Với 100% đại biểu có mặt biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu bà Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021 giữ chức vụ Phó Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 – 2026; ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Toà án Nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2016-2021 giữ chức Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2021 – 2026; ông Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2016-2021 giữ chức vụ Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2021-2026.
Ngay sau đó, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2021 - 2026 Nguyễn Hòa Bình tuyên thệ nhậm chức theo luật định.
Trước sự chứng kiến của các vị Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các vị đại biểu Quốc hội, các vị khách quý, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình tuyên thệ: “Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước, tôi, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó”.
Phát biểu ngay sau tuyên thệ, Chánh án Toàn án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình hứa trên cương vị là người đứng đầu cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nguyện khắc ghi lời tuyên thệ trước Quốc hội, không ngừng rèn luyện và nêu gương. Cùng tập thể lãnh đạo và Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao phát huy truyền thống, đoàn kết một lòng, tận tâm, tận lực phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng, nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật; thực hiện đầy đủ các nguyên tắc tư pháp tiên tiến. Nỗ lực cao nhất để phát huy ưu điểm, thành tựu, đồng thời khắc phục hạn chế, thiếu sót và chăm lo xây dựng tòa án Nhân dân trong sạch, vững mạnh và chuyên nghiệp. Đẩy mạnh hơn nữa công cuộc cải cách tư pháp với nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng hoạt động và uy tín của tòa án để nền tư pháp ngày càng phát triển, để Nhân dân cảm nhận và thụ hưởng được công bằng và lẽ phải.
Cuối giờ chiều, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình Quốc hội Tờ trình cơ cấu, số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, Chính phủ đề xuất 27 thành viên Chính phủ gồm: Thủ tướng Chính phủ, 4 Phó Thủ tướng Chính phủ, 18 Bộ trưởng, 4 thủ trưởng cơ quan ngang bộ, đảm bảo sự kế thừa ổn định vừa có sự đổi mới theo hướng tinh gọn, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình Báo cáo thẩm tra cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ. Theo đó, Ủy ban Pháp luật nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về cơ cấu, số lượng thành viên Chính phủ. Đồng thời cho ý kiến về cơ cấu, số lượng thành viên Chính phủ.
Sau phần thẩm tra cơ cấu, số lượng thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra về đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao.
Theo Chương trình làm việc, ngày 27/7/2021, Quốc hội làm việc ở Hội trường, thảo luận về chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025; Thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021; Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2022.