao động. Cần đảm bảo tính hiệu quả, tính khả thi của các giải pháp khi thực thi, đi vào cuộc sống. Đại biểu Nguyễn Xuân Thắng đề nghị: Phải kiểm soát, tầm soát, tổ chức phòng chống dịch Covid-19 có hiệu quả, huy động nguồn lực gắn với phát triển sản xuất; tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất. Tiết giảm những thủ tục không cần thiết trong hỗ trợ, tạo điều kiện tối đã để người dân, người lao động được hưởng các gói hỗ trợ.