Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Lâm Bình (Tuyên Quang): Xây dựng du lịch cộng đồng nói không với rác thải nhựa

PV - 09:46, 01/07/2019

Nhằm bảo vệ môi trường, hiện nay, nhiều địa phương làm du lịch đã và đang xây dựng những tour du lịch “sạch”, nói không với rác thải nhựa để nâng cao chất lượng du lịch. Tại huyện vùng cao Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang, mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường, nói không với rác thải nhựa đã và đang mang lại hiệu quả tích cực.

Cốc, bát được làm bằng tre để thay thế dần những dụng cụ bằng nhựa. Cốc, bát được làm bằng tre để thay thế dần những dụng cụ bằng nhựa.

Đến với các điểm du lịch cộng đồng tại huyện Lâm Bình, điều làm cho du khách thích thú là không khí trong lành và có nhiều vật dụng phục vụ trong sinh hoạt tại các Homestay được làm từ tre, nứa và các nguyên vật liệu có sẵn từ thiên nhiên.

Không biết từ bao giờ, việc hạn chế dùng rác thải nhựa đã đi vào thói quen sinh hoạt của bà con Nhân dân các dân tộc nơi đây. Những khẩu hiệu, thùng rác được bố trí khắp mọi nơi công cộng trong cộng đồng với mục đích thay đổi dần tư duy nói không với rác thải nhựa. Ai ai cũng mong muốn giữ được môi trường xanh, sạch, đẹp, bởi với Nhân dân vùng cao này, môi trường trong sạch là rất quan trọng để phát triển kinh tế du lịch.

Ông Chẩu Minh Vỹ, chủ Homestay Anh Thế, thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can, cho biết: Việc sử dụng cốc làm từ tre, túi đan bằng nứa, bằng vải của bà con trong thôn, thay cho những vật dụng bằng nhựa và túi ni lông đã giúp cho du khách được trải nhiệm cuộc sống thực tế của đồng bào DTTS xưa. Không những thế còn góp phần giúp cho địa phương giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường và nâng cao chất lượng du lịch tại địa phương.

Việc nâng cao chất lượng du lịch gắn với bảo vệ môi trường đang là xu thế du lịch “xanh-sạch” được nhiều địa phương trong cả nước xây dựng. Anh Trần Ngọc Dũng, du khách từ Hà Nội đến với Lâm Bình, chia sẻ: “Khi đến với du lịch nơi đây, chúng tôi được trải nhiệm cuộc sống chân thật của bà con thông qua các vật dụng hằng ngày, từ chiếc cốc, bát, đũa, đến những chiếc gùi vác lên vai đều được làm từ tre, nứa để đi chợ mua sắm đồ. Chúng tôi nhận thấy việc hạn chế túi ni lông hiện nay là điều rất cần thiết. Sau khi trở về Hà Nội, chúng tôi cũng sẽ học theo bà con để chung tay cùng bảo vệ môi trường”.

Ông Trần Trọng Phi Trường, Chánh Văn phòng huyện Lâm Bình cho biết: “Với lượng khách du lịch lưu trú tại địa phương lên đến hơn 38.000 khách/tháng, việc hạn chế rác thải nhựa từ hoạt động du lịch là điều hết sức cần thiết và được địa phương trú trọng trong công tác bảo vệ môi trường Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang-Lâm Bình”.

Chính quyền huyện Lâm Bình coi việc thay đổi ý thức, thói quen sử dụng rác thải trong sinh hoạt hằng ngày của người dân là cách làm nhanh nhất để bảo vệ môi trường. Bằng những hành động thiết thực, Đoàn Thanh niên huyện đã thực hiện nhiều cuộc ra quân dọn dẹp rác thải, kết hợp với chính quyền để tuyên truyền, nâng cao ý thức cho bà con Nhân dân, coi việc bảo vệ môi trường là then chốt để phát triển du lịch huyện trong thời gian tới. Mới đây nhất, trong Tháng Thanh niên (3/2019), Đoàn Thanh niên huyện Lâm Bình đã tổ chức chiến dịch “Thanh niên tình nguyện hè gắn với xây dựng NTM”, trong đó có các hoạt động như phát động bảo vệ môi trường, nói không với rác thải nhựa. Phong trào đã thu hút hơn 350 đoàn viên, thanh niên tại các đơn vị trên địa bàn huyện tham gia.

Có được những kết quả này, xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó, có sự thành công về công tác tuyên truyền, vận động các hội, đoàn thể, chính quyền địa phương, nhưng đặc biệt phải kể đến sức hút của ngành Du lịch. Chính điều này đã làm thay đổi không chỉ toàn bộ diện mạo vùng cao, mà còn thay đổi nhận thức của người dân ăn sâu vào nếp ăn, nếp nghĩ bao đời nay.

NGHĨA HIỆP

Tin cùng chuyên mục