Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Niềm tin đổi mới vùng đồng bào DTTS&MN

Thanh Huyền - 18:17, 01/11/2019

Đánh giá cao, nhất trí, tán thành, kỳ vọng, đề nghị thông qua…là những cụm từ được nhắc đến rất nhiều lần trong phiên thảo luận toàn thể tại Hội trường (sáng 01/11/2019) về Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) (gọi tắt là Đề án), tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Có thể thấy Đề án đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ rất lớn của các đại biểu Quốc hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị phóng phát biểu kết luận phiên họp.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị phóng phát biểu kết luận phiên họp.

Đề án có tính lý luận và thực tiễn cao

Thảo luận tại Hội trường, đa số đại biểu nhấn mạnh ý nghĩa chính trị to lớn, tầm quan trọng và tính cấp thiết về việc xây dựng và triển khai Đề án. Theo các đại biểu, việc thông qua Đề án sẽ thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS&MN; giải quyết những khó khăn, thách thức, tạo điều kiện để vùng đồng bào DTTS&MN phát triển đi lên cùng đất nước.

Các đại biểu đánh giá, Đề án được chuẩn bị công phu, khoa học, có tính lý luận và thực tiễn cao; bày tỏ niềm vui, sự phấn khởi khi lần đầu tiên Quốc hội thảo luận về Đề án dành riêng cho vùng DTTS&MN. Đa số các đại biểu tán thành việc đổi tên gọi Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2030 như Nghị quyết của Quốc hội thành Đề Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 theo Tờ trình của Chính phủ và báo cáo Thẩm tra của Hội đồng Dân tộc Quốc hội để xác định rõ đối tượng, địa bàn thụ hưởng, tập trung nguồn lực thực hiện. Đồng thời, các đại biểu thống nhất đề nghị cho phép tích hợp chính sách dân tộc thành Chương trình mục tiêu quốc gia.

Cơ bản nhất trí với các mục tiêu, giải pháp nêu trong dự thảo, các đại biểu cũng phân tích, làm rõ các nguyên nhân của các tồn tại, yếu kém, qua đó góp ý, đề xuất một số nội dung cụ thể để hoàn thiện Đề án, như: Tập trung các chính sách, nguồn lực phát triển vùng đồng bào DTTS vào một đầu mối do Ủy ban Dân tộc quản lý; kết hợp hiệu quả giữa đầu tư ngân sách gắn với việc huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện Đề án; quan tâm các chính sách phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu; giải quyết đất ở, đất sản xuất, có chính sách để người dân sống được từ rừng, gắn bó với rừng; quan tâm đến nhóm DTTS rất ít người; quan tâm đến cán bộ người DTTS và cán bộ công tác ở vùng DTTS; phát triển các mô hình sản xuất gắn với phát huy lợi thế, đặc thù của địa phương; hỗ trợ kết nối thị trường; hỗ trợ đồng bào DTTS khởi nghiệp; quan tâm đến công tác tuyên truyền, khơi dậy, khích lệ, động viên đồng bào phát huy nội lực vươn lên; coi trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc; quan tâm phát triển du lịch; xây dựng hệ thống chính trị vùng DTTS vững mạnh; chú trọng đến quốc phòng, an ninh vùng DTTS; quan tâm đến các chính sách bình đẳng giới…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến phát biểu giải trình trước Quốc hội
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến phát biểu giải trình trước Quốc hội

Tin tưởng sẽ thực hiện thành công Đề án

Báo cáo tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và giải trình một số nội dung liên quan đến Đề án, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến làm rõ thêm căn cứ về tên gọi, phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Đề án; chỉ rõ căn cứ để xác định các chỉ tiêu cụ thể của Đề án từ năm 2025-2030. “Báo cáo với Quốc hội, tất cả các chỉ tiêu đề xuất trong Đề án có mối quan hệ chặt chẽ, mật thiết với các chỉ tiêu khác về tài chính, nguồn lực, về tổ chức thực hiện, do vậy chúng tôi xin tiếp thu ý kiến các đại biểu”.

Đối với các chính sách đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng, Chủ nhiệm cho biết, sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu để phân tích sâu sắc hơn những chính sách nào tiếp tục thực hiện, những chính sách nào không tiếp tục thực hiện.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến, thực hiện Đề án sẽ đảm bảo nguyên tắc có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, thu gọn đầu mối, giảm thủ tục hành chính, công khai, dân chủ, minh bạch, có sự giám sát và thực hiện của người dân, chính quyền cấp tỉnh quyết định điều hành thực hiện dự án phù hợp với địa phương, lấy đồng bào làm chủ thể, dân cần, dân bàn, dân làm, dân hưởng lợi, cán bộ chỉ hướng dẫn, giúp đỡ chứ không thể làm thay người dân.

“Khi xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia sẽ xác định trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên theo hướng giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của Nhân dân, phát triển nâng cao nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe sinh sản phụ nữ, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, bảo tồn và phát huy văn hóa gắn với phát triển du lịch”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến chia sẻ: Việc Quốc hội dành trọn một buổi để thảo luận Đề án do Chính phủ trình, đó là sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, là tình cảm sâu nặng dành cho đồng bào vùng DTTS&MN, bao gồm cả đồng bào dân tộc Kinh. Hơn 14 triệu đồng bào DTTS rất vui mừng, phấn khởi đang hướng về Hội trường Diên Hồng với lòng biết ơn trời biển đối với công lao của Đảng và Nhà nước, với niềm tin sâu sắc Quốc hội sẽ phê duyệt Đề án và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia, dành thêm nguồn lực đầu tư để đồng bào bớt đi một phần khó khăn, vất vả.

“Lần đầu tiên trong lịch sử Ủy ban Dân tộc được giao chủ trì, phối hợp xây dựng một Đề án lớn để Chính phủ trình Quốc hội,…chúng tôi đã rất cầu thị, tận tâm, tận lực thực hiện nhiệm vụ được giao...Quốc hội ấn nút phê duyệt Đề án về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia tại kỳ họp này là một món quà vô cùng đặc biệt thật sự ý nghĩa tặng cho đồng bào vùng DTTS&MN trước thềm Đại hội Đại biểu các DTTS toàn quốc lần thứ II được tổ chức vào tháng 4/2020”. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến gửi gắm niềm tin.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá: Quốc hội đã thảo luận sôi nổi, tập trung thẳng thắn và xây dựng, có cả sự chia sẻ những khó khăn với đồng bào. Quốc hội hoan nghênh việc Chính phủ dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng đã chuẩn bị Đề án công phu để trình Quốc hội và có thể nói đây cũng là một trong những Đề án rất khó khăn, phức tạp nhưng với sự cố gắng, nỗ lực rất cao Ủy ban Dân tộc đã chủ động và phối hợp với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội để chuẩn bị nhiều cuộc thảo luận và xin ý kiến.

Quốc hội nhất trí cao về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về Đề án Tổng thể này. Quốc hội cũng nhất trí cao giao Chính phủ thực thi điều hành có hướng dẫn, chỉ rõ trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương, các bộ, ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể để cùng chăm lo cho đồng bào và vùng DTTS&MN. Hàng năm có báo cáo Quốc hội, có sơ kết, tổng kết.

“Dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, với tấm lòng yêu dân, thương dân, có trách nhiệm với dân, Quốc hội quyết định chính sách dân tộc theo đúng Hiến pháp và tin rằng chúng ta sẽ thực hiện thành công Đề án quan trọng này của quốc gia”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định. 

Tin cùng chuyên mục
Thành phố Hà Giang: Nhiều giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT

Thành phố Hà Giang: Nhiều giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT

Để hoàn thành tốt các chỉ tiêu về chính sách BHXH, BHYT, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, Thành phố Hà Giang (tỉnh Hà Giang) đã luôn chú trọng triển khai linh hoạt, đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp với đặc thù địa bàn, đối tượng…