Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khoa học - Công nghệ

Lào Cai: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây nông nghiệp

Trọng Bảo - 15:39, 13/11/2019

Nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định, phát triển nông nghiệp là nền tảng để xây dựng các ngành kinh tế khác; trong đó, mục tiêu cụ thể là mỗi héc ta (ha) canh tác phải đạt từ 75 triệu đồng. Thực hiện mục tiêu này, địa phương đã lồng ghép nhiều chương trình, dự án, với những cách làm sáng tạo, tạo ra nhiều mô hình, cách làm kinh tế hiệu quả.

Lào Cai: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây nông nghiệp
Nông dân xã Quang Kim, huyện Bát Xát áp dụng công nghệ cao vào trồng dưa lê lai mang lại hiệu quả cao.
Nông dân xã Quang Kim, huyện Bát Xát áp dụng công nghệ cao vào trồng dưa lê lai mang lại hiệu quả cao.

Theo thống kê, từ năm 2015 đến nay, đã có hơn 2.800 tỷ đồng đầu tư trực tiếp cho lĩnh vực phát triển sản xuất nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Dựa vào thế mạnh từng vùng, từng địa phương, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo quyết liệt, tạo nên sự thay đổi căn bản trong tư duy sản xuất nông nghiệp của nông dân. Tư tưởng trông chờ, ỷ lại bị đẩy lùi mà thay vào đó là tâm thế dám nghĩ, dám làm và mạnh dạn của mỗi người nông dân.

Trước đây, với 1ha đất canh tác của hộ gia đình chị Trần Thị Thơm ở thôn Làng Pẳn, xã Quang Kim chủ yếu trồng ngô và đậu tương. Mặc dù vất vả quanh năm, nhưng thu nhập cũng chẳng được là bao. Từ năm 2017, gia đình chị đã áp dụng công nghệ cao vào sản xuất bằng việc phủ nylon mặt luống để trồng giống dưa lê lai. Ngay vụ đầu tiên, gia đình chị Thơm đã thu về hơn 4 tấn dưa quả, bán ra thị trường được gần 150 triệu đồng. Trừ chi phí, chị Thơm còn lãi gần 100 triệu đồng.

“Dùng nylon phủ mặt luống giúp giữ độ ẩm cho đất tốt hơn, cùng với đó thì cỏ cũng không mọc được, như vậy là mình đã bớt công làm cỏ. Sâu bệnh cũng không có nơi trú ngụ, nên có con nào mình chủ yếu bắt bằng tay thôi không phải phun thuốc nữa. Thương lái về tận ruộng xem cách canh tác của mình nên rất an tâm về chất lượng sản phẩm”, chị Thơm cho biết.

Hộ gia đình ông Vũ Văn Tình ở bản Cóc, xã Việt Tiến, huyện Bảo Yên đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 1 mẫu đất nông nghiệp không hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm. Theo ông Tình, trồng dâu nuôi tằm mang lại thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng ngô, lúa. Đã làm nông nghiệp thì nuôi con gì, trồng cây gì cũng đều vất vả. Trồng dâu nuôi tằm cũng vậy, tuy vất vả nhưng bù lại đã tận dụng được lao động trong gia đình. 

Trên đây chỉ là hai ví dụ cho thấy hiệu quả của việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập cho người nông dân trên địa bàn tỉnh. 

Ông Nguyên Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết: Với cách làm này, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Lào Cai đã có những chuyển biến tích cực. Nếu như năm 2015, thu nhập trên 1ha canh tác mới chỉ đạt 45,6 triệu đồng thì 4 năm sau (năm 2019), con số này đã đạt 75 triệu đồng. 

“So với các tỉnh miền núi trong vùng, con số này thực sự ấn tượng và có ý nghĩa đối với việc góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, cũng như thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tuấn, với việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu trong ngành Nông nghiệp tại các địa phương trong những năm qua, góp phần không nhỏ cho mục tiêu giảm nghèo bền vững của Lào Cai, giúp địa phương hoàn thành các tiêu chí về thu nhập và hộ nghèo theo chuẩn nông thôn mới. Năm 2018, thu nhập bình quân khu vực nông thôn của tỉnh Lào Cai đạt 23,46 triệu đồng/người/năm, tăng 16,02 triệu đồng so với năm 2010. Tính đến hết tháng 9/2019, bình quân thu nhập khu vực nông thôn ước đạt 24,5 triệu đồng/người/năm.

Tin cùng chuyên mục
Ghi nhận chuyển đổi số phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An

Ghi nhận chuyển đổi số phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An

Ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, phát triển kinh tế -xã hội đang là xu thế mới ở các bản làng vùng DTTS Nghệ An. Từ nét đẹp văn hóa truyền thống, những gùi măng, con gà, con lợn, hay các sản phẩm từ nghề truyền thống như đan lát, thổ cẩm... từng bước xuất hiện trên không gian mạng, không chỉ quảng bá giới thiệu, lan tỏa được bản sắc của đồng bào các DTTS đến được với nhiều khách hàng mà còn mang về nguồn thu tốt hơn cho bà con.