Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thể thao - Giải trí

Lối đi riêng của Balin

Ngô Bá Hòa - 17:19, 15/04/2021

Ngoài chất giọng khàn lạ, khoẻ khoắn khoáng đạt mang âm hưởng đại ngàn Tây Nguyên đem đến cho người nghe nhiều điều mới mẻ, thú vị, Balin còn có khả năng sáng tác, hòa âm phối khí và thể hiện các bài hát song ngữ (tiếng Gia Rai và tiếng Việt). Qua âm nhạc, Balin muốn giữ gìn, phát huy tiếng dân tộc mình và truyền đến các bạn trẻ những thông điệp về cuôc sống.

Balin-Chàng ca sĩ trẻ dân tộc Gia Rai.
Balin-Chàng ca sĩ trẻ dân tộc Gia Rai.

Chàng trai triệu View

Trong giới Showbiz, cái tên Balin còn rất mới mẻ, nhưng với người yêu nhạc Tây Nguyên thì chàng trai 9x người Gia Rai (tên thật là Rơ Châm Blinh , quê ở làng Mrong Yố, xã Ia Ka, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã trở nên quen thuộc với họ. Sở hữu nhiều ca khúc triệu View trên Youtube, Balin đang dần gây ấn tượng, chiếm được tình cảm của người yêu nhạc.

Những ca khúc do Balin thể hiện (Cover) nổi bật trên Youtube phải kể đến như: “Quên em trong từng cơn đau” (sáng tác Lâm Chấn Khang) đạt 10 triệu view; “Gió vẫn hát” (sáng tác Long Phạm) đạt 4,9 triệu view; “Nồng nàn Cao nguyên” (sáng tác Krajan Dick) đạt 1 triệu view)... Đặc biệt hơn, ca khúc song ngữ Gia Rai- Việt: “R’Ngot Adơi” (Nhớ em) do Balin sáng tác và thể hiện đạt 2,2 triệu view.

Ngoài khả năng ca hát trời phú, Balin cũng sáng tác rất đều tay. Cùng với việc tự sáng tác cho chính mình, Balin còn hợp tác với một số ca sĩ nổi tiếng như Hồ Quang Hiếu, Khánh Phương. Ca khúc “Nhìn lại cuộc đời” của Balin được ca sĩ Hồ Quang Hiếu mua độc quyền làm nhạc phim “Thiếu niên ra giang hồ” ngay khi phát hành MV (Music video) được người hâm mộ đón nhận với gần 5 triệu lượt xem trên kênh Youtube của ca sĩ Hồ Quang Hiếu. Hay, ca khúc “Hạnh phúc hay khổ đauđược ca sĩ Khánh Phương mua độc quyền và phát hành MV cũng gây sự chú ý của người hâm mộ. 

Chọn lối đi riêng

Sau những thành công bước đầu, Balin nhận thấy nếu chỉ Cover và sáng tác những bài hát thuần túy về tình yêu lứa đôi giống nhạc thị trường thì một thời gian sau anh sẽ bị lãng quên. Chững lại một thời gian để đánh giá, nhìn nhận lại, Balin chọn một lối đi riêng cho mình bằng cách mày mò học sáng tác những bài hát song ngữ Gia Rai- Việt. Không có kinh phí để đi học thầy, Balin tự học thông qua các bài viết trên Internet.

Tốt nghiệp chuyên ngành Hội họa nên hằng ngày, Balin vẽ tranh tường để mưu sinh. Cứ dành dụm được một khoản tiền là Balin lại đầu tư để thu âm ca khúc và quay MV rồi đăng lên Youtube. Nhận thấy việc hoà âm phối khí rất tốn kém, Balin lại mày mò học, tự phối khí cho ca khúc của mình để tiết kiệm chi phí. Sự nỗ lực, cố gắng của anh đang dần mang về thành quả.

Các ca khúc được Balin viết ra từ sự chất phác, mộc mạc, gần gũi là những câu chuyện chính anh đã và đang trải qua. Những tâm tư, tình cảm với gia đình và tình yêu lứa đôi được anh đưa vào lời bài hát. Cuộc sống thường ngày của người Gia Rai trong buôn làng là nguồn cảm hứng lớn lao để Balin sáng tác những giai điệu khi thì trầm lắng, thâm u như đại ngàn, lúc lại bay bổng, khoáng đạt đầy thăng hoa.

Sau một thời gian tìm tòi, thử sức trong lĩnh vực ca hát, sáng tác, Balin nhận thấy những bài hát viết bằng tiếng mẹ đẻ (Gia Rai) luôn được mọi người đón nhận nồng nhiệt nhất. Người nghe có thể tìm thấy trong đó sự đồng điệu, rung cảm, có thể thấu hiểu, sẻ chia vì đang được lắng nghe chính những thanh âm được cất lên từ tiếng của đồng bào mình.

Sau thành công của ca khúc song ngữ R’Ngot Adơi (Nhớ em), Balin tiếp tục cho ra mắt ca khúc mới: “Khắp Adơi Na Nao” (Yêu em mãi mãi). Dù chỉ phát hành một thời gian ngắn, ca khúc đã có hàng trăm nghìn lượt xem và rất nhiều bạn trẻ yêu ca hát ở Tây Nguyên đã cover lại bài hát này.

Điều thú vị là trong ca khúc mới này, tự tay Balin đã làm hết các công việc để sản xuất một bài hát như: Sáng tác, hoà âm phối khí, thể hiện. Balin tâm sự: “Trong cuộc sống hằng ngày, những vất vả mưu sinh khiến con người mệt mỏi, âm nhạc như một liều thuốc giúp tâm hồn thư giãn. Cuộc sống hiện đại ngày nay, các bạn trẻ DTTS được tiếp cận với nhiều nền văn hoá thông qua mạng Internet, bởi vậy tiếng dân tộc đang bị mai một. Sáng tác ca khúc bằng tiếng dân tộc vừa thể hiện được cái hay, cái đẹp của ngôn ngữ truyền thống vừa giúp gìn giữ và phát huy tiếng của người Gia Rai”.

Tin cùng chuyên mục
Hơn 13 nghìn vận động viên tham gia Giải Marathon Quốc tế Di sản Hạ Long năm 2024

Hơn 13 nghìn vận động viên tham gia Giải Marathon Quốc tế Di sản Hạ Long năm 2024

Chiều ngày 16/11, tại TP. Hạ Long (Quảng Ninh) đã diễn ra Lễ khai mạc Giải Marathon Quốc tế Di Sản Hạ Long 2024. Hơn 13 nghìn vận động viên (VĐV), trong đó có hơn 1 nghìn 3 trăm VĐV quốc tế đến từ 55 quốc gia đã sẵn sàng tham gia giải chạy vào ngày 03/11/2024. Đây là mùa giải thứ 10 kể từ khi Giải Marathon Quốc tế Di Sản Hạ Long được tổ chức tại Việt Nam.