Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Quốc hội tiếp tục thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi)

Hoàng Quý - 14:00, 19/06/2023

Ngày 19/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận

Trước đó, sáng 5/5, Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án luật này, sau đó, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi báo cáo tổng hợp ý kiến tới các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Xây dựng đã có báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình gửi tới các ĐBQH.

Tại phiên họp này, các ĐBQH bày tỏ tán thành với sự cần thiết sửa đổi luật như Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Một số ĐBQH đề nghị cơ quan soạn thảo cần điều chỉnh sự khác biệt và hợp lý đối với thời gian bảo hành nhà chung cư và công trình cấp đặc biệt và cấp 1; Luật Nhà ở (sửa đổi) cần quy định so sánh những yếu tố có thể đối chiếu được, cụ thể về chất lượng công trình, diện tích nhà ở, để bảo đảm tính rõ ràng, cụ thể của văn bản luật; rà soát lại quy định để bảo đảm thống nhất, không mâu thuẫn, xác định rõ tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì được cấp loại giấy chứng nhận gì…

Quan tâm đến vấn đề nhà ở xã hội, Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) cho rằng chính sách về nhà ở xã hội là 1 trong 8 nhóm chính sách quan trọng trong lần sửa đổi luật lần này. Chính sách trên được thể hiện trong các quy định chung và Chương 6 của dự thảo luật. Qua nghiên cứu, đại biểu nhận thấy chính sách này được thể hiện trong dự thảo chưa thực sự trúng và xử lý đúng vướng mắc từ thực tiễn.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển đề nghị chính sách về nhà ở xã hội cần hướng tới các mục tiêu rõ ràng và khả thi hơn, cụ thể cần tập trung vào mục tiêu cốt yếu của phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu có nơi ở phù hợp cho người dân, không phải là đáp ứng nhu cầu sở hữu nhà ở. Với định hướng đó, nhà ở xã hội phải được điều chỉnh theo hướng tăng nhà ở cho thuê, nguồn hỗ trợ của ngân sách nhà nước được phân chia phù hợp cho cả ba bên: chủ đầu tư, cơ quan quản lý vận hành và người dân.

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận

Cũng về vấn đề nhà ở xã hội, Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) cho rằng dự thảo luật cần làm rõ, sâu sắc hơn về nội dung chính sách cho từng loại hình đối tượng, đáp ứng yêu cầu chung phát triển kinh tế - xã hội, trong đó cần xác định rõ và đúng, thống nhất nội hàm nhà ở xã hội. Đại biểu đề nghị mở rộng hơn khái niệm về nhà ở xã hội, cần tránh quan điểm bất thành văn nhà ở xã hội là nhà ở cho đối tượng loại 2, giá rẻ đi cùng với chất lượng kém, không bảo đảm các điều kiện sử dụng cho người dân cũng như đã tồn tại ở một số dự án thời gian qua, nhất là vấn đề nhà ở tái định cư gây bức xúc trong dư luận.

Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành, quyền có chỗ ở an toàn tốt hơn luôn là nhu cầu chính đáng của mọi tầng lớp trong xã hội. Do đó, nên chăng đưa khái niệm nhà giá thấp thay cho nhà giá rẻ trong tiếp cận, xây dựng chính sách để thúc đẩy phát triển thị trường nhà ở, cả nhà ở xã hội và nhà ở thương mại. Trong đó, Nhà nước sử dụng các công cụ thuế, tín dụng, hỗ trợ đầu tư từ ngân sách, chính sách đất đai để bù vào giá trị cần đầu tư tăng thêm trên nguyên tắc kinh tế thị trường để giảm giá bán, giá thuê nhà cho các đối tượng chính sách và coi đây là nguồn vốn đầu tư cho an sinh xã hội.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) đề nghị, ngoài 7 nhóm chính sách phát triển và quản lý sử dụng nhà quy định như dự thảo luật, cơ quan soạn thảo nghiên cứu quyết định bổ sung thêm chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở cho đồng bào DTTS miền núi để phù hợp với mục tiêu, chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở cho người dân đồng bào DTTS và miền núi đã được xác định trong Nghị quyết số 88 của Quốc hội khóa 14. Cùng với đó, ban soạn thảo cần nghiên cứu xem xét vấn đề bảo đảm quyền có nơi ở đối với người vô gia cư.

Quang cảnh phiên thảo luận
Quang cảnh phiên thảo luận

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã tiếp thu, giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu. Bộ trưởng Bộ Xây dựng thay mặt cơ quan soạn thảo cảm ơn các ý kiến góp ý thẳng thắng, trách nhiệm của ĐBQH tại phiên thảo luận tổ và hội trường và tiếp thu đầy đủ để hoàn thiện dự thảo luật.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết đã có 28 ý kiến đại biểu phát biểu, 4 đại biểu tranh luận, còn 33 đại biểu đăng ký nhưng chưa phát biểu, đề nghị gửi ý kiến bằng văn bản tới Ban thư ký để tổng hợp đầy đủ. Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã báo cáo giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề các đại biểu quan tâm.

Sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan hữu quan tổng hợp đầy đủ ý kiến, nghiên cứu tiếp thu, giải trình, tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo lấy ý kiến, tổ chức hội nghị ĐBQH chuyên trách để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật.