Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Đại biểu Quốc hội đề xuất giải pháp phát triển vùng đồng bào DTTS&MN

Thanh Huyền (lược ghi) - 09:39, 05/11/2019

Nhất trí cao với mục tiêu, giải pháp đặt ra trong dự thảo Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), các đại biểu Quốc hội đề nghị quan tâm giải quyết đến các nhóm vấn đề khó khăn, thách thức hiện nay; Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển lược ghi ý kiến đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tại Hội trường về Đề án.

Đại biểu Quốc hội đề xuất giải pháp phát triển vùng đồng bào DTTS&MN


Đại biểu Lê Quân (TP. Hà Nội): Đào tạo việc làm tại chỗ gắn với sinh kế

Chúng tôi thấy trong Đề án cũng đã đề cập đến một nội dung, nhưng chúng tôi mạnh dạn đề cập, phải tách ra nội dung về dạy nghề, việc làm và tạo việc làm là một hợp phần quan trọng. Bởi vì, dạy nghề cho khu vực đồng bào DTTS là một hoạt động rất đặc thù. Ở đây chúng ta thấy, khi chúng ta làm đồng bộ chính sách thì giải quyết được vấn đề đào tạo tại chỗ gắn với sinh kế, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp. Nhưng cũng phải nhìn nhận một chính sách gắn đào tạo để làm sao cung ứng nhân lực và gắn với dịch chuyển lao động, khi đó chúng ta mới giải quyết được bài toán thoát nghèo trong ngắn hạn. Khi các khu vực kinh tế này tăng trưởng, phát triển tốt lên, chúng ta sẽ điều chỉnh các chính sách cho phù hợp….

Đại biểu Quốc hội đề xuất giải pháp phát triển vùng đồng bào DTTS&MN 1


Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An): Đánh thức tiềm năng, khơi dậy nội lực của đồng bào DTTS

Chúng tôi đồng tình rất cao về các nhiệm vụ, giải pháp Đề án nêu ra, để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, Đảng và Nhà nước ta phải đánh thức được tiềm năng, phát huy được lợi thế so sánh của vùng, giúp đồng bào khơi dậy nội lực làm giàu, làm chủ chính trên mảnh đất của mình. Trong các nhiệm vụ đó chúng tôi cho rằng, phát triển hạ tầng thiết yếu, nhất là hạ tầng giao thông và thông tin kết nối, phát triển nguồn lực và tạo sinh kế thu nhập là quan trọng bậc nhất. Đối với nhiệm vụ phát triển hạ tầng và nguồn nhân lực, chúng tôi hoàn toàn đồng tình như dự thảo. Riêng về tạo sinh kế, thu nhập, từ thực tế địa phương chúng tôi thấy trước hết, cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ bà con xây dựng các mô hình kinh tế hộ gia đình gắn với đặc thù của miền núi như chăn nuôi, trồng trọt, các cây, con chủ lực, cải tạo vườn tạp, xây dựng các vườn chuẩn…


Đại biểu Quốc hội đề xuất giải pháp phát triển vùng đồng bào DTTS&MN 2


Đại biểu Cao Thị Giang (Quảng Bình): Quan tâm đến bình đẳng giới vùng DTTS&MN

Đề án cần quan tâm hơn đến vấn đề bình đẳng giới cho phụ nữ và trẻ em gái vùng đồng bào DTTS&MN. Đây là vấn đề nóng và nan giải trong suốt những năm qua. Thực tế cho thấy, tỷ lệ lao động nữ của 53 DTTS không biết đọc, không biết viết chữ phổ thông là 26,82%, cao gấp đôi so với tỷ lệ này của lao động nam DTTS và cao hơn gấp 5 lần so với lao động nữ là người Kinh. Bên cạnh đó, quá trình chuyển dịch cơ cấu việc làm của lao động nữ DTTS chậm và gặp nhiều khó khăn, đó là rào cản từ phong tục, tập quán, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ thuật hạn chế, rào cản ngôn ngữ và khả năng tiếp cận thụ hưởng từ các chính sách, nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển đổi sinh kế, cải thiện việc làm. Chính vì thế, trong giải pháp về vấn đề bình đẳng giới cho phụ nữ và trẻ em gái, cần tiếp tục đầu tư chính sách hỗ trợ cho thôn bản, chính sách cho phụ nữ DTTS được khám thai theo định kỳ và sinh đẻ tại các cơ sở y tế. Chính sách cho Chi hội Phụ nữ thôn bản vùng DTTS. Chính sách cử tuyển và tuyển dụng phụ nữ DTTS vào làm việc tại các cơ quan chính quyền địa phương sau khi tốt nghiệp…

Đại biểu Quốc hội đề xuất giải pháp phát triển vùng đồng bào DTTS&MN 3


Đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu): Tìm giải pháp hữu hiệu đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết

Chương trình giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS&MN cần được quan tâm. Tôi cho rằng, đây là một vấn đề rất quan trọng, phải đặc biệt quan tâm, vì hiện nay tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS là rất cao. Tôi đề nghị phải đặc biệt quan tâm và phải đặt chỉ tiêu cao hơn, tập trung nguồn lực để ngăn chặn tình trạng này. Chúng ta phải đánh giá nguyên nhân do đâu để đưa ra những giải pháp hiệu quả hơn, ngoài vấn đề tuyên truyền, vận động đến đồng bào thì phải gắn trách nhiệm với các chỉ tiêu đánh giá đối với cán bộ làm công tác này hằng năm. Hoặc lồng ghép nhiều hình thức, nhiều chương trình như đưa vào chương trình dạy học cho các em, để các em thấy được những hậu quả của vấn đề hôn nhân cận huyết. Hay có thể đưa vào các chương trình phát sóng trên tivi của địa phương bằng tiếng dân tộc.