Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Ứng dụng - Sáng tạo

Kỹ thuật phòng trừ sâu đục thân hại cây thảo quả

Như Ý - 10:21, 12/01/2021

Thảo quả là cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, góp phần quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Để nâng cao năng suất và chất lượng của thảo quả, ngoài kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái và chế biến thì biện pháp phòng trừ sâu bệnh cho cây thảo quả đóng một vai trò quan trọng để giúp cây sinh trưởng phát triển tốt, đem lại năng suất cao. Một trong những đối tượng sâu bệnh hại chủ yếu ảnh hưởng trực tiếp đến sinh trưởng và năng suất thảo quả là sâu đục thân. Sau đây là kỹ thuật phòng trừ sâu đục thân hại cây thảo quả để bà con tham khảo:

Triệu chứng gây hại của sâu đục thân trên cây thảo quả.
Triệu chứng gây hại của sâu đục thân trên cây thảo quả.

Triệu chứng gây hại:

Sâu đục thân thảo quả là loài sâu thuộc biến thái hoàn toàn (vòng đời sâu có đủ 4 pha gồm: Trứng, sâu non, nhộng và trưởng thành). Sâu trưởng thành (bướm) đẻ trứng rải rác tại các bẹ lá của thân cây, sâu non sau nở đục vào trong thân thảo quả, tại những chỗ bị đục thường có mầu xám tro và có phân sâu đùn ra ngoài. Những cây thảo quả bị sâu đục thân gây hại thường sinh trưởng chậm, lá biến vàng, bị hại nặng có thể gây chết cây. Bị hại sớm, cây sẽ không có khả năng ra hoa; những cây bị hại muộn thường ra hoa muộn và cho quả nhỏ, hạt bị lép. Tác hại của sâu đục thân làm ảnh hưởng trực tiếp đến sinh trưởng và năng suất, chất lượng của hạt thảo quả.

Qui luật phát sinh gây hại:

Sâu đục thân thảo quả thường gây hại rải rác quanh năm, nhưng thường gây hại nặng vào vụ Hè thu (từ tháng 7 đến cuối tháng 9 hàng năm). Những diện tích thảo quả trồng dầy thường bị sâu đục thân gây hại nặng hơn các diện tích khác. Tại những vị trí có lượng ánh sáng trực xạ nhiều thường bị sâu đục thân hại nặng hơn những vị trí chủ yếu là ánh sáng tán xạ.

Sâu đục thân thảo quả thường bị một số loài côn trùng ký sinh và tiêu diệt như: Ong vàng ký sinh sâu non, bọ rùa vằn và kiến vàng ăn trứng... Vì vậy, đây là một số loài thiên địch quan trọng cần được bảo vệ đối với những khu vực có gieo trồng thảo quả.

Phòng trừ sâu đục thân thảo quả:

Vấn đề dùng thuốc hóa học phòng trừ sâu đục thân thảo quả thường tốn kém và hiệu quả thấp do thảo quả được trồng trên rừng nên nguồn nước gặp nhiều khó khăn; bên cạnh đó khi dùng thuốc hóa học chỉ có hiệu quả sau khi sâu non mới nở chưa đục vào thân nhưng vấn đề dự tính - dự báo đối tượng sâu hại này gặp nhiều khó khăn và độ tin cậy thấp.

Vì vậy, trước khi trồng thảo quả, cần kiểm tra kỹ các cây giống, loại bỏ kịp thời những cây bị nhiễm sâu đục thân để tiêu hủy tránh lây lan. Không nên trồng thảo quả ở những vị trí có nhiều ánh sáng trực xạ, trồng mật độ hợp lý không nên trồng quá dày.

Thường xuyên kiểm tra, theo dõi vườn thảo quả nhằm phát hiện những cây bị sâu đục thân gây hại để có biện pháp ngắt và tiêu hủy kịp thời tránh lây lan (tập trung vàovụ Hè thu từ tháng 7 đến tháng 9 hàng năm).

Bảo vệ và nhân nuôi một số loài thiên địch như: Kiến vàng, bọ rùa vằn, ong mắt đỏ... tại những khu rừng có gieo trồng thảo quả góp phần mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác phòng trừ sâu đục thân hại thảo quả và góp phần bảo vệ sự đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng./.

Tin cùng chuyên mục
Cách đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID

Cách đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID

Sở Tư pháp thành phố Hà Nội vừa xây dựng tài liệu Hướng dẫn đăng ký cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID) và Hướng dẫn tra cứu trạng thái hồ sơ và nhận kết quả cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trên VNeID. Theo đó, người dân đề nghị cấp phiếu lý lịch tư pháp ngay trên ứng dụng VNeID cần thực hiện theo 7 bước sau đây.