Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Làng biển An Quang Tây: Ô nhiễm nặng vì nghề sơ chế mực xà

PV - 14:31, 02/10/2018

Làng An Quang Tây, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát (Bình Định) có hơn 200/618 hộ dân đang làm nghề rửa, phơi mực xà. Trong quá trình sơ chế mực, người dân xả thải trực tiếp ra đầm Đề Gi, gây ô nhiễm môi trường.

Ngột thở vì mùi hôi tanh

Chúng tôi về làng biển An Quang Tây vào mùa cao điểm làm mực xà. Chỉ cần tới đầu làng cũng đã bị mùi hôi tanh xộc ngay vào mũi. Qua quan sát, có thể thấy, mỗi hộ sơ chế mực xà, có tới hàng trăm vỉ phơi mực, bên cạnh đó là khu vực xả mực bốc lên mùi hôi thối do ruột, túi mực chảy trực tiếp thấm xuống đất và chảy tràn ra đầm Đề Gi gây ra lớp bùn đen đặc.

Người dân đang chế biến mực xà. Người dân đang chế biến mực xà.

Người dân trong làng cho biết, mùa làm mực kéo dài từ tháng 2 đến tháng 9 âm lịch. Khoảng thời gian này, người dân sống xung quanh phải chịu đựng mùi hôi thối cả ngày lẫn đêm. Ông Nguyễn Tiện (68 tuổi) chia sẻ: Mực xà được đánh bắt tại biển Đông đưa vào bờ, các hộ tự đánh bắt, hoặc có người thì mua mang về sơ chế tại gia đình rồi đợi bán cho tư thương tới thu mua.

Loại mực này chỉ có giá 20.000 đồng/kg, thường thấp hơn rất nhiều so với loại mực khác nên nhiều hộ tham gia làm. Các hộ cũng vì sinh kế, nhưng làm ngay tại khu dân cư, không có nơi quy hoạch tập trung và không có hệ thống xử lý nước thải nên cả làng phải hứng chịu mùi hôi thối kéo dài từ năm này qua năm khác. “Chúng tôi mong ngành chức năng vào cuộc giải quyết, xử lý để người dân được hít thở không khí trong lành”, ông Tiện kiến nghị.

Ông Nguyễn Công Tại, Trưởng thôn An Quang Tây thông tin: Loại mực xà này không hiểu sao côn trùng, động vật đều không dám ăn. Ngay cả vỉ phơi mực như vậy, nhưng tuyệt nhiên không có con ruồi nào đậu vào. Loại mực này ăn cũng không ngon, ngọt như các loại mực thông thường. Chúng tôi cũng không hiểu tư thương mua về làm gì? Việc sơ chế ban đầu mực xà gây ô nhiễm môi trường, mùi hôi thối phát tán khắp khu dân cư. Hôi thối nồng nhất là khi sơ chế mực xà con, vì phải để nguyên con nên không rút ruột, túi mực như mực xà lớn, càng gây hôi thối. Thôn cũng đã vận động người dân từ bỏ nghề này nhưng họ vẫn làm.

“Tuy chưa có kết luận của cơ quan chuyên môn về mức độ ảnh hưởng của việc ô nhiễm đối với sức khỏe người dân, nhưng thực tế cho thấy, số người dân mắc bệnh viêm mũi, viêm xoang rất nhiều. Đặc biệt, người mắc bệnh ung thư dạ dày, gan, bệnh hiểm nghèo ở độ tuổi thanh niên, tuổi lao động ở địa phương mấy năm nay tăng hơn trước khiến người dân trong thôn cũng đang đặt ra nghi vấn có phải từ nguyên nhân từ con mực xà”, Trưởng thôn Nguyễn Công Tại cho biết thêm.

Địa phương lúng túng

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây có nhiều địa phương ở Bình Định như huyện Hoài Nhơn, TP. Quy Nhơn... cũng chế mực xà nhưng vì ô nhiễm môi trường nên đã cấm làm loại mực này. Tuy nhiên, ở Phù Cát thì lại không cấm được và cũng không có biện pháp xử lý việc ô nhiễm môi trường đã kéo dài nhiều năm qua.

Trao đổi với chúng tôi về thực trạng này, ông Đinh Thành Tiến, Chủ tịch UBND xã Cát Khánh phân trần: Nhiều năm nay, chính quyền xã cũng rất đau đầu và cũng đưa ra nhiều biện pháp xử lý nhưng không hiệu quả. “Chúng tôi rất lúng túng khi xử lý nghiêm cấm các hộ làm mực xà, vì đó là nguồn sinh kế hàng ngày của gia đình họ. Hiện nay, xã không còn quỹ đất để quy hoạch khu sơ chế mực xà tập trung; muốn xây dựng hệ thống xử lý nước thải cũng chưa thể thực hiện được do không có kinh phí. Không xử lý để gây ô nhiễm môi trường thì người dân bức xúc kiến nghị nhiều lần”.

Theo ông Chủ tịch xã, giải pháp hiện nay của xã cũng chỉ là hợp đồng với một doanh nghiệp thu gom nước thải, ruột mực xà để chở đi nơi khác sử dụng theo nhu cầu của doanh nghiệp. Đồng thời, vận động người dân ý thức bảo vệ môi trường, đổ nước xả thải tập trung lại một chỗ để doanh nghiệp đến thu mua. Như vậy, sẽ giảm bớt phần nào lượng nước thải từ sơ chế mực xà ra môi trường xung quanh.

Những biện pháp xử lý này chỉ mang tính tạm thời, chưa thể xem là biện pháp bảo vệ môi trường mang tính lâu dài bền vững. Trước thực trạng từ sơ chế biến mực xà, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, ngoài nỗ lực nghiên cứu tìm kiếm giải pháp của địa phương, ý thức bảo vệ môi trường của hộ sơ chế, thì cần phải có sự quan tâm vào cuộc của UBND huyện Phù Cát, các ngành chức năng liên quan, mới có thể đưa ra được giải pháp lâu dài để xử lý dứt điểm tình trạng này.

Nhiều năm nay, chính quyền xã cũng rất đau đầu và cũng đưa ra nhiều biện pháp xử lý nhưng không hiệu quả. “Chúng tôi rất lúng túng khi xử lý nghiêm cấm các hộ làm mực xà, vì đó là nguồn sinh kế hằng ngày của gia đình họ. Hiện nay, xã không còn quỹ đất để quy hoạch khu sơ chế mực xà tập trung; muốn xây dựng hệ thống xử lý nước thải cũng chưa thể thực hiện được do không có kinh phí”. (Ông Đinh Thành Tiến, Chủ tịch UBND xã Cát Khánh)

LÊ PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Yêu cầu các địa phương xử lý dứt điểm cơ sở thu mua, chế biễn gỗ keo trái phép

Thanh Hóa: Yêu cầu các địa phương xử lý dứt điểm cơ sở thu mua, chế biễn gỗ keo trái phép

Tỉnh ủy Thanh Hóa vừa có văn bản yêu cầu các địa phương khẩn trương làm rõ và xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, để các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tự phát hoạt động trái phép, vi phạm các quy định của pháp luật mà không có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.