Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá kết quả Kỳ họp thứ nhất và cho ý kiến bước đầu chuẩn bị Kỳ họp thứ hai

PV - 14:07, 18/08/2021

Sáng 18/8, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 2, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng kết Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng kết Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng kết Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV

Trình bày dự thảo báo cáo tổng kết Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, sau 9 ngày làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, tập trung, đoàn kết, dân chủ, tâm huyết, trí tuệ, Kỳ họp thứ nhất đã kết thúc rất tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra, bảo đảm an toàn tuyệt đối, tạo sự lan tỏa tích cực, củng cố niềm tin vững chắc của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Quốc hội đã xem xét, kiện toàn về tổ chức và nhân sự cấp cao của các cơ quan trong bộ máy nhà nước; xem xét các báo cáo về tổng kết bầu cử, kết quả xác nhận tư cách đối với 499 đại biểu Quốc hội khóa XV; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ nhất; quyết định các kế hoạch 5 năm về kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách; chương trình mục tiêu quốc gia; chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; chương trình giám sát năm 2022 và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Trong quá trình tiến hành kỳ họp, trước tình hình dịch bệnh lây lan nhanh và tác động tiêu cực ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chủ động đề xuất và phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các cơ quan hữu quan để kịp thời trình Quốc hội bổ sung việc ban hành Nghị quyết Kỳ họp thứ nhất, trong đó quy định các biện pháp mạnh mẽ, cấp bách về phòng, chống dịch Covid-19 nhằm kiểm soát hiệu quả, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, đáp ứng kịp thời đòi hỏi của thực tiễn cũng như mong mỏi, kỳ vọng của Nhân dân.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, kết quả của Kỳ họp có ý nghĩa rất quan trọng, là sự tiếp nối, phát huy thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, qua đó góp phần kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách trước mắt và quyết định những vấn đề lớn mang tính chiến lược, dài hạn nhằm thể chế hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, tạo khuôn khổ pháp lý để Chính phủ, các địa phương triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước giai đoạn 2021-2025.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo tại phiên họp
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo tại phiên họp

Về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, hiện tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, theo đó, việc tổ chức Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV cần được chuẩn bị, cân nhắc thật kỹ lưỡng về cả nội dung, cách thức tiến hành và các điều kiện bảo đảm để kỳ họp khai mạc đúng thời gian quy định (ngày 20/10/2021), bảo đảm chất lượng, tiến độ và tuyệt đối an toàn về phòng, chống dịch.

Về dự kiến nội dung Kỳ họp thứ 2, Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, dự thảo Nghị quyết về Định hướng công tác lập pháp của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Xem xét, cho ý kiến 05 dự án: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Quốc hội xem xét các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022; Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Xem xét, quyết định: Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Quy hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021-2025. Xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về: công tác phòng, chống tham nhũng; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2021. Xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về xử lý tài chính cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi thanh toán khoản tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm của Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Tại Kỳ họp thứ 2, dự kiến Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; Tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; Xem xét thông qua Nghị quyết chung của kỳ họp (nếu có) và một số nội dung khác liên quan.

Về các phương án tổ chức kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội dự kiến 2 phương án tổ chức kỳ họp. Theo đó, Phương án 1, Quốc hội họp trực tuyến cả kỳ nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 17 ngày và 01 ngày dự phòng. Khai mạc vào ngày 20/10, bế mạc ngày 10/11/2021. Phương án 2, Quốc hội họp trực tuyến kết hợp với họp tập trung tại Nhà Quốc hội và chia thành 02 đợt nếu dịch bệnh đã được kiểm soát tốt mới về họp tập trung. Đợt 1 họp trực tuyến 11 ngày từ 20/10 đến 2/11/2021. Đợt 2 họp tập trung 6 ngày từ ngày 4/11 đến 10/11/2021.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thảo luận tại phiên họp
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thảo luận tại phiên họp

Thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm phân tích bối cảnh tiến hành Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, về nội dung, cách thức tổ chức tiến hành; đánh giá kết quả của kỳ họp; chỉ ra những kết quả nổi bật tại kỳ họp và những bài học rút kinh nghiệm trong tổ chức để vừa nâng cao chất lượng kỳ họp vừa rút ngắn thời gian họp; những đối mới trong hoạt động của Quốc hội, việc bố trí sắp xếp thời gian, việc xây dựng đội ngũ thư ký phục vụ thảo luận tổ góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp ý kiến thảo luận tổ; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội với các cơ quan hữu quan. Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề cần được khắc phục trong thời gian.

Điều hành thảo luận, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, điều quan trọng là đánh giá được sát đúng, rút ra được bài học kinh nghiệm.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV vừa qua dù chỉ có 9 ngày làm việc nhưng đã giải quyết được khối lượng công việc đồ sộ cho thấy nỗ lực của Quốc hội và các cơ quan hữu quan. Quốc hội làm việc cả thứ 7 và chủ nhật là điều chưa từng có tiền lệ. Khác với thông lệ các kỳ họp đầu tiên của các khóa chủ yếu dành cho công tác nhân sự thì kỳ họp này Quốc hội giải quyết nhiều nội dung và đều đạt chất lượng tốt. Quốc hội ban hành 29 nghị quyết trong đó có Nghị quyết số 30/2021/QH15 có nội dung trao quyền cho Chính phủ cũng là điều chưa từng có tiền lệ. Công tác nhân sự đạt được sự đồng thuận cao.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, bài học thành công của kỳ họp là nhờ sự bố trí chương trình khoa học, hợp lý; có được sự đồng thuận của đại biểu Quốc hội; sự đồng hành giữa Quốc hội và Chính phủ và đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong công tác nhân sự.

Phát biểu thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết thêm, có được sự thành công vừa ua là nhờ sự chủ động từ sớm, từ xa của các cơ quan của Quốc hội. Theo sự chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, các cơ quan thẩm tra đã chủ động vào cuộc ngay từ ban đầu đối với các dự án, tờ trình, báo cáo mà không đợi có văn bản, hồ sơ chính thức mới tiến hành thẩm tra.

Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chia sẻ, dù mới tham gia Quốc hội nhưng qua Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, thấm thía bài học về điều hành của Chủ tịch Quốc hội với vai trò của người đứng đầu đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan trong tổ chức thực hiện. Chủ tịch Quốc hội đã luôn bám sát các cơ quan của Quốc hội để theo dõi tình hình triển khai các nhiệm vụ để chuẩn bị cho phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kỳ họp Quốc hội, đồng thời gợi mở nhiều vấn đề nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng cho rằng, thành công của Kỳ họp thứ Nhất là nhờ có được 3 chủ động: chủ động dự báo – chủ động chuẩn bị từ sớm từ xa – chủ động đến với nhau (chủ động phối hợp nội bộ và với các cơ quan hữu quan, không ngại việc).

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp

Liên quan đến việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết trọng tâm của Kỳ họp là công tác lập pháp xây dựng thể chế nhiều vấn đề cần có kế hoạch sớm, dù cấp bách và cần thực hiện theo quy trình rút gọn để đáp ứng yêu cầu thực tế nhưng cũng cần được chuẩn bị kỹ lưỡng từ sớm theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, siết chặt kỷ luật kỷ cương trong công tác lập pháp.

Nhiều ý kiến phát biểu cho rằng cần thể hiện theo 3 phương án tổ chức kỳ họp gắn với dự báo tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và cơ sở đối chiếu với dự kiến nội dung kỳ họp. Theo đó, có thể có phương án họp trực tiếp toàn phần, họp trực tuyến toàn phần và họp kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến.

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, qua thảo luận, đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình và đánh giá cao với báo cáo do Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trình bày về đánh giá kết quả Kỳ họp thứ nhất và việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Các báo cáo được tổng hợp trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp đánh giá của dư luận nhân dân, cử tri cả nước, Ban Tuyên giáo và các cơ quan thông tấn báo chí.

Chủ tịch Quốc hội hấn mạnh, bối cảnh của Kỳ họp thứ nhất có điểm khác biệt, bên cạnh công tác nhân sự thì ngay từ kỳ họp đầu tiên Quốc hội dù rất nhiều đại biểu mới, lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội mới nhận nhiệm vụ nhưng đã quyết định khung pháp lý cho cả nhiệm kỳ 5 năm là kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; kế hoạch tài chính công, vay và trả nợ công; kế hoạch đầu tư công trung hạn; cùng với đó là 2 chương trình mục tiêu quốc gia. Điều này tạo được khung pháp lý quan trọng và rất sớm để cụ thể hóa, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Trong tình hình cấp bách, Quốc hội đã có sáng kiến lập pháp để kịp thời ban hành được Nghị quyết 30 có nội dung về phòng chống dịch bệnh. Chủ tịch Quốc hội khẳng định dù khó khăn, thách thức lớn nhưng Kỳ họp thứ nhất đã thành công tốt đẹp trên nhiều phương diện, khởi đầu tốt đẹp cho nhiệm kỳ mới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận nội dung phiên họp
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận nội dung phiên họp

Về chuẩn bị Kỳ họp thứ 2, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, Kỳ họp thứ 2 phải tốt hơn Kỳ họp thứ nhất, trong đó, phải đặc biệt siết chặt kỷ cương lập pháp, tránh “dục tốc bất đạt”, các dự án luật phải được chuẩn bị kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý công tác thông tin tuyên truyền về kỳ họp Quốc hội cần phải có đề án tuyên truyền để bảo đảm thực hiện công khai minh bạch trong hoạt động của Quốc hội./.

Tin cùng chuyên mục
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các Anh hùng liệt sĩ

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các Anh hùng liệt sĩ

Nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), sáng 18/5, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn.