Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV có nhiều cải tiến, đổi mới

PV - 15:45, 13/10/2021

Tại phiên họp sáng nay, 13/10, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo nội dung tổ chức kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV. Theo đó, tổng thời gian làm việc của Quốc hội dự kiến 17 ngày: Đợt 1 là 11 ngày, từ ngày 20/10 đến 1/11; đợt 2 là sáu ngày, từ ngày 8 đến ngày 13/11/2021.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: Duy Linh
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: Duy Linh

Được biết, sau phiên họp thứ ba (tháng 9/2021), tại phiên họp thứ tư của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, Tổng Thư ký Quốc hội báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số vấn đề mới về việc chuẩn bị kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV.

Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, để dự phòng cho trường hợp dịch bệnh trong cả nước vẫn diễn biến phức tạp, Quốc hội phải họp trực tuyến cả kỳ nhưng bố trí đợt 2 liền mạch với đợt 1 để kỳ họp kết thúc sớm, tạo điều kiện cho Chính phủ, các địa phương tập trung cho công tác phòng, chống dịch.

Trong dự kiến chương trình kỳ họp sẽ bố trí thời gian để tổ chức trang trọng Quốc hội lễ mặc niệm cán bộ y tế, chiến sĩ hy sinh, đồng bào tử vong do đại dịch Covid-19 trong phiên khai mạc.

Về chia Tổ đại biểu Quốc hội

Tại kỳ họp thứ hai, căn cứ tình hình dịch bệnh tại Hà Nội cơ bản được kiểm soát tốt, đề nghị bố trí Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội dự họp tại Nhà Quốc hội. Theo đó, sẽ giảm một điểm cầu và đề nghị chia các vị đại biểu Quốc hội thảo luận ở 72 Tổ đại biểu Quốc hội.

Cụ thể, 10 Tổ tại Nhà Quốc hội gồm hơn 200 đại biểu Quốc hội công tác ở Hà Nội, Tổ trưởng là Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Còn 62 Tổ/62 địa phương còn lại gồm gần 300 vị đại biểu Quốc hội, Tổ trưởng là Trưởng Đoàn hoặc Phó Trưởng Đoàn.

Tại phiên họp thứ tư, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá XV. Ảnh: Duy Linh
Tại phiên họp thứ tư, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá XV. Ảnh: Duy Linh

Về biểu quyết thông qua các nội dung

Theo phương án họp trực tuyến kết hợp với họp tập trung, việc biểu quyết thông qua các dự thảo luật, nghị quyết (tại đợt 2) vẫn áp dụng hình thức biểu quyết điện tử như thông lệ, riêng việc thông qua chương trình kỳ họp (tại phiên trù bị) đề nghị áp dụng hình thức biểu quyết qua phần mềm cài đặt trên iPad.

Văn phòng Quốc hội đã phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và các cơ quan hữu quan hoàn thiện phần mềm biểu quyết cài đặt trên iPad; tổ chức thử nghiệm, kiểm tra phần mềm ba lần trước khi khai mạc kỳ họp.

Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội cho biết: Đến nay, đã tiến hành thử nghiệm được một lần vào ngày 8/10 và về cơ bản, phần mềm biểu quyết này vận hành tốt, đáp ứng yêu để áp dụng tại kỳ họp này.

Trong trường hợp họp trực tuyến cả kỳ, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho áp dụng hình thức biểu quyết qua phần mềm cài đặt trên iPad đối với các dự thảo luật, nghị quyết; đồng thời, đề nghị dự phòng phương án biểu quyết bằng giơ tay và bỏ phiếu kín.

Về biểu quyết bằng bỏ phiếu kín

Quốc hội bầu Ban kiểm phiếu gồm Trưởng ban và các thành viên là đại biểu Quốc hội với thành phần như sau: (1) Bộ phận thường trực gồm một số đại biểu Quốc hội ở Hà Nội; (2) Bộ phận kiểm phiếu ở các Đoàn gồm: Trưởng Đoàn hoặc Phó Trưởng đoàn chuyên trách là tổ trưởng và một hoặc hai thành viên là đại biểu Quốc hội của Đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành phố. Việc biểu quyết bầu Ban kiểm phiếu tiến hành bằng hình thức giơ tay.

Ban kiểm phiếu sau khi được thành lập sẽ điều hành toàn bộ việc biểu quyết thông qua các dự án luật, dự thảo nghị quyết của kỳ họp bằng hình thức bỏ phiếu kín. Phiếu biểu quyết sẽ được thành viên Ban kiểm phiếu phát cho đại biểu Quốc hội để biểu quyết về từng nội dung.

Sau khi đại biểu biểu quyết xong, thành viên ban kiểm phiếu tại các địa phương sẽ thu phiếu, kiểm phiếu và báo cáo kết quả về bộ phận thường trực tại điểm cầu Nhà Quốc hội để tổng hợp kết quả kiểm phiếu chung tại Nhà Quốc hội và báo cáo Quốc hội về kết quả biểu quyết tại phiên họp toàn thể.

Về nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước

Trong trường hợp họp trực tuyến, việc họp kín không thể bảo đảm tiến hành như thông thường, đề nghị báo cáo Quốc hội cho tiến hành việc xem xét, quyết định nội dung này như sau: (1) Không trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm tra, báo cáo giải trình. (2) Việc thảo luận chỉ tiến hành tại Tổ (không thảo luận tại phiên họp toàn thể trực tuyến). (3) Việc biểu quyết thông qua được tiến hành tại phiên toàn thể trực tuyến, không trình bày nội dung cụ thể của Nghị quyết cũng như điều, khoản mà chỉ nêu tên Nghị quyết, tên điều, khoản; có thể thực hiện theo một trong ba cách: Biểu quyết bằng phần mềm cài đặt trên iPad /bỏ phiếu kín/giơ tay. (4) Việc gửi, nhận tài liệu liên quan (hồ sơ dự thảo nghị quyết, báo cáo tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến,…) qua đường cơ yếu.

Về thời gian tiến hành kỳ họp

Để tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo Quốc hội cho giảm thời gian trình bày tờ trình, báo cáo từ 15 phút xuống còn 10 phút (dự kiến giảm khoảng 0,5 ngày so với phương án trình bày 15 phút/tờ trình, báo cáo). Đồng thời, đề nghị tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về rút ngắn thời gian thảo luận ở Tổ, giảm thời gian thảo luận trực tuyến trong một số nội dung.

Về các điều kiện bảo đảm

Văn phòng Quốc hội xây dựng Đề án tổng thể về công tác thông tin, báo chí tuyên truyền phục vụ kỳ họp thứ hai nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu công khai, minh bạch các hoạt động của Quốc hội, bảo đảm thông tin về kỳ họp Quốc hội lan tỏa sâu, rộng cả trong và ngoài nước để cử tri và Nhân dân theo dõi, giám sát.

Bên cạnh đó, phối hợp Bộ Y tế ban hành Kế hoạch số 1539/KH-BYT của Bộ Y tế về bảo đảm công tác y tế và phòng, chống dịch bệnh Covid-19 phục vụ kỳ họp thứ hai.

Có ý kiến đề nghị nên thay hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp bằng hoạt động “lắng nghe hiến kế của Nhân dân” thông qua đại biểu Quốc hội để đưa ra các giải pháp khôi phục sản xuất kinh doanh, chuyển đời sống kinh tế - xã hội sang trạng thái bình thường mới. 

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, thông qua báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình; việc phát biểu tại phiên thảo luậnvề kinh tế - xã hội, các vị đại biểu Quốc hội đã truyền tải ý kiến của Nhân dân và cử tri đến với Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội nêu rõ: Hoạt động chất vấn tại kỳ họp này là một hình thức giám sát, thể hiện sự đồng hành của Quốc hội cùng cả hệ thống chính trị, đặc biệt Chính phủ tập trung tháo gỡ khó khăn, tìm ra các giải pháp hiệu quả trong phòng, chống dịch, phục hồi sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.../.

“Đây là kỳ họp hết sức quan trọng vì bước vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của nhiệm kỳ và quyết định khung khổ kế hoạch năm 2022, Quốc hội tiếp tục đổi mới, rút ngắn tối đa thời gian kỳ họp nhưng phải bảo đảm chất lượng cao nhất; sản phẩm cuối cùng là các dự án luật, các quyết sách đúng đắn nhất”.

“Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát nhưng còn diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế, xã hội đòi hỏi cố gắng nỗ lực vượt bậc trong quý tư để đạt kết quả cao nhất. Tinh thần chung là Quốc hội đồng hành cùng cả nước.

Quốc hội có thể làm việc thêm cả chủ nhật để sớm bế mạc Kỳ họp thứ hai, đồng thời trong điều kiện cho phép, xem xét tổ chức một phiên họp chuyên đề cuối năm để quyết định một số vấn đề quan trọng khác”.

(Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ)

Tin cùng chuyên mục
“Đắk Lắk đã chuyển mình, vươn lên mạnh mẽ, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc được nâng lên”

“Đắk Lắk đã chuyển mình, vươn lên mạnh mẽ, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc được nâng lên”

Đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tại Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), diễn ra tối 22/11. Tham dự Lễ kỷ niệm có Mẹ Việt Nam Anh hùng Thái Thị Tài; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr và lãnh đạo các bộ, ngành, các tỉnh bạn, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ.