Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Lai Châu : Chất lượng giáo dục vùng ĐBKK được cải thiện

PV - 16:44, 06/08/2018

Thời gian qua, công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ luôn được các cấp chính quyền tỉnh Lai Châu quan tâm, đẩy mạnh thực hiện. Nhờ đó, ngành Giáo dục tỉnh Lai Châu đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, xóa mù chữ mức độ 1, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 và THCS mức độ 1.

Lai Châu Tuy còn nhiều khó khăn nhưng đồng bào ở Lai Châu luôn quan tâm tới việc học hành của con em.

Ghé thăm xã Bản Lang, một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Phong Thổ (Lai Châu), chúng tôi được thầy Nguyễn Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học số 1 Bản Lang tiếp chuyện. Thầy Tuấn Anh cho biết: ở Bản Lang có 5 dân tộc anh em cùng sinh sống, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Thế nhưng, một điều đáng mừng là tuy còn nhiều khó khăn so với mặt bằng chung, nhưng nhận thức của người dân nơi đây về chăm lo cho con em được học hành chu đáo.

Hiện nay toàn xã có 6 trường, từ mầm non đến trung học cơ sở, với đầy đủ tiện nghi, phục vụ cho việc dạy và học. Để nâng cao chất lượng giáo dục, những năm qua các nhà trường đã nỗ lực vào cuộc với nhiều giải pháp thiết thực. Như trong năm học 2017-2018 vừa qua, nhà trường đã đẩy mạnh đổi mới phương pháp giảng dạy, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ trong nhà trường. Đội ngũ giáo viên thường xuyên gần gũi, động viên, giúp đỡ các em học tập tốt hơn…

“Nhờ đó, kết thúc năm học 2017-2018, tỷ lệ chuyên cần của nhà trường đạt 99%, tỷ lệ học sinh lên lớp đạt 100%. Không có học sinh bỏ học giữa chừng. Ngoài giờ lên lớp, chúng tôi còn tổ chức hướng dẫn các em học và làm bài tập, xây dựng các mô hình đôi bạn giúp nhau học tập, đôi bạn cùng tiến, tổ chức cho các em trồng rau, trồng hoa, nuôi lợn, gà… để rèn kỹ năng sống”, thầy Nguyễn Tuấn Anh nói.

Đặc biệt, với phương pháp tổ chức dạy học theo đối tượng vùng, miền được áp dụng ở nhiều trường vùng cao, góp phần tích cực trong nâng cao chất lượng giáo dục. Ngay từ đầu năm học mới, Nhà trường đã tổ chức khảo sát, phân chia trình độ nhận thức của các em trong cùng một lớp tương đối đồng đều. Các giáo viên đầu tư thêm thời gian, lấp lỗ hổng kiến thức cho học sinh. Tiến hành kiểm tra, giám sát đảm bảo học sinh trong lớp cơ bản đạt tiêu chuẩn kiến thức theo yêu cầu, từ đó mới bắt đầu tổ chức dạy học theo chương trình chính khóa.

Bên cạnh đó, các trường bán trú vùng cao còn tích cực tổ chức các hoạt động bán trú cho học sinh để huy động, thu hút các em ra lớp; Nâng cao tỷ lệ chuyên cần, như đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhà xa, đi học không đều, nghiên cứu các giải pháp đưa các em vào ở bán trú tại trường, chăm lo cho các em từ kiến thức đến bữa ăn, giấc ngủ. Thường xuyên tổ chức các hoạt động văn nghệ, xây dựng các mô hình gắn với cuộc sống để các em tham gia như chăn nuôi, trồng trọt…

Em Lò Thị Nghiên, học sinh lớp 5 Trường PTDTBT số 1 Bản Lang chia sẻ: “Do nhà xa nên em được ở lại nhà bán trú của trường, được tham gia các hoạt động do thầy cô tổ chức em rất vui. Ngoài những kiến thức trên lớp, em còn học hỏi thêm nhiều kỹ năng sống và kiến thức từ các hoạt động ngoại khóa”.

Theo ông Hoàng Đức Minh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp đến nay, chất lượng giáo dục của các cấp học tại 75 xã ĐBKK có sự chuyển biến tích cực. Đặc biệt là, các chỉ tiêu đề ra về nâng cao chất lượng giáo dục vùng ĐBKK đã hoàn thành xuất sắc. Giáo dục mầm non 4/4 chỉ tiêu đạt và vượt; giáo dục tiểu học 10/11 chỉ tiêu đạt; giáo dục THCS 11/11 chỉ tiêu đạt và vượt, từng bước giảm khoảng cách với các xã vùng II...

HOÀNG QUÝ

Tin cùng chuyên mục
Nữ sinh người Thái đạt điểm cao có nguy cơ bỏ lỡ đại học vì nhà nghèo

Nữ sinh người Thái đạt điểm cao có nguy cơ bỏ lỡ đại học vì nhà nghèo

Mặc dù gia cảnh nghèo khó, nữ sinh Hà Khánh Ly, dân tộc Thái, ở bản Páng, xã Phú Thanh, huyện vùng cao Quan Hóa (Thanh Hóa) vẫn chăm chỉ học tập và đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua. Em có nguy cơ bỏ lỡ ước mơ vào đại học vì không có điều kiện đến trường.