Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Vải dệt thổ cẩm làng Hà Văn Trên đã có thương hiệu

Thành Nhân - 09:56, 14/03/2022

Làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh (Bình Định) hiện có khoảng 100 người gắn bó với nghề dệt thổ cẩm. Việc công nhận nhãn hiệu sẽ giúp cho nghề dệt ở làng Hà Văn Trên ngày càng phát triển; đồng thời là cơ hội tôn vinh, quảng bá, phát huy giá trị truyền thống, thổ cẩm Hà Văn Trên trên thị trường trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển làng nghề, thu hút khách du lịch đến tham quan, tăng thêm thu nhập cho người dân.

Nghệ nhân Đinh Thị Xuân đang dệt thổ cẩm
Nghệ nhân Đinh Thị Xuân đang dệt thổ cẩm

Những người tâm huyết giữ nghề

Có thể khẳng định, nghề dệt thổ cẩm ở làng Hà Văn Trên vẫn được bảo tồn và phát triển như ngày nay, là nhờ những người có tâm huyết với nghề, một lòng muốn gìn giữ nghề truyền thống của cha ông. Đơn cử như bà Đinh Thị Lên (62 tuổi), là người lớn tuổi nhất ở làng còn gắn bó với nghề truyền thống này.

Chiếc khung cửi dệt thổ cẩm của bà Lên được đặt bên cửa sổ của ngôi nhà sàn. Sau khi mắc len vào khung cửi, bà miệt mài dệt và cho “ra lò” những sản phẩm đẹp, chất lượng. Bà Lên cho biết: Ngoại và mẹ là người chỉ dạy nghề dệt thổ cẩm cho bà từ khi 15 tuổi. Đến năm 20 tuổi, bà tự tay đan, dệt hoàn chỉnh từng chiếc áo, chiếc chăn mặc, váy, khăn, khố… Bà rất vui vì trong làng vẫn còn nhiều người biết dệt thổ cẩm, đặc biệt là lớp trẻ.

Không chỉ giỏi nghề, bà Lên còn truyền dạy cho 3 người con gái của mình. Đến nay, các chị Đinh Thị Xuân (42 tuổi), Đinh Thị Thoại (37 tuổi) và La Thị Ngọc Ánh (24 tuổi) đã thạo nghề, và tự tay dệt ra những bộ áo (nam, nữ), váy, chăn (cõng trẻ con, đắp), khăn (quấn cổ, đội đầu), túi đựng trầu cau, túi xách…

Điều dễ thấy trên từng tấm vải thổ cẩm của người Ba Na ở làng Hà Văn Trên, là các gam màu xanh, đỏ, đen, cam, trắng trên từng sản phẩm với họa tiết, hoa văn ngày một tinh xảo. Đáng quý nhất, theo bà Lên, tất cả những gì ông bà xưa truyền dạy đều được giữ gìn trọn vẹn đến hôm nay.

Chị Đinh Thị Lượt ở làng Hà Văn Trên cầm trên tay bộ áo, váy thổ cẩm do chị dệt nên, tự hào khoe: “Vào dịp lễ, Tết, hội thi, hội diễn được thấy các mí, các yá, các chàng trai, cô gái trẻ xúng xính trong bộ đồ thổ cẩm, đeo vòng bạc điệu đà, uyển chuyển trong vòng xoang Ba Na là mình thấy ưng cái bụng”.

Chị Đinh Thị Xuân Bông, Chủ tịch Hội LHPN xã Canh Thuận cũng là một nghệ nhân dệt thổ cẩm của làng Hà Văn Trên
Chị Đinh Thị Xuân Bông, Chủ tịch Hội LHPN xã Canh Thuận cũng là nghệ nhân dệt thổ cẩm của làng Hà Văn Trên

Chị Đinh Thị Xuân Bông, Chủ tịch Hội LHPN xã Canh Thuận cho biết, nghề dệt thổ cẩm của người Ba Na làng Hà Văn Trên, đã có từ lâu đời và được truyền dạy qua nhiều thế hệ sinh sống trong cộng đồng. Nghề dệt thổ cẩm không chỉ giúp giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Ba Na, mà còn tạo sản phẩm hàng hóa, góp phần xóa đói - giảm nghèo cho bà con.

“Thời gian qua, các cấp, các ngành của tỉnh, huyện đã quan tâm, khuyến khích phụ nữ Ba Na phát huy nghề dệt thổ cẩm. Trong những ngày hội VH&TT các dân tộc miền núi của huyện, của tỉnh đều đưa nội dung thi tài dệt vải, khuyến khích thanh niên tham gia. Nhờ đó, nghề dệt thổ cẩm vẫn lưu truyền, phát triển đến hôm nay”, Chị Bông cho biết thêm.

Trao giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Vải dệt thổ cảm làng Hà Văn Trên” cho Hội LHPN xã Canh Thuận
Trao giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Vải dệt thổ cảm làng Hà Văn Trên” cho Hội LHPN xã Canh Thuận

Hành trình xây dựng “thương hiệu”

Nhằm giúp cho vải dệt thổ cẩm của làng Hà Văn Trên có thương hiệu, năm 2020, UBND tỉnh Bình Định, đã đồng ý cho Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Canh Thuận được sử dụng địa danh “Hà Văn Trên - Canh Thuận - Vân Canh - Bình Ðịnh” đăng ký nhãn hiệu tập thể “Vải thổ cẩm Hà Văn Trên”. Huyện Vân Canh cũng đã phối hợp với Sở KH&CN tỉnh Bình Định lập hồ sơ, đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) xem xét, chứng nhận nhãn hiệu.

Theo ông Nguyễn Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, nghề dệt thổ cẩm tuy chưa đem lại nguồn thu nhập lớn cho phụ nữ ở làng Hà Văn Trên, nhưng tình yêu văn hóa truyền thống của họ, đang tạo ra sức lan tỏa đến thế hệ trẻ trong việc bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc mình. Đây là lý do để địa phương xúc tiến, xây dựng nhãn hiệu tập thể cho dệt thổ cẩm Hà Văn Trên.

Những hộ sản xuất tiêu biểu cũng được trao giấy chứng nhận nhẫn hiệu tập thể
Những hộ sản xuất tiêu biểu cũng được trao giấy chứng nhận nhẫn hiệu tập thể

Mới đây, UBND huyện Vân Canh đã tổ chức Lễ công bố Quyết định công nhận nhãn hiệu tập thể “Vải dệt thổ cẩm làng Hà Văn Trên”. Tại buổi lễ, lãnh đạo UBND huyện Vân Canh và Sở KH&CN đã công bố và trao quyết định công nhận nhãn hiệu tập thể “Vải dệt thổ cẩm làng Hà Văn Trên” cho Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Canh Thuận, chủ sở hữu nhãn hiệu; đồng thời, trao giấy chứng nhận cho 10 hộ sản xuất kinh doanh tiêu biểu “Vải dệt thổ cẩm làng Hà Văn Trên”.

Việc “Vải dệt thổ cẩm làng Hà Văn Trên” được Cục Sở hữu trí tuệ xem xét, chứng nhận, mang lại nhiều giá trị trong việc bảo hộ thương hiệu, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm và hướng tới mục tiêu chia sẻ lợi ích cộng đồng. Sản phẩm làm ra đảm bảo về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm, từ đó, giá trị sản phẩm được nâng lên, thị trường tiêu thụ rộng hơn, góp phần nâng cao, cải thiện đời sống kinh tế cho bà con.

Theo ông Nguyễn Xuân Việt, sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận, huyện sẽ hướng dẫn bà con cách thức quản lý nhãn hiệu tập thể, xây dựng làng Hà Văn Trên trở thành một điểm văn hóa, du lịch cộng đồng, tạo điều kiện cho người dân có thêm cơ hội quảng bá, bảo tồn và phát huy sản phẩm truyền thống của dân tộc mình.

 Huyện cũng lên kế hoạch phát triển làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại làng Hà Văn Trên; mở các lớp đào tạo nghề dệt vải thổ cẩm; đồng thời xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.

Tin cùng chuyên mục
Hai Nghệ nhân Nhân dân tiêu biểu của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng

Hai Nghệ nhân Nhân dân tiêu biểu của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng

Sóc Trăng là tỉnh tập trung khá đông đồng bào Khmer sinh sống (tỷ lệ trên 30%). Đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh có đời sống văn hóa tinh thần phong phú, giàu bản sắc, được truyền nối qua nhiều thế hệ. Trong cộng đồng có những hạt nhân ưu tú đã và đang miệt mài, cần mẫn đóng góp tâm sức để làm giàu cho kho tàng di sản văn hóa dân tộc, tiêu biểu như hai Nghệ nhân Nhân dân Châu Ôn và Lý Lết.