Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Kỳ vọng về sự đổi thay ở vùng đồng bào DTTS&MN

Thanh Huyền - 09:40, 29/10/2019

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã đi được 1/3 chặng đường. Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã quan tâm giải quyết nhiều vấn đề cử tri gửi gắm, dư luận quan tâm. Đặc biệt, cử tri vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) kỳ vọng về đổi thay mới trong đời sống kinh tế - xã hội (KT-XH) của người dân.

Vùng đồng bào DTTS&MN ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước.
Vùng đồng bào DTTS&MN ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước.

Công tác dân tộc được quan tâm hơn 

Từ sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.526 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước thông qua các Đoàn đại biểu Quốc hội và hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên gửi tới Quốc hội.

Cử tri, Nhân dân ghi nhận và đánh giá cao những chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực phát triển KT-XH của đất nước thời gian qua. An sinh xã hội cơ bản được bảo đảm; đời sống Nhân dân tiếp tục được nâng cao; việc chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng được chú trọng; Chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững đạt được kết quả tích cực; công tác dân tộc được quan tâm hơn; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố; độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia được giữ vững…. Những kết quả đó tạo động lực mới, khí thế mới cho việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2019 và các năm tiếp theo. 

 Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết: “Bên cạnh những kết quả tích cực, cử tri, Nhân dân băn khoăn, lo lắng nhiều vấn đề, như: Quan liêu, tham nhũng, lãng phí mới được ngăn chặn ở mức độ nhất định; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số địa phương chưa triệt để gây bức xúc trong Nhân dân; biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long; tình trạng sạt, lở bờ sông, bờ biển ngày càng nghiêm trọng…

Nhiều cử tri cho rằng, đời sống người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn; sự phân hóa giàu - nghèo trong xã hội ngày càng gia tăng… Chất lượng y tế, giáo dục ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế; chính sách cho đồng bào DTTS còn phân tán, thiếu nguồn lực; giảm nghèo chưa thực sự bền vững…

Ưu tiên thúc đẩy KT-XH vùng đồng bào DTTS

Tại kỳ họp này, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị 5 nhóm vấn đề. Trong đó, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, địa phương ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển KT-XH ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu; triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ người dân đã ban hành; gắn việc triển khai các dự án trọng điểm quốc gia với phát triển KT-XH, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước phát triển, tạo việc làm và ổn định đời sống người dân bị ảnh hưởng khi triển khai các dự án…

Có thể thấy, công tác dân tộc ngày càng được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ quan tâm. Tại kỳ họp thứ 8, Đề án Tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định. 

“Trong phiên thảo luận về tình hình KT-XH; phiên chất vấn và trả lời chất vấn tới đây, chúng tôi mong rằng, Quốc hội quan tâm thảo luận về tình hình KT-XH vùng đồng bào DTTS. Chúng tôi kỳ vọng, Quốc hội thông qua Đề án Tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN để giải quyết những khó khăn hiện nay, mang lại sự đổi thay mới, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa vùng đồng bào DTTS&MN với vùng thuận lợi”, cử tri Hoàng Văn Minh (Hà Giang) gửi gắm.