Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Lệ Thủy (Quảng Bình): Người dân vùng bãi ngang không còn phụ thuộc vào biển

PV - 15:38, 06/08/2018

“Sau sự cố môi trường biển, người dân các xã vùng bãi ngang ven biển như Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Nam và Ngư Thủy Trung của huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã chủ động chuyển đổi sinh kế từ nghề đi biển sang trồng trọt và chăn nuôi, không những tạo sinh kế bền vững cho gia đình mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động …”, ông Dương Đệ Quang, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lệ Thủy thông tin.

Mô hình nuôi lợn thịt của anh Nguyễn Quang Nghĩa ở Ngư Thủy Bắc cho thu nhập cao. Mô hình nuôi lợn thịt của anh Nguyễn Quang Nghĩa ở Ngư Thủy Bắc cho thu nhập cao.

Theo ông Quang, để chuyển đổi ngành nghề cho người dân, lãnh đạo huyện Lệ Thủy chỉ đạo cán bộ Hội Nông dân huyện về phụ trách các xã, đến tận nhà bà con nắm bắt tình hình, động viên bà con an tâm triển khai các giải pháp khắc phục sự cố; cùng bắt tay xây dựng các mô hình kinh tế. Hội trực tiếp hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật xây dựng nhiều mô hình, như: nuôi chim cút, ếch thịt, ếch giống, nuôi lợn sinh sản, cá diêu hồng, cá lóc, trồng rau sạch, chế biến nước mắm... Đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức hàng trăm lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề cho nông dân.

Sau khi được tập huấn, đào tạo, người dân đã mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình trồng trọt và chăn nuôi hiệu quả. Hiện nay, trên địa bàn 3 xã vùng bãi ngang có hàng trăm mô hình kinh tế cho thu nhập cao; trong đó, có nhiều mô hình mới được chuyển đổi có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Riêng xã Ngư Thủy Bắc có 20 mô hình kinh tế đạt hiệu quả. Xã Ngư Thủy Trung có 7 mô hình nuôi gà thả vườn, 50 hộ nuôi ếch thịt, 6 hộ nuôi ếch giống và nhiều mô hình nuôi cá nước ngọt; có 2 trang trại và 20 gia trại cho thu nhập cao…

Anh Nguyễn Quang Nghĩa, thôn Bắc Hòa, xã Ngư Thủy Bắc chia sẻ: Trước đây, gia đình anh làm nghề đi biển, thu nhập phập phù phụ thuộc biển, mỗi năm may mắn thì có thu nhập khoảng 40 triệu đồng. Khi biển có sự cố, lao động gia đình thất nghiệp. Không có vốn để đóng tàu lớn đánh bắt xa bờ nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Thực hiện chỉ đạo của chính quyền xã về chuyển đổi ngành nghề, gia đình anh đã chuyển sang chăn nuôi. Được Hội Nông dân hỗ trợ 10 triệu đồng gia đình đã vay thêm vốn để đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi lợn thịt và lợn sinh sản.

Anh Nghĩa cho biết: Ngày mới bắt đầu chuyển sang chăn nuôi lợn anh cũng lo lắm, bởi từ bao đời nay gia đình chỉ biết gắn bó với nghề đi biển. Năm đầu tiên do giá lợn xuống nên không có lãi. Năm nay, giá lợn lên, anh quyết tăng tổng đàn lên hơn 200 con lợn thịt và 15 con lợn sinh sản. Nếu giá lợn ổn định như hiện tại, cuối năm nay, anh sẽ lãi trên 200 triệu đồng.

Gia đình anh Ngô Quang Nguyên, ở thôn Thượng Nam, xã Ngư Thủy Trung đã quyết định chuyển đổi nghề bằng mô hình chăn nuôi ếch. Anh đã đầu tư xây dựng 14 hồ nuôi ếch thịt, với diện tích hơn 700m2; một hồ nuôi ếch giống mẹ sinh sản có diện tích gần 500m2. Năm trước, anh đã xuất bán được 30 vạn con ếch giống, thu lãi đạt 300 triệu đồng.

Năm nay, anh Nguyên mở rộng quy mô nuôi lên đến 50 vạn con và dự kiến sẽ thu lãi đạt khoảng 500 triệu đồng. Ếch giống của gia đình anh Nguyên được xuất bán cho các hộ chăn nuôi cả trong và ngoài tỉnh.

Ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết: Với sự chỉ đạo quyết liệt và sự vào cuộc của các ban, ngành, phòng trong việc chuyển đổi ngành nghề, tạo sinh kế bền vững cho nhân dân vùng bãi ngang, đến nay, cuộc sống người dân đang dần thay đổi. Nhiều hộ không phải sống phụ thuộc vào biển nữa mà bà con đã chủ động được sản xuất để có thu nhập.

Hiện nay, huyện Lệ Thủy đang tiếp tục nghiên cứu các giải pháp thiết thực, phù hợp hơn như, đưa các loại cây trồng trên cát có hiệu quả, hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng nhằm tăng thu nhập để người dân yên tâm sản xuất, ổn định và bền vững…

PHONG DƯƠNG

Tin cùng chuyên mục
Cây của Yàng và câu chuyện giữ rừng

Cây của Yàng và câu chuyện giữ rừng

Cách TP.Kon Tum khoảng 60 km về hướng bắc, làng Đăk Chờ (xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô, Kon Tum) nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi rừng hùng vĩ. Sâu trong khu rừng tại huyện Đăk Tô (Kon Tum) có một cây Sao cát hàng trăm năm tuổi đang được lực lượng chức năng luân phiên bảo vệ. Và câu chuyện giữ rừng của họ cũng đầy cam go, nguy hiểm.