Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Lời giải nào cho “đề thi” thừa-thiếu giáo viên?

PV - 11:03, 01/08/2018

Từ nhiều năm nay, lời giải cho vấn đề thừa-thiếu giáo viên là “đề thi” rất khó đối với ngành Giáo dục. Tình trạng thừa-thiếu giáo viên không chỉ xảy ra theo vùng miền, khu vực mà ngay trong một cơ sở giáo dục vẫn tồn tại nghịch lý thừa thì vẫn thừa nhưng thiếu vẫn cứ thiếu.

Bài 1: Giải pháp tình thế, hậu quả lâu dài

Để giải bài toán thừa-thiếu giáo viên, thời gian qua, ngành Giáo dục và chính quyền các địa phương đã thực hiện phương án luân chuyển, điều động giáo viên theo hướng “lấy thừa đắp thiếu”. Nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế, lợi ít hại nhiều.

Giáo viên phổ thông học chăm trẻ!

Theo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục-Bộ Giáo dục và Đào tạo, nghịch lý thừa-thiếu giáo viên đang diễn ra khắp cả nước. Từ những năm học trước, để giải quyết tình trạng thừa-thiếu giáo viên, một số địa phương đã phải đưa ra giải pháp tình thế bằng cách luân chuyển giáo viên THCS, thậm chí cả cấp THPT xuống dạy bậc mầm non, tiểu học. Tuy nhiên, việc luân chuyển này lại tiềm ẩn nhiều bất cập.

Như ở Nghệ An, năm học 2016-2017, toàn tỉnh thừa trên 1.700 giáo viên bậc phổ thông, thiếu 3.328 giáo viên mầm non. Sau khi “linh hoạt” chuyển một số giáo viên bậc phổ thông xuống dạy mầm non, sang năm học 2017-2018, tỉnh này thừa khoảng 1.500 giáo viên bậc trung học (chủ yếu cấp THCS), thiếu gần 3.000 giáo viên mầm non.

Đối chiếu số liệu của hai năm học liên tiếp nêu trên thì Nghệ An đang có những kết quả nhất định trong việc giải quyết bài toán thừa-thiếu giáo viên. Nhưng đằng sau kết quả đó lại có những câu chuyện bi hài, xuất phát từ việc luân chuyển, điều động giáo viên bậc trung học xuống dạy mầm non.

giáo viên Giáo dục mầm non là bậc học đòi hỏi những kỹ năng chuyên biệt để chăm sóc trẻ.
(Trong ảnh: Giờ ăn trưa của các cháu Trường Mầm non Tân Phong, TP. Lai Châu-Ảnh tư liệu)

14 năm gắn bó với Trường THCS Trà Lân (huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An), là giáo viên dạy giỏi môn Lịch sử, thầy Nguyễn Văn Hải đã truyền cảm hứng cho bao thế hệ học sinh người Thái, Khơ-mú,… trên địa bàn. Trước khi về công tác tại Trường THCS Trà Lân, thầy Hải từng “cắm” ở các chốt điểm lẻ tận vùng sâu, vùng xa thuộc xã Môn Sơn (huyện Con Cuông), được tuyên dương vì có thành tích xuất sắc trong việc vận động trẻ đến trường.

Nhưng là giáo viên hợp đồng nên năm 2016, thầy Hải nằm trong danh sách 40 giáo viên “thừa”, phải tinh giản của ngành Giáo dục huyện Con Cuông. Với tâm huyết theo nghề, thầy Hải viết đơn tự nguyện xuống dạy Trường Mầm non xã Chi Khê.

Suốt 14 năm chuyên tâm soạn giáo án, đứng bục giảng bài cho học sinh THCS, từ tháng 12/2016 đến nay, thầy Hải đã phải dành nhiều thời gian, tâm trí hơn để học cách chăm trẻ; từ chải đầu, buộc tóc, cho đến việc mặc quần áo, bón cơm,… cho trẻ. “Kèm cặp” thầy Hải trong chuyên môn là một giáo viên thứ nhất có trình độ đạt tiêu chuẩn giáo viên mầm non (một lớp mầm non có 2 giáo viên phụ trách). Sau những ngày đến lớp, cuối tuần, thầy lại “khăn gói” xuống TP. Vinh theo học văn bằng Trung cấp mầm non.

Tiềm ẩn nhiều hệ lụy

Cũng như thầy Hải, rất nhiều giáo viên bậc phổ thông ở nhiều địa phương khác phải xuống dạy bậc mầm non. Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An, năm học 2015-2016, đã có 1.600 chỉ tiêu được giao cho các địa phương trong tỉnh để tuyển dụng giáo viên mầm non từ giáo viên bậc phổ thông; năm học 2016-2017, toàn tỉnh cũng có thêm 900 chỉ tiêu được giao. Cùng với Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa, TP. Đà Nẵng,… cũng thực hiện luân chuyển giáo viên bậc phổ thông “thừa” để lấp vào chỗ thiếu ở bậc mầm non.

Theo đánh giá, việc luân chuyển giáo viên là một chính sách nhân văn nhằm tạo điều kiện cho những giáo viên lâu năm nhưng chưa được vào biên chế được hưởng chế độ đãi ngộ phù hợp. Như thầy Hải ở Con Cuông, dù bị luân chuyển, phải học lại để chăm trẻ thì vẫn còn cơ hội làm nghề-còn hơn hàng nghìn giáo viên dôi dư ở nhiều tỉnh, thành hiện không biết đi đâu, về đâu.

Nhưng việc luân chuyển giáo viên phổ thông xuống dạy mầm non có thực sự hợp lý? Liệu đây có phải là một giải pháp để giải quyết tình trạng thừa-thiếu giáo viên của ngành Giáo dục hay không?

Trả lời câu hỏi này, chính Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cũng thừa nhận, thời gian qua, một số địa phương đã điều chỉnh giáo viên thừa ở bậc phổ thông sang dạy mầm non. Nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế; về lâu dài, nó tiềm ẩn nhiều rủi ro về mặt chất lượng, do bậc mầm non đòi hỏi những kỹ năng và phương pháp sư phạm chuyên biệt.

Còn PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam thì cho rằng, việc điều chuyển giáo viên phổ thông xuống dạy mầm non là một sự bất hợp lý. Ở bậc học mầm non, yêu cầu đối với giáo viên là phải hiểu biết thật sâu sắc đối với tâm lý của trẻ. Điều chuyển toàn bộ số lượng giáo viên phổ thông dôi dư xuống dạy mầm non có thể gây ra nhiều bất cập khi thực tế sẽ phát sinh rất nhiều tình huống ảnh hưởng tới chất lượng của bậc học này.

Nhận định này là hoàn toàn chính xác bởi mầm non là bậc học đặc thù, đòi hỏi giáo viên phải đáp ứng được những kiến thức, kỹ năng chuyên biệt để có thể chăm sóc, giáo dục trẻ. Ngay cả những giáo viên mầm non được đào tạo chính quy vẫn còn khó đạt yêu cầu bậc học thì những giáo viên bậc học khác chỉ bồi dưỡng ngắn hạn thì làm sao có thể đủ khả năng đứng lớp, xử lý hàng ngày những tình huống đặc thù chỉ xảy ra ở lứa tuổi mầm non. Những vụ bạo hành trẻ xảy ra thời gian gần đây vì giáo viên mầm non chưa “đạt chuẩn” là một tiếng chuông cảnh báo.

Chính những bất cập này nên Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo ngành Giáo dục các địa phương dừng việc luân chuyển giáo viên theo hình thức “lấy thừa đắp thiếu”. Điều này đồng nghĩa hàng nghìn giáo viên bậc phổ thông dôi dư sẽ không biết đi đâu, về đâu.

Theo số liệu mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bước vào năm học 2018-2019, cả nước đang thừa gần 17.000 giáo viên cấp THCS và THPT. Trong khi đó, các cơ sở giáo dục mầm non công lập trên cả nước lại đang thiếu khoảng 40.000 giáo viên.

Vậy, trong điều kiện không được luân chuyển giáo viên bậc phổ thông xuống dạy mầm non thì ngành Giáo dục sẽ làm thế nào để giải quyết nghịch lý thiếu-thừa này. Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục