Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Làm rõ địa vị pháp lý, vai trò của Tập đoàn Dầu khí quốc gia

PV - 21:25, 14/04/2022

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) cần quy định thật rõ ràng về vị trí pháp lý, vai trò của Tập đoàn Dầu khí quốc gia, tránh gây ra các xung đột giữa chức năng tham mưu, quản lý nhà nước và tư cách nhà thầu.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu nhiều vấn đề liên quan dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu nhiều vấn đề liên quan dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).

Chiều 14/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp để cho ý kiến về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Tham dự phiên họp có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Tờ trình Luật Dầu khí (sửa đổi) nêu rõ, Dự thảo Luật gồm 9 chương, 56 điều; kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Dầu khí hiện hành, bảo đảm tính ổn định, liên tục của các hợp đồng dầu khí, Hiệp định đã ký kết; bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp về Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, mối quan hệ giữa Luật Dầu khí với các luật khác liên quan là một chủ đề lớn, mặc dù gọi là Luật Dầu Khí nhưng phạm vi tập trung chủ yếu vào “điều tra cơ bản hoạt động dầu khí” cho nên cơ quan soạn thảo có thể xem xét dùng nội dung nêu trên để đặt tên cho Luật.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, quy định về dự án, thăm dò dầu khí trong dự thảo Luật chưa rõ ràng, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, trên cơ sở đánh giá đầy đủ mô hình quản lý hoạt động dầu khí, kinh nghiệm quốc tế thường giao cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia những nhiệm vụ gì, để có nội dung quy định thật rõ ràng về vị trí pháp lý, vai trò của Tập đoàn Dầu khí quốc gia, tránh gây ra các xung đột giữa chức năng tham mưu, quản lý nhà nước và tư cách nhà thầu.

Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề về “chia cắt tập đoàn, tổng công ty”, lấy thí dụ trên thực tế các mỏ than đang giao cho Tập đoàn Than Khoáng sản, vậy khi Tập đoàn Dầu khí muốn thăm dò khí than sẽ thực hiện như thế nào, đây là vấn đề khi xây dựng Luật phải nghiên cứu để giải quyết ổn thỏa. Theo Chủ tịch Quốc hội, nội dung của dự thảo Luật chưa thể hiện được tính “phân cấp, phân quyền”, vì quy định nhiều nội dung thuộc quyền của Thủ tướng Chính phủ, cần nghiên cứu kỹ lại vấn đề này để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý, quá trình soạn thảo Luật đừng sợ viết Luật dài mà hãy viết thật kỹ lưỡng để Luật không bị sơ sài, mờ nhạt, không rõ ràng.

Đưa ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, ngoài tiêu chí “minh bạch, rõ ràng” trong quan điểm xây dựng dự thảo luật cần thêm tiêu chí “chặt chẽ” và “tăng cường kiểm soát” để ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động dầu khí.

Ngoài ra, về phạm vi, đối tượng điều chỉnh của văn bản (Điều 1 và Điều 2 dự thảo Luật), một số ý kiến nhất trí phạm vi điều chỉnh chỉ giới hạn hoạt động dầu khí thượng nguồn. Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh, bao gồm các khâu từ thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn để tạo cơ sở xây dựng chuỗi giá trị dầu khí và bảo đảm quản lý toàn diện hoạt động dầu khí.