Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Làng nghề mũ phớt tại Ecuador

PV - 16:28, 17/05/2022

Trong lĩnh vực thời trang, chiếc mũ phớt Panama từ lâu là một trong những sản phẩm thủ công nổi tiếng thế giới. Tuy nhiên trên thực tế, chiếc mũ mang tên Panama nhưng lại có nguồn gốc từ Ecuador. Không chỉ đem lại phong cách sang trọng cho người dùng, chiếc mũ đã trở thành biểu tượng tự hào của người dân xứ dừa xanh cọ biếc Ecuador.

Một cửa hiệu sản xuất và bán mũ phớt Panama
Một cửa hiệu sản xuất và bán mũ phớt Panama

Chiếc mũ phớt Panama được sinh ra từ làng nghề Pile, nằm gần thị trấn Montecristi, thuộc tỉnh Manabí của Ecuador. Mặc dù là sản phẩm thủ công đặc biệt của Ecuador, nhưng sự nhầm lẫn tên gọi bắt đầu từ năm 1830. Khi đó, những chiếc mũ này thường được bán trong các trạm giao dịch tại eo đất Panama, một điểm trao đổi hàng hóa quan trọng ở châu Mỹ trước khi kênh đào Panama được xây dựng. Loại mũ này bắt đầu phổ biến hơn cùng cơn sốt tìm vàng ở Mỹ, khi đó hàng chục nghìn người đã đi qua Panama để đi tìm vận may cùng chiếc mũ trên đầu. Từ đó tới nay, mũ phớt Panama dần trở thành một phụ kiện thời trang nổi tiếng thế giới.

Nghệ nhân Simón Espinal làm mũ phớt Panama
Nghệ nhân Simón Espinal làm mũ phớt Panama

Theo truyền thống, những chiếc mũ phớt Panama chủ yếu có màu trắng kem hoặc trắng ngà voi, chạm vào mềm mịn như lụa và khi đội đem lại cảm giác thoáng mát. Được tạo ra hoàn toàn thủ công, mũ phớt Panama của Montecristi vừa là phụ kiện thời trang đắt đỏ, vừa là một tác phẩm nghệ thuật. Những chiếc mũ này làm từ cây rơm toquilla và được các nghệ nhân lâu năm như ông Simón Espinal (52 tuổi) thực hiện. Bàn tay khéo léo, đôi mắt tinh tường và sự tập trung cao độ chính là những yếu tố quan trọng nhất của nghệ nhân làm mũ phớt Panama.

Ông Espinal là một người thợ bậc thầy trong nghề làm mũ phớt Panama. Dưới bàn tay ông, trung bình, mỗi bề mặt mũ có hơn 3.000 sợi trên 1 cm², một mức độ độ mịn mà hiếm có thợ làm mũ nào có thể đạt tới. Chiếc mũ ưng ý nhất của ông có bề mặt với hơn 4.200 sợi dệt trên mỗi cm² và phải mất năm tháng để hoàn thành.

Làng nghề mũ phớt tại Ecuador 2


Những người thợ đang thực hiện công đoạn làm mũ
Những người thợ đang thực hiện công đoạn làm mũ

Sau khi thợ dệt hoàn thành phần việc của mình, phần mũ thô sẽ qua tay một đội ngũ nghệ nhân chuyên nghiệp, như người khép kín đường dệt, người cắt vành mũ, người lèn chặt mũ và người ủi phẳng mũ. Những chức danh này tương ứng các bước hoàn thiện mũ. Sau khi được cố định các đường dệt và cắt những đoạn sợi thừa, chiếc mũ được lèn chặt bằng một cái vồ bằng gỗ cứng giúp các sợi liên kết chặt chẽ. Cuối cùng, người thợ ủi nhanh chóng nhằm tạo cho mũ độ cứng phù hợp chuẩn bị cho giai đoạn định dạng thành các kiểu dáng, tiêu biểu như mũ “fedora”, “optimo”, hoặc “platation”, kiểu mũ của các chủ đồn điền Mỹ cuối thế kỷ 19.

Những chiếc mũ tinh xảo nhất của ông Espinal từng được bán cho nhiều chính khách, thương nhân hay ngôi sao hàng đầu thế giới. Chiếc mũ đặc biệt với 4.200 sợi dệt trên 1 cm² có giá lên tới 25.000 USD và được giới chuyên môn đánh giá rất cao. Chuyên gia mũ Panama, Brent Black bày tỏ: “Mong ước của tôi là chiếc mũ này sẽ có được một vị trí trang trọng trong bảo tàng. Nó không nên được đội trên đầu bất kỳ ai bởi đó chính là đỉnh cao của nghệ thuật truyền thống”.

Những chiếc mũ phớt Panama được bày bán trong một cửa hàng
Những chiếc mũ phớt Panama được bày bán trong một cửa hàng

Tuy nhiên, do những chiếc mũ Panama chất lượng tốt đòi hỏi nhiều thời gian và công sức, nên các nghệ nhân như ông Espinal mỗi năm chỉ làm được ba tới bốn chiếc. Cung không đủ cầu khiến thị trường hiện nay tràn ngập những chiếc mũ Panama rẻ tiền, được sản xuất tràn lan. Trong khi đó, truyền thống của làng nghề cũng có dấu hiệu mai một khi người làm mũ thế hệ trước dần vắng bóng, hoặc không còn đủ tinh tường. Ngược lại, thế hệ trẻ ngày càng xa dần nghề làm mũ, thường coi đó là nghề theo mùa vụ lúc nông nhàn.