Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác, thu hút đầu tư

Thanh Huyền - 15:43, 15/11/2019

Tiếp theo chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV, ngày 15/11, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).

Các đại biểu Quốc hội trong phiên làm việc tại Hội trường
Các đại biểu Quốc hội trong phiên làm việc tại Hội trường

Trình bày Tờ trình về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, mục tiêu, quan điểm tổng quát của Luật này là nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế tư nhân và hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Mục tiêu hướng tới nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn trên cơ sở bảo đảm an ninh, quốc phòng, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Hoàn thiện các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh, đồng thời cắt giảm một số ngành, nghề không cần thiết, bất hợp lý nhằm tiếp tục bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà Luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện. Tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động đăng ký đầu tư; cắt giảm chi phí và thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, kinh doanh. Hoàn thiện cơ chế phân cấp quản lý giữa các cơ quan trung ương và cơ quan địa phương trên cơ sở đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Luật Đầu tư (sửa đổi) sửa đổi 36 điều, bổ sung 04 điều, bãi bỏ 2 điều của Luật Đầu tư năm 2014. Luật Đầu tư (sửa đổi) dự kiến có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Ngoài ra, Luật này sửa đổi, bãi bỏ một số quy định của các luật khác có liên quan để phù hợp với nội dung sửa đổi, bổ sung tại Luật, gồm: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Bảo vệ môi trường và quy định áp dụng chuyển tiếp các nội dung mới của luật...

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị, tiếp tục rà soát sự thống nhất với các luật khác có liên quan, bảo đảm khắc phục những chồng chéo, xung đột, mâu thuẫn, thiếu thống nhất trong hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh và không để tạo ra mâu thuẫn, xung đột mới. Đối với một số ý kiến góp ý đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu, luật hóa tối đa các quy định của văn bản dưới luật đã được kiểm nghiệm có tính ổn định trong thực tiễn và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, quy định chi tiết hơn những điều khoản về điều kiện, nguyên tắc áp dụng để giảm bớt các điều giao Chính phủ quy định trong dự thảo Luật; về từ ngữ, câu chữ và kỹ thuật văn bản, Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan rà soát, hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Cũng trong ngày 15/11, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).