Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Lai Châu: Người dân có thu nhập ổn định từ cây cao su

Hoài Dương - 20:28, 24/11/2019

Sau 12 năm cây cao su bén rễ, phát triển tại một số huyện như Sìn Hồ, Phong Thổ, Than Uyên, Nậm Nhùn, Mường Tè của tỉnh Lai Châu, đến nay, hàng nghìn hộ dân góp đất trồng cao su đã ;có thu nhập ổn định với 10% giá trị sản phẩm mủ trên vườn cây khai thác. Bên cạnh đó, với trên 14ha vườn cây cao su, Lai Châu cũng đã tạo việc làm và thu nhập cho 1.700 công nhân.

Công nhân Công ty CP Cao su Lai Châu thu hoạch mủ cao su.
Công nhân Công ty CP Cao su Lai Châu thu hoạch mủ cao su.

Là một trong hàng chục nghìn hộ dân tham gia góp đất trồng cao su, ông Lò Văn Sơn, bản Pắn Ngọi, xã Noong Hẻo, huyện Sìn Hồ chia sẻ: Năm 2018, gia đình tôi góp đất cho Công ty CP Cao su Lai Châu 5,7ha để trồng cao su. Năm nay là năm thứ 2 Công ty đã chi trả cho gia đình 10% sản phẩm mủ mỗi lần khai thác với số tiền trên 6,3 triệu đồng. Đó là khoản thu không nhỏ đối với gia đình tôi cũng như bà con tham gia góp đất trồng cao su.

“Mong rằng giá mủ cao su sẽ cao hơn và sản lượng Công ty thu hoạch cũng sẽ nhiều lên để bà con địa phương có thêm thu nhập ổn định, góp phần nâng cao đời sống”, ông Sơn nói.

Được biết, tháng 6/2018 Công ty CP Cao su Lai Châu bắt đầu tiến hành chi trả 10% giá trị sản phẩm mủ cao su khai thác cho người dân góp đất với tổng số tiền 2.831 tỷ đồng; tháng 1/2019 là 5.191 tỷ đồng; dự kiến cuối năm 2019 sẽ chi trả khoảng 7.374 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hồng Thắng, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Lai Châu, cho biết: Công ty đã ký kết hợp đồng góp đất với 4.125 hộ, tổng diện tích là 7.687,1ha. Với vườn cây cao su trồng từ năm 2008 - 2010, Công ty đã chi trả cho bà con được 2 đợt với số tiền trên 8 tỷ đồng.

“Hiện nay, Công ty vẫn đang tiếp tục phối hợp với huyện Sìn Hồ và huyện Phong Thổ tiến hành đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân để kịp thời chi trả”, ông Thắng thông tin thêm.

Ngoài ra, cùng với đó, cây cao su còn tạo thêm việc làm và thu nhập ổn định cho 1.700 công nhân tại địa phương.

Chị Pờ Thị Yến, bản Co Muông, xã Khổng Lào, huyện Phong Thổ làm công nhân cho Nông trường Cao Su Phong Thổ thuộc Công ty CP Cao su Lai Châu từ năm 2009 với mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng.

Chị Yến bảo: “Ngoài thời gian thu hoạch mủ vẫn có thể làm được việc đồng áng. Chúng tôi lại được Công ty đóng bảo hiểm, được quan tâm thăm hỏi khi ốm đau. Tôi sẽ gắn bó lâu dài với Công ty và cây cao su”.

Toàn tỉnh Lai Châu có 12.695ha cây cao su (5.056ha khai thác). Trong đó, Công ty CP Cao su Lai Châu 6.948ha (3.726ha khai thác); Công ty CP Cao su Lai Châu II 4.727 ha (1.330ha khai thác); Công ty CP Cao su Dầu Tiếng Lai Châu 1.020 ha.

Ông Nguyễn Xuân Phú, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Lai Châu II chia sẻ: Hiện nay, cây cao su phát triển xanh tốt, mật độ khép tán lại dày. Năm 2019, Công ty được giao sản lượng 1.000 tấn/1.330ha khai thác. Đến hết tháng 9 đã thu được hơn 730 tấn mủ quy khô, phấn đấu cuối năm sẽ vượt 1.100 tấn mủ. Năm 2020, Công ty dự kiến khai thác 2.160ha với 1.385 tấn mủ”.


Tin cùng chuyên mục
Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Thời gian qua, huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam) đã triển khai nhiều mô hình sinh kế mới như nuôi hưu lấy nhung, chuỗi liên kết sản xuất chè, chuỗi sản xuất về chăn nuôi heo, bò… Những mô hình này không chỉ cải thiện sinh kế cho người dân, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.