Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV: Biểu quyết thông qua Luật Thanh niên (sửa đổi)

Thanh Huyền - 09:38, 17/06/2020

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 16/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thanh niên (sửa đổi) với 91,30% Đại biểu Quốc (ĐBQH) tham gia biểu quyết tán thành.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV: Biểu quyết thông qua Luật Thanh niên (sửa đổi)
Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).


Luật Thanh niên (sửa đổi) gồm 7 chương, 41 điều, giảm 21 điều so với Dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8. Luật quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của thanh niên; chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; trách nhiệm của cơ quan, nhà trường, gia đình, tổ chức thanh niên, cá nhân và các tổ chức khác đối với thanh niên; quản lý Nhà nước về thanh niên. Luật áp dụng đối với thanh niên (các công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi); cơ quan, tổ chức, cá nhân; nhà trường, gia đình.

Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, qua thảo luận, đa số ý kiến nhất trí với quan điểm về định hướng xây dựng Luật và nội dung của dự thảo Luật.

Luật đã được chỉnh lý theo hướng thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng, cụ thể hóa nội dung và tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về thanh niên; không quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của thanh niên theo từng lĩnh vực để tránh trùng lặp trong hệ thống pháp luật, chỉ dành 1 điều quy định chung về vai trò, quyền và nghĩa vụ của thanh niên. Đồng thời, để nhấn mạnh trách nhiệm, sứ mệnh của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới, dự thảo Luật bổ sung 1 chương quy định trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc, Nhà nước, gia đình và xã hội, đặc biệt là trách nhiệm đối với bản thân thanh niên. Luật nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho thanh niên thực hiện trách nhiệm của mình, dự thảo Luật quy định về chính sách của Nhà nước đối với thanh niên, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, nhà trường, gia đình đối với thanh niên…

Cũng trong phiên làm việc ngày 16/6, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp năm 2020 đối với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.

Qua thảo luận tại phiên họp, các ĐBQH cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành chính sách giảm thuế TNDN như Tờ trình của Chính phủ nhằm hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho các DN trong giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Nhiều ĐBQH cho rằng, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, không có một DN nào là không chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên, các DN lớn sẽ có sức đề kháng tốt hơn, việc áp dụng chính sách giảm thuế TNDN phải nộp năm 2020 đối với DN có quy mô nhỏ là đúng đắn và cần thiết.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến ĐBQH cũng nêu rõ thực tế, không phải tất cả mọi DN trong đại dịch đều bị thua lỗ. Dịch bệnh đối với một số DN là thách thức, nhưng đối với một số DN lại là cơ hội. Do vậy, các ĐBQH đề nghị Nghị quyết cần phải quy định thật cụ thể việc áp dụng giảm thuế TNDN chỉ áp dụng đối với những DN thực sự bị sụt giảm về doanh thu. Ngoài ra, có ý kiến ĐBQH đề nghị cần thiết mở rộng đối tượng hỗ trợ cho cả những DN nhỏ và vừa chứ không chỉ các DN quy mô nhỏ.

Trong ngày 16/6, Quốc hội cũng tiến hành thảo luận ở Tổ về dự án Luật Biên phòng Việt Nam; thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Quốc hội cũng biểu quyết thông qua Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.