Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Lào Cai: Hỗ trợ người dân vùng sâu, vùng xa làm thẻ căn cước công dân

Trọng Bảo - 22:05, 21/03/2021

Theo kế hoạch, từ nay cho đến 30/6/2021, tỉnh Lào Cai sẽ phải hoàn thành việc thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước công dân cho trên 530 nghìn công dân đủ điều kiện từ 14 tuổi trở lên. Để làm tốt công tác này, Công an tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đến từng thôn bản thu thập thông tin, hoàn thiện hồ sơ cho người dân.

Tỉnh Lào Cai có trên 530 nghìn công dân đủ điều kiện cấp CCCD
Tỉnh Lào Cai có trên 530 nghìn công dân đủ điều kiện cấp CCCD

Chị Liều Sử Mẩy, dân tộc Dao, ở thôn Tả Trang, xã Phìn Ngan (huyện Bát Xát) đến Nhà văn hóa xã để làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân (CCCD). Thay vì phải khai báo rất nhiều các thông tin chi tiết trong tờ khai như làm Chứng minh Nhân dân trước đây, chị Mẩy chỉ phải lăn dấu vân tay, chụp ảnh và đọc thông tin cơ bản. Những nội dung còn lại về nhân thân, lai lịch, nơi cư trú đã được lưu trữ trên hệ thống dữ liệu dân cư quốc gia.

“Được cán bộ thôn, xã tuyên truyền về quy định làm CCCD, hôm nay mình và chồng đến để làm các thủ tục khai báo. Đến đây, mình được cán bộ công an xã, huyện hướng dẫn rất nhiệt tình nên thời gian cũng nhanh. Mình mong sẽ sớm có CCCD để thuận tiện trong cuộc sống hàng ngày”, chị Mẩy cho biết.

Xã Phìn Ngan có 10 thôn, với trên 3.200 nhân khẩu; trong đó, có trên 2.000 người đủ điều kiện cấp CCCD. Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bà con khi thực hiện khai báo thông tin và làm các thủ tục cần thiết, Công an huyện Bát Xát đã về từng thôn để thu thập thông tin giảm thiểu việc đi lại cho bà con. 

Các tổ công tác làm việc cả ngày, thậm chí cả buổi tối. Phương châm của Công an huyện Bát Xát là, còn người dân thì còn làm việc; bảo đảm việc thu thập thông tin được chính xác nhất, đầy đủ nhất và không bỏ sót một người dân nào đủ điều kiện cấp CCCD.

Theo thống kê, toàn huyện Bát Xát có trên 47 nghìn người đủ điều kiện cấp CCCD. Tuy nhiên, với đặc thù huyện vùng cao, chủ yếu là đồng bào DTTS nên công tác thu thập thông tin cũng gặp không ít khó khăn. 

Thiếu tá Trần Văn Đạt, Đội trưởng Đội quản lý hành chính, Công an huyện Bát Xát, cho biết: Một số thôn bản đường xá đi lại khó khăn nên qúa trình vận chuyển máy móc, trang thiết bị rất dễ hỏng hóc, trục trặc. Trong quá trình triển khai, rất nhiều bà con vân tay bị mờ, sẹo…nên cũng ảnh hưởng tới tiến độ nhập thông tin.

“Cũng còn một bộ phận người dân chưa quan tâm đến việc cấp CCCD, nên không đến làm thủ tục khai báo. Chúng tôi đã chỉ đạo cán bộ chiến sỹ, trong quá trình triển khai tại cơ sở nếu người dân không đến, phải phối hợp với trưởng thôn bản gọi điện cho bà con, hoặc sẽ đến tận nhà để lấy thông tin”, Thiếu tá Đạt nhấn mạnh.

Lấy vân tay làm CCCD cho bà con người Dao ở xã Phìn Ngan
Lấy vân tay làm CCCD cho bà con người Dao ở xã Phìn Ngan

Thu thập thông tin cho trên 530 nghìn công dân đủ điều kiện cấp CCCD trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian ngắn, là cả một khối lượng công việc không nhỏ. Để làm tốt công tác này, Công an tỉnh Lào Cai đã hoàn thành việc thu thập thông tin về dữ liệu dân cư; thực hiện xong công tác kiểm tra, phúc tra, cập nhật, chỉnh sửa thông tin về dân cư; hoàn thành việc khảo sát vị trí lắp đặt đường truyền và chuẩn bị các điều kiện để triển khai, lắp đặt máy móc, thiết bị tại các điểm tiếp nhận, khai thác. Cùng với đó, tổ chức tập huấn cho các cán bộ chiến sỹ thực hiện công tác thu nhận hồ sơ và cấp căn cước công dân.

Thượng tá Hoàng Văn Dũng, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Lào Cai cho biết: Bắt đầu ra quân triển khai từ đầu tháng 3/2021, đến thời điểm này, lực lượng công an tỉnh và các huyện thị xã, thành phố đã tiếp nhận gần 29 nghìn hồ sơ đủ điều kiện cấp CCCD. 

Theo Thượng tá Dũng, CCCD có nhiều ưu điểm về bảo mật, lưu trữ thông tin, tạo thuận lợi và tiện ích cho người sử dụng..., nhằm bảo đảm cho việc quản lý xã hội, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử và thực hiện cải cách hành chính. Khi được cấp CCCD, trong quá trình thực hiện các giao dịch và làm các thủ tục người dân sẽ không phải mang nhiều loại giấy tờ như hiện nay. 

"Dữ liệu trên chíp có thể truy cập mà không phụ thuộc vào kết nối mạng, thông qua các thiết bị cho phép đọc thông tin trên chíp, qua đó việc xác thực danh tính được thực hiện ngay lập tức, hạn chế tối đa việc giả mạo thông tin”, Thượng tá Dũng giải thích thêm.


Tin cùng chuyên mục
Bắc Kạn đẩy mạnh Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Bắc Kạn đẩy mạnh Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Thực hiện Tiểu Dự án 1, Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), từ đầu năm đến nay, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Bắc Kạn phối hợp với UBND các xã đẩy mạnh hoạt động TGPL trong đồng bào DTTS.