Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Luật Dữ liệu góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, xã hội số…

Hoàng Quý - 16:22, 22/10/2024

Chiều 22/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã nghe cơ quan soạn thảo và thẩm tra báo cáo về dự án Luật Dữ liệu.

Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang thay mặt Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Dữ liệu
Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang thay mặt Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Dữ liệu

Tại Phiên họp, Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang thay mặt Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Dữ liệu. Theo đó, dự thảo Luật được Chính phủ xây dựng với 7 chương, 67 điều, quy định về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị, quản lý dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; quỹ phát triển dữ liệu; cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; Trung tâm dữ liệu quốc gia; sản phẩm dịch vụ về dữ liệu.

Việc xây dựng dự án Luật Dữ liệu nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ phát triển Chính phủ số và cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính; phát triển kinh tế - xã hội; phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia.

Việc xây dựng dự án luật được tiến hành trên cơ sở tổng kết thực tiễn trong những năm qua; khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế; thực hiện thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả thông tin trong các cơ sở dữ liệu, phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các cá nhân vi phạm pháp luật.

Đồng thời tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc khai thác, vận hành Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia và phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Tham khảo có chọn lọc pháp luật về quản lý dữ liệu của một số nước, phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam.

Luật quy định về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; Trung tâm dữ liệu quốc gia; sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu; quản lý nhà nước về dữ liệu; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu. Luật được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến các hoạt động về dữ liệu tại Việt Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Dữ liệu, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Dữ liệu với những cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung một số quy định cụ thể về chiến lược dữ liệu quốc gia trong dự thảo Luật để thuận tiện trong quá trình triển khai thực hiện.

Ngoài nội dung trên, dự thảo Luật Dữ liệu cũng tập trung vào quy định bảo mật dữ liệu cơ quan Nhà nước, dữ liệu cá nhân; quy định các loại dữ liệu không được công khai; dữ liệu công khai có điều kiện; mua bán dữ liệu; sàn giao dịch dữ liệu và chuyển dữ liệu ra nước ngoài.

“Đây là lĩnh vực mới, đặc thù, để có sự quản lý chặt chẽ, bảo đảm an ninh, an toàn thì có thể cân nhắc áp dụng thí điểm về Sàn giao dịch dữ liệu. Do đó, trước mắt không cần thiết quy định quá chi tiết trong luật này mà giao Chính phủ tổ chức triển khai thí điểm và có báo cáo Quốc hội”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết thêm.

Theo chương trình, Quốc hội sẽ thảo luận dự án Luật Dữ liệu vào ngày 8/11 và biểu quyết thông qua theo trình tự rút gọn tại ngày bế mạc Kỳ họp này, 30/11.