Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Lễ Mừng cơm mới của người Xinh Mun (Điện Biên) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Hoàng Khánh - 10:01, 10/10/2022

Ngày 10/10, tại xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên Đông), UBND huyện Điện Biên Đông phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ công bố và trao Chứng nhận di sản văn hoá phi vật thể quốc gia đối với Lễ Mừng cơm mới của người Xinh Mun ở xã Chiềng Sơ.

Lễ Mừng cơm mới của người Xinh Mun (Điện Biên) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Lễ Mừng cơm mới của người Xinh Mun (Điện Biên) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Lễ Mừng cơm mới là một trong những nghi lễ sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống được trao truyền từ nhiều đời nay và đã trở thành di sản độc đáo của dân tộc Xinh Mun. Hoạt động này chứa đựng, phản ánh những nét đặc trưng về lịch sử, văn hóa, đời sống, kinh tế của người Xinh Mun qua các câu chuyện truyền thuyết, diễn xướng, dân ca, dân vũ, phong tục và tập quán, tín ngưỡng. Đây là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh được nảy sinh trong cuộc sống, lao động sản xuất, là chỗ dựa tinh thần để mọi người hướng về tổ tiên, dòng tộc, các vị thần để gửi gắm niềm tin, cầu mong một cuộc sống bình an, khỏe mạnh, sung túc và củng cố sự đoàn kết trong cộng đồng.

Xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên có 6 dân tộc cùng chung sống với gần 1.200 hộ, hơn 6.000 nhân khẩu. Đồng bào dân tộc Xinh Mun ở Chiềng Sơ có 472 hộ với hơn 2.200 nhân khẩu. Dân tộc Xinh Mun canh tác trên nương là chính do vậy, họ thường tiến hành các nghi lễ nông nghiệp cầu mong các đấng siêu nhiên phù hộ cho con người sức khỏe, mùa màng bội thu, trong đó, lễ mừng cơm mới (Trả pa me) là nghi lễ quan trọng nhất trong đời sống của người Xinh Mun.

Đồng bào Xinh Mun thực hiện nghi thức mừng cơm mới
Đồng bào Xinh Mun thực hiện nghi thức mừng cơm mới

Lễ Mừng cơm mới của người Xinh Mun thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Họ luôn biết ơn và tưởng nhớ tới những người có công sinh thành, dưỡng dục con cháu và truyền đạt những tri thức, kinh nghiệm trong lao động sản xuất, đặc biệt là kỹ thuật làm nương theo mùa vụ. Đây là dịp con cháu dâng lên tổ tiên các món ăn truyền thống, mời tổ tiên ăn cơm mới và cầu mong họ phù hộ cho các thành viên trong gia đình khỏe mạnh, cầu cho mùa màng bội thu. 

Lễ Mừng cơm mới còn nhằm bảo lưu các món ăn truyền thống của dân tộc, thể hiện tri thức dân gian về ẩm thực của người Xinh Mun trong việc khai thác thức ăn trong tự nhiên phục vụ đời sống hàng ngày. Đây là dịp để các thành viên gia đình, dòng họ quây quần bên nhau mừng thành quả lao động sau một mùa vụ vất vả; là dịp để ông bà, cha mẹ dạy bảo con cháu biết quý trọng sức lao động, đặc biệt là duy trì truyền thống thờ cúng tổ tiên của tộc người Xinh Mun, là dịp giúp gia đình, dòng họ đoàn kết, gắn bó với nhau hơn.

Lễ Mừng cơm mới của người Xinh Mun ở Chiềng Sơ được tổ chức vào khoảng cuối tháng 8 đầu tháng 9 hàng năm, thời gian cụ thể tùy thuộc vào sự lựa chọn của các gia đình. Với giá trị tiêu biểu, lễ Mừng cơm mới của người Xinh Mun được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 64/QĐ-BVHTTDL ngày 12/01/2022.

Tin cùng chuyên mục
Người tiên phong trồng chè cành ở Phước Lộc

Người tiên phong trồng chè cành ở Phước Lộc

Gần cả cuộc đời gắn bó với quê hương, bà Ka Hiên, dân tộc Mạ, ở thôn Phước Dũng, xã Phước Lộc, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều công lao, đóng góp, tạo động lực giúp đồng bào các dân tộc ở địa phương vươn lên xóa cái đói, đuổi cái nghèo.