Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Lễ cúng Cắm phà của người Thái xã Châu Tiến

PV - 14:42, 18/12/2018

Đồng bào dân tộc Thái ở xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) vẫn lưu giữ được nhiều nghi lễ truyền thống tốt đẹp của cha ông. Trong năm, ngoài Tết Nguyên đán thì Lễ cúng Cắm phà là quan trọng nhất. Theo tiếng Thái, “Cắm phà” có nghĩa là “kiêng trời”. Lễ này được tổ chức vào ngày 12/9 (âm lịch) và được xem như một cái tết của người Thái. Ý nghĩa của việc cúng Cắm phà nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, con cháu khỏe mạnh, cuộc sống no ấm, yên vui.

Lễ cúng Cắm phà Các mo làng cùng dân bản cúng Cắm phà trước cây thị, gần Đền Chiêng Ngam, xã Châu Tiến.

Theo ông Lương Văn Phiết, thầy mo bản Hồng Tiến 2 cho biết, với người Thái ở xã Châu Tiến, Lễ cúng Cắm phà có một ý nghĩa rất đặc biệt. Người Thái quan niệm tín ngưỡng thờ cúng Cắm phà chính là cúng tổ tiên. Bởi vậy, hằng năm, người Thái chọn ngày 12/9 (âm lịch) để tổ chức lễ này vì cho rằng đây là ngày sạch sẽ nhất trong năm, trời đất đều linh thiêng.

Nghi thức độc đáo, trang nghiêm của Lễ cúng Cắm phà được diễn ra ở những nơi có nhiều cây cổ thụ lớn. Riêng bản Hồng Tiến 2 cúng tại cây thị bên cạnh đền Chiêng Ngam. Trước ngày diễn ra cúng lễ, trưởng bản họp dân, vệ sinh khu vực thờ cúng và bàn sắm lễ vật dâng cúng (thường thì dâng lễ bằng thịt trâu, bò hoặc dê, lợn, gà).

Sau khi thống nhất, dân làng chia thành từng tổ liên gia để góp tiền sắm lễ vật. Lễ vật cúng Cắm phà được chia làm 3 mâm để cúng thần núi Pù Xưa, thần Đất, thần Sông. Mỗi mâm cúng có 1 thủ lợn hoặc thủ dê, 1 chai rượu, một đĩa trầu cau, 3 mâm chung nhau một vò rượu cần. Ngoài 3 mâm của làng, mỗi gia đình trong bản còn làm một mâm cúng gồm một con gà luộc, một chai rượu, một ép xôi nếp, 5 đôi đũa, một tấm thổ cẩm mộc, 1 vòng tay và 5 gói mọc làm từ tôm cá rồi mang để chung cúng với các mâm của làng.

Lễ cúng được các mo làng thực hiện phải tiến hành qua 4 bước gồm: mời các thần về dự, lý do có mâm cúng, mời các thần ăn và bước cầu mong cho các thần phù hộ cho dân bản an lành.

Thầy cúng sẽ mời thần núi Pù Nhà, Pù Xưa, thần Sông và hương hồn của tất cả các bậc tiền bối của người Thái cùng về để chứng kiến lễ cúng và ghi nhận những lời cầu nguyện của bà con dân bản, phù hộ thêm cho dân làng ấm no, sung túc, phát triển.

Sau khi cúng đủ bốn bước, tất cả các mâm cúng được chia đều về từng tổ liên gia để dân làng cùng nhau ăn uống chúc tụng, sau đó tổ chức văn nghệ, thi hát xuối, nhuôn…

Lễ cúng Cắm phà không những có giá trị sâu sắc về tinh thần mà còn khẳng định vai trò, vị trí của cộng đồng gắn với thiên nhiên. Từ yếu tố tâm linh đến cuộc sống sinh hoạt, có tính cộng đồng chặt chẽ ở xã vùng cao Châu Tiến, huyện Quỳ Châu.

NGÔ HOÀI AN

Tin cùng chuyên mục
Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Tiếp tục ưu tiên giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng DTTS và miền núi

Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Tiếp tục ưu tiên giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng DTTS và miền núi

Những năm qua, từ các chỉ thị, nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến trẻ em, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo vệ và chăm sóc, giải quyết được những vấn đề cấp thiết đối với trẻ em. Song hiện nay, trẻ em vùng DTTS và miền núi vẫn còn đối diện với nhiều vấn đề cần giải quyết như, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, bạo lực, tai nạn thương tích…Xung quanh vấn đề này Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.