Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV: Nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội

Thanh Huyền - 16:18, 26/05/2020

“Muốn Quốc hội hoạt động thực chất, thực quyền thì phải tăng cường năng lực cho đại biểu, mà trước tiên là năng lực pháp lý và các điều kiện để đảm bảo hoạt động cho đại biểu Quốc hội...”. Đó là ý kiến của đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Đoàn địa biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau) trong phiên thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội sáng ngày 26/5, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Toàn cảnh phiên làm việc tại Hội trường ngày 26/5
Toàn cảnh phiên làm việc tại Hội trường ngày 26/5

Luật Tổ chức Quốc hội được ban hành năm 2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của Nhà nước ta. Sau hơn 03 năm thi hành Luật Tổ chức Quốc hội cho thấy, về cơ bản nhiều quy định của Luật đã đem lại những kết quả tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện Luật, cũng đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Qua thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 để tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng thời khắc phục một số vướng mắc, bất cập trong quá trình thi hành luật thời gian qua. Nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật Việt Nam; phù hợp với Điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình với việc quy định tỉ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất 40% tổng số đại biểu Quốc hội. Trong đó, nghiên cứu cơ chế dành tỉ lệ nhất định (khoảng 5%) cho các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý gần đến tuổi nghỉ hưu hoặc đã nghỉ hưu nhưng đủ điều kiện về sức khỏe, có kinh nghiệm, năng lực công tác, trí tuệ và uy tín tham gia làm đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách mà không giữ chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan của Quốc hội.

Đề cập đến tính chuyên nghiệp của các đại biểu trong quá trình hoạt động, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, dù có 100% đại biểu chuyên trách mà không chuyên nghiệp thì hoạt động của Quốc hội cũng không đảm bảo được thực chất, thực quyền. Hạt nhân hoạt động của Quốc hội chính là các đại biểu. Vì vậy, muốn chuyển sang một Quốc hội hoạt động thực chất, thực quyền thì phải tăng cường năng lực cho đại biểu, mà trước tiên là năng lực pháp lý và các điều kiện để đảm bảo hoạt động cho đại biểu Quốc hội...

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao các góp ý trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu Quốc hội tại phiên họp. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục đóng góp ý kiến bằng văn bản cho dự thảo Luật này. Về nội dung các đại biểu góp ý cụ thể tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiên cứu, tiếp thu và có báo cáo giải trình đầy đủ trước Quốc hội, để các đại biểu Quốc hội tiếp tục đóng góp ý kiến thêm.

Trước đó, Quốc hội nghe tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Chiều cùng ngày 26/5, Quốc hội nghe Tờ trình Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư (sửa đổi); đại biểu Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật này.