Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Lào Cai: Người dân chủ động phòng chống dịch tả lợn châu Phi

PV - 15:30, 12/03/2019

Là tỉnh biên giới có cửa khẩu quốc tế giáp với nước bạn Trung Quốc, nhiều đường mòn lối mở, Lào Cai được xác định là địa phương có nhiều nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào địa bàn. Thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã có nhiều giải pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn dịch bệnh xâm nhiễm vào địa bàn.

dịch tả lợn Châu Phi Cán bộ thú y phun khử trùng môi trường quanh khu vực chăn nuôi tại xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên.

Huyện Bảo Thắng là địa phương có tổng đàn lợn nhiều nhất trong tỉnh Lào Cai. Để phòng chống dịch tả lợn châu Phi, huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền đến người chăn nuôi những kiến thức cơ bản về bệnh dịch cũng như những biện pháp vệ sinh chuồng trại…

Ông Phạm Văn Bốn ở thôn Pạc Tà, xã Bản Phiệt cho biết, gia đình ông đang nuôi hàng trăm con lợn. Để phòng ngừa dịch bệnh, ông chỉ cho phép ông và cậu con trai được phép ra vào chuồng để cho lợn ăn. Ngoài ra, ông rất chú trọng đến vệ sinh chuồng trại, thường xuyên rắc vôi bột và phun thuốc khử trùng ngày hai lần vào buổi sáng và buổi chiều.

“Gia đình mới khôi phục lại chăn nuôi lợn sau thời gian lợn bị mất giá, bây giờ lại có bệnh dịch tả lợn châu Phi, nếu không làm tốt công tác phòng chống bệnh dịch thì nguy cơ thua lỗ, trắng tay là rất lớn. Bây giờ chưa có vắc xin phòng bệnh dịch nên chúng tôi rất tuân thủ các hướng dẫn về vệ sinh chuồng trại, cách ly tốt với môi trường bên ngoài”, ông Bốn cho biết.

Theo thống kê, tổng đàn lợn trên địa bàn huyện Bảo Thắng hiện có khoảng 161.000 con, chiếm hơn 35% tổng đàn lợn của toàn tỉnh. Tuy vậy, mô hình chăn của bà con trên địa bàn chủ yếu theo quy mô nông hộ, nhỏ lẻ (chăn nuôi theo trang trại chiếm khoảng 20% tổng đàn). Do đó, công tác phòng chống bệnh dịch cũng có những khó khăn nhất định.

Ông Vũ Kiều Hưng, Phó phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Ngay từ tháng 9/2018, huyện đã ban hành kế hoạch ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn. Tuy nhiên, thời điểm đó chúng ta mới chỉ tập trung ngăn chặn dịch từ phía bên kia biên giới. Hiện tại, bệnh dịch đã xuất hiện ở một số tỉnh trong nước nên công tác phòng chống dịch cũng phải mở rộng ra.

“Cái khó hiện nay đó là địa bàn thì rộng, lực lượng cán bộ thú y còn mỏng, số lượng đàn lợn lại nhiều. Chúng tôi rất cần có sự tăng cường, hỗ trợ của tỉnh cả về cán bộ chuyên môn và vắc xin tiêm phòng các loại bệnh dịch…”, ông Vũ Kiều Hưng đề xuất.

Đến thời điểm này, tỉnh Lào Cai chưa phát hiện lợn chết bất thường do nghi bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ở các huyện không có đường biên giới, tất cả các tuyến giao thông ra vào địa bàn tỉnh được tính đến phương án lập chốt kiểm soát, tiến hành phun khử trùng theo quy định.

Đối với các địa phương có đường biên giới, yêu cầu về kiểm soát chặt chẽ trên tuyến biên giới là việc làm quan trọng nhất. Bởi trên thực tế, bệnh dịch tả lợn châu Phi không chỉ xâm nhiễm do lây lan từ lợn sang lợn mà trên tất cả các sản phẩm được chế biến từ thịt lợn đều có thể mang mầm bệnh xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh như zăm bông, xúc xích …

Ông Nguyễn Xuân Nhẫn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết: Tỉnh Lào Cai đã thành lập 4 tổ, chốt kiểm tra, kiểm soát tại các điểm thuộc địa bàn các huyện Bảo Thắng; Văn Bàn; Sa Pa, Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương, Bảo Yên, Bát Xát và TP. Lào Cai… Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, ngăn chặn các sản phẩm từ thịt lợn vào tỉnh chưa qua kiểm soát; tập trung tuyên truyền hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện rắc vôi bột khử trùng chuồng trại, hướng dẫn sử dụng trang thiết bị, biện pháp phòng chống dịch; hạn chế tái đàn để tránh mầm bệnh xâm nhập vào. Tiến hành họp và cam kết với chủ cơ sở giết mổ, Ban Quản lý các chợ thực hiện tốt việc quản lý chất lượng nguồn thực phẩm….

Cũng theo ông Nhẫn, trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch, người chăn nuôi cần tập trung chăm sóc tốt đàn lợn, hạn chế người ra vào khu vực chăn nuôi. Khi phát hiện lợn chết bất thường, cần báo ngay cho cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương, lấy mẫu phân tích, xác định đúng bệnh…

TRỌNG BẢO

Tin cùng chuyên mục
Thúc đẩy thương hiệu “Bưởi Phúc Trạch” vươn xa

Thúc đẩy thương hiệu “Bưởi Phúc Trạch” vươn xa

Không chỉ làm cho địa danh Hương Khê (Hà Tĩnh) trở nên nổi tiếng, loài bưởi Phúc Trạch cũng mang lại sự giàu có, phồn thịnh cho người dân ở địa phương. Để thương hiệu “Bưởi Phúc Trạch” tiếp tục phát triển ổn định và vươn xa, mang lại nhiều cơ hội tăng nguồn thu nhập cho người dân, huyện Hương Khê và người trông bưởi đã thực hiện nhiều giải pháp để quảng bá thương hiệu bưởi Phúc Trạch.