Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Làng nghề truyền thống tiếp cận cách làm mới

PV - 10:36, 19/06/2018

Làng Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm gốm truyền thống. Tuy nhiên, để nghề gốm có thể “sống khỏe” trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện nay, người dân Phù Lãng đã phải chuyển đổi theo cách thức sản xuất mới…

Chúng tôi đến làng Phù Lãng trong những ngày tháng 6 nắng chang chang, nhưng ngọn lửa trong các lò gốm vẫn hừng hực cháy. Dọc lối vào làng là những chồng củi được xếp ngay ngắn, chứng tỏ nghề gốm truyền thống của cha ông vẫn đứng vững trong nền kinh tế thị trường.

Tại xưởng gốm Nhung, hàng chục công nhân miệt mài bên các bàn xoay cặm cụi vẽ trên mặt gốm. Chia sẻ về “bí quyết” phát triển nghề gốm, ông Vũ Hữu Nhung, chủ xưởng gốm cho biết, nghề gốm có mặt ở Phù Lãng hàng ngàn năm nay. Trước đây, người dân chỉ sản xuất các đồ gia dụng như chum sành để tự cung tự cấp hoặc bán cho các hộ quanh vùng. Đến khoảng những năm 90 của thế kỷ trước, khi kinh tế thị trường mở ra, các sản phẩm hiện đại như đồ nhựa, thủy tinh tràn ngập các cửa hàng, thì gốm Phù Lãng tưởng chừng sẽ thất truyền. Thế nhưng trong bối cảnh đó, dân làng gốm đã ngồi lại bàn bạc tìm hướng đi mới cho làng nghề truyền thống.

Người làm gốm đã biết áp dụng máy móc vào sản xuất giảm sức lao động. Người làm gốm đã biết áp dụng máy móc vào sản xuất giảm sức lao động.

 

“Trước mắt, chúng tôi xác định các sản phẩm truyền thống như chum, vại, tiểu, sành vẫn có thể bán, nhưng chỉ duy trì số lượng nhỏ. Còn lại chuyển sang sản xuất các sản phẩm mới như lọ hoa, chậu cảnh; gần đây làng nghề còn phát triển thêm các sản phẩm mỹ nghệ như tranh gốm, đồ lưu niệm… Chính các sản phẩm mới này đã giúp nghề gốm không những sống được mà còn sống khỏe, nhiều người trở nên giàu có”, ông Nhung chia sẻ

Cách đó không xa, ông Nguyễn Minh Ngọc, chủ xưởng gốm Ngọc cũng bày tỏ, để nghề gốm sống được trong nhịp sống hiện đại, người sản xuất phải biết kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Yếu tố truyền thống là hồn cốt tạo ra sự khác biệt, cạnh tranh với các sản phẩm khác; còn các yếu tố hiện đại như áp dụng máy móc khoa học, kỹ thuật giúp cho công việc được nhanh hơn, thuận tiện hơn.

baodantoc_gom2

 

Đối với gốm Phù Lãng, hiện nay người làm gốm vẫn giữ và thực hiện đầy đủ các quy trình sản xuất. Nhất là bí quyết làm men gốm từ hàng ngàn đời vẫn được các gia đình lưu giữ và truyền lại, để tạo ra màu gốm da lươn không nơi nào có được. Tuy nhiên, trong nhịp sống hiện đại, người làng nghề đã đưa thêm máy móc vào sản xuất như máy vò đất, bàn xoay bằng mô tơ…

Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khác giúp gốm Phù Lãng phát triển đến nay, là người dân rất chủ động trong tìm kiếm thị trường. Ông Vũ Văn Vận, Phó Chủ tịch UBND xã Phù Lãng cho biết, để tìm đầu ra cho gốm Phù Lãng, ngay từ năm 2015, trên địa bàn đã thành lập Hiệp hội làng nghề. Hiệp hội này đã tích cực quảng bá trên nhiều phương tiện truyền thông khác nhau như website, báo chí, các hội chợ trong và ngoài nước. Nhờ vậy, gốm Phù Lãng đã có mặt trên toàn quốc và chinh phục các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản…

Theo ông Vũ Văn Vận, để duy trì nghề, trong mỗi gia đình, mỗi dòng họ người dân truyền nghề theo hình thức “cha truyền, con nối”. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, Hiệp hội làng nghề đã kết hợp với một số tổ chức phi chính phủ mở các lớp dạy nghề; mời chính các “nghệ nhân” làm gốm đến chia sẻ cho các thế hệ trẻ. Ngoài ra, Hiệp hội còn mời nhiều chuyên gia đến tư vấn các kỹ năng mới như quảng bá, xây dựng thương hiệu, tiếp cận thị trường, và cách làm du lịch gắn với làng nghề...; Đến nay, Hiệp hội đã mở được hai lớp học, mỗi lớp thu hút 40-50 người, tuổi đời từ 16-40 tuổi.

Hiện nay, có rất nhiều làng nghề rơi vào tình trạng “đóng băng” trong nền sản xuất cũ, việc duy trì và sống được với nghề truyền thống như ở làng gốm Phù Lãng cho thấy, nếu các làng nghề chủ động nghiên cứu, tiếp cận các cách sản xuất mới sẽ có cơ hội tồn tại và phát triển trong thời kinh tế thị trường.

Toàn xã Phù Lãng hiện có 230 hộ sản xuất gốm, với khoảng 1000 lao động, thu nhập 6-10 triệu đồng/người/tháng. Một năm tổng doanh thu từ sản xuất gốm ước đạt từ 45 tỷ đến 50 tỷ đồng, chiếm khoảng 32% thu nhập trong toàn xã.

HIẾU ANH

Tin cùng chuyên mục
Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Thời gian qua, huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam) đã triển khai nhiều mô hình sinh kế mới như nuôi hưu lấy nhung, chuỗi liên kết sản xuất chè, chuỗi sản xuất về chăn nuôi heo, bò… Những mô hình này không chỉ cải thiện sinh kế cho người dân, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.