Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Kỳ thi tốt nghiệp THPT bảo đảm mục tiêu kép

Thanh Huyền-Trọng Bảo - 06:35, 11/08/2020

Gần 900 nghìn thí sinh trên cả nước đã hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (diễn ra trong 2 ngày 9-10/8) - một kỳ thi phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có trong lịch sử - đại dịch Covid -19. Tuy nhiên, với nỗ lực của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự cố gắng của ngành Giáo dục, kỳ thi đã diễn ra an toàn, đúng quy định pháp luật và lan tỏa những nghĩa cử cao đẹp.

Các thí sinh tại điểm thi Trường THPT số 1 TP. Lào Cai (Lào Cai)
Các thí sinh tại điểm thi Trường THPT số 1 TP. Lào Cai (Lào Cai)

Đề thi có sự phân hóa cao 

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đã đáp ứng được mục tiêu kép, vừa bảo đảm chống dịch, đồng thời đáp ứng được yêu cầu tổ chức thi gọn nhẹ, thiết thực, khách quan, công bằng.

Đề thi năm nay được các thí sinh và giáo viên đánh giá có nội dung nằm trong Chương trình giáo dục THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12, phù hợp với tinh giản chương trình trong bối cảnh dịch Covid-19; bảo đảm mục đích của kỳ thi, trong đó mức độ phân hóa của đề thi cũng được điều chỉnh phù hợp. Kỳ thi năm nay, có 2 bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Thí sinh chọn 1 trong 2 bài thi tổ hợp thay vì chọn cả 2 bài thi như năm ngoái. Đề thi môn Ngữ văn tiếp tục được dư luận đánh giá cao vì ra theo hướng mở, phát huy tính sáng tạo của thí sinh...

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có tổng số 900.079 thí sinh đăng ký dự thi; trong đó có 26.308 thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 không thể dự thi. Tổng số điểm thi trên cả nước là 2.029, số phòng thi là 38.210. Trong 2 ngày thi, có tổng số 39 thí sinh vi phạm quy chế thi, trong đó có 1 thí sinh bị khiển trách, 38 thí sinh bị đình chỉ; 18 cán bộ vi phạm quy chế thi.

Tất cả thí sinh, kể cả trường hợp ốm đau không tự viết bài được cũng đã được các hội đồng thi tạo điều kiện để tham dự kỳ thi. Các hội đồng thi đều hỗ trợ tối đa cho thí sinh, bảo đảm không để thí sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không đến dự thi. Đặc biệt là ở các huyện, xã vùng DTTS và miền núi, hải đảo đã quan tâm sâu sát đến thí sinh là người DTTS, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, huy động các nguồn lực nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh tham gia kỳ thi.

Theo báo cáo nhanh của các địa phương, công tác coi thi được thực hiện nghiêm túc. Kỳ thi diễn ra trật tự, an toàn, bảo đảm khách quan công bằng. Kỷ cương trường thi được tăng cường, kỷ luật phòng thi được duy trì nghiêm tại tất cả các điểm thi trên cả nước. Mọi hành vi vi phạm quy chế thi đều được phát hiện và xử lý kịp thời, bảo đảm tính nghiêm minh của kỳ thi. Cho đến thời điểm này, chưa ghi nhận thấy hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức. 

Diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, không chỉ quán triệt công tác tổ chức thi một cách nghiêm túc nhất, ở mỗi hội đồng thi trên cả nước cũng đồng thời là một “pháo đài” chống dịch. Các địa phương đều thực hiện chu đáo, nghiêm túc công tác phòng, chống dịch Covid-19, từ phân loại thí sinh, khử khuẩn trường thi, giãn cách thí sinh, chuẩn bị khẩu trang, nước rửa tay diệt khẩn…

Đội sinh viên tình nguyện tiếp sức mùa thi Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc (Thái Nguyên)
Đội sinh viên tình nguyện tiếp sức mùa thi Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc (Thái Nguyên)

Lan tỏa những nghĩa cử vì cộng đồng 

Bên cạnh sự nỗ lực của thí sinh, cán bộ làm công tác coi thi là sự đóng góp thầm lặng của những chiến sĩ Công an trực công tác bảo vệ, y bác sĩ phòng, chống dịch, là đội ngũ sinh viên tình nguyện… Những cuốc xe miễn phí chở học trò, bữa cơm trưa thiện nguyện cho thí sinh nghèo đã trở thành những hình ảnh đẹp, lan tỏa tinh thần vì cộng đồng… 

Điển hình, tại tỉnh Lào Cai, có 6.379 thí sinh đăng ký dự thi tại 18 điểm thi, với 274 phòng thi. Để hỗ trợ cho các thí sinh, Ban Chỉ đạo thi cũng như các đơn vị trên địa bàn đã thực hiện Chương trình “Tiếp sức mùa thi” tại 18/18 điểm thi, với 1.800 suất ăn trưa miễn phí cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn và 300 bình nước uống, nước sát khuẩn tại các điểm thi...

Tại tỉnh Cao Bằng đã thành lập 71 đội “Tiếp sức mùa thi”, với tổng số 923 tình nguyện viên tham gia. Việc ăn uống, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm của thí sinh được quan tâm, với 1.882 suất cơm miễn phí được phục vụ.

Tỉnh Kon Tum đã có hàng trăm tình nguyện viên đã tham gia vào đội xe ôm tình nguyện miễn phí, đội hỗ trợ an toàn giao thông và đội phòng, chống Covid-19. Tỉnh đoàn Kon Tum cũng bố trí 650 tình nguyện viên hỗ trợ tại 12 điểm thi trên địa bàn tỉnh. Tại tỉnh Sóc Trăng, đối với các em học sinh khó khăn, các địa phương đã vận động, được chính quyền, đoàn thể địa phương hỗ trợ cho 78 thí sinh, mỗi em 200.000 đồng. Tổ chức phát trên 1.400 khẩu trang, trên 1.500 chai nước suối, hỗ trợ chỗ nghỉ cho 70 thí sinh nhà ở xa nghỉ lại buổi trưa. Tại điểm thi Trường THPT Dân tộc Nội trú Huỳnh Cương, tuổi trẻ Trường Cao đẳng cộng đồng Sóc Trăng đã tổ chức nấu cơm cho trên 200 thí sinh là học sinh dân tộc Khmer tham gia thi tại đây... 

Nhằm bảo đảm công bằng trong công tác chấm thi, năm nay, Bộ GD&ĐT thực hiện kế hoạch tổ chức thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT. Sẽ có 191 cán bộ, chuyên viên, giảng viên đại học tham gia 32 đoàn thanh tra tại 63 Sở GD&ĐT. 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng khẳng định: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều thay đổi, có nhiều điểm mới trong công tác thanh tra thi. Đến thời điểm hiện tại, công tác thanh tra chấm thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đã sẵn sàng, bảo đảm tính công bằng, minh bạch.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.