Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Lớp học đêm trên miền biên viễn

Mạnh Cường- Tiêu Dao - 20:01, 22/08/2023

Những tiếng “ê a” đánh vần trong ánh đèn đêm của điểm trường vùng biên giới làm không gian rộn rã hẳn lên. Lớp học đặc biệt ban đêm trên biên viễn ấy dành cho các chị, các mẹ người đồng bào DTTS và cả những người Lào theo học.

Niềm vui “vỡ lòng”

Từ tháng 4/2023, trên địa bàn xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã có nhiều lớp xóa mù chữ (XMC) được mở ra. Mỗi lớp học có khoảng hơn 20 học sinh đặc biệt với độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi. Do địa hình khó khăn, lại học vào ban đêm nên lớp học được tổ chức ở 2 điểm nhằm giúp chị em phụ nữ tham gia học tập thuận tiện hơn.

Theo đó, lớp ở thôn Loa có 48 học viên, còn lớp học ghép 2 thôn Măng Sông và thôn Vầng có 46 học viên. Thầy, cô đứng lớp là cán bộ Đồn biên phòng Ba Tầng, cán bộ phụ nữ xã và giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở (THCS) Ba Tầng.

Cán bộ Đồn Biên phòng Ba Tầng, BĐBP Quảng Trị trực tiếp đứng lớp dạy chữ cho người dân.
Cán bộ Đồn Biên phòng Ba Tầng, BĐBP Quảng Trị trực tiếp đứng lớp dạy chữ cho người dân.

Từ nhiều tháng qua, mỗi tuần 3 buổi, những lớp học đặc biệt ấy lại sáng đèn bên những sườn đồi ở vùng cao biên giới. Trong đêm, vang lên giọng đọc chưa rõ tiếng phổ thông của các chị, các mẹ, nhiều người dân chưa một ngày được đến trường.

Hơn 2 tháng theo học lớp học này, nhiều chị em phụ nữ đã biết được mặt chữ, có thể ghép vần và đánh vần được các từ đơn giản, phát âm chuẩn hơn và viết được những từ cơ bản thành câu. Chị Hồ Thị Tươi chia sẻ: “Từ trước đến nay mình hầu như chỉ biết đi rừng, phát rẫy, làm nương, cuộc sống hằng ngày gắn liền với củ sắn, củ khoai, nương ngô chứ không quen cầm bút, cầm sách. Nay được đi học, được viết chữ và biết cách tính toán mình thấy nhiều điều mới lạ hơn. Hy vọng sau khi học xong mình có thể đọc thông viết thạo và tìm hiểu thêm được nhiều điều hay nữa qua sách vở!”.

 Cán bộ Đồn Biên phòng Ba Tầng miệt mài với từng con chữ cho học viên.
Cán bộ Đồn Biên phòng Ba Tầng miệt mài với từng con chữ cho học viên.

Ba Tầng là xã giáp biên giới với nước bạn Lào, cũng là địa bàn xa nhất trên tuyến Lìa gồm 7 xã giáp biên của huyện Hướng Hóa, chủ yếu là đồng bào Pa Cô, Vân Kiều sinh sống, còn nhiều khó khăn. Ở huyện Hướng Hóa, lớp học XMC được triển khai theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Thực hiện thỏa thuận giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào (năm 2019) về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước, 350 trường hợp di cư tự do, kết hôn không giá thú đang cư trú tại 9 xã giáp biên của huyện Đakrông và Hướng Hóa, nhiều người đã trở thành công dân Việt Nam cũng mong muốn được học chữ. Vì thế, khi lớp XMC được triển khai, ai nấy đều háo hức tham gia.

Thầy giáo Nguyễn Hữu Trực, giáo viên trường Tiểu học và THCS xã Ba Tầng cho biết: Học sinh ở đây đa số đều là phụ nữ người dân tộc Pa Cô hay Vân Kiều ở nhiều độ tuổi khác nhau, từ 30 - 60 tuổi. Phần lớn là lao động trụ cột trong gia đình, nên việc vận động các mẹ, các chị đến lớp học tập đều đặn cũng gặp không ít trở ngại. Thế nhưng, với tinh thần trách nhiệm của người giáo viên, chỉ trong một thời gian ngắn, chúng tôi đã vận động được hầu hết các mẹ,các chị tham gia lớp XMC”.

Mở ra chân trời mới với nhiều điều thú vị

Trong quá trình giảng dạy, thấy các mẹ, các chị đã lớn tuổi, nhưng mọi người đều có tinh thần ham học, muốn biết cái chữ, thích học phép tính. Vì thế, mỗi khi đứng lớp, các thầy cô giáo hay các chiến sỹ Biên phòng phải chọn những phương pháp dạy phù hợp với từng độ tuổi. Đồng thời, lồng ghép các hoạt động văn hóa, văn nghệ, kết hợp với tuyên truyền chính sách, pháp luật, chú trọng đưa nếp sống văn minh tới bà con. Từ đó, tạo hứng khởi để bà con chuyên cần đến lớp, đưa lớp học dần đi vào ổn định, người dân biết đọc thông, viết thạo, làm được các phép tính cộng, trừ, nhân, chia.

Bà La Ham, một phụ nữ gốc Lào được mang quốc tịch Việt Nam từ năm 2019 bày tỏ: “Biết đọc biết viết, mình thích đọc tin tức, xem tivi, nghe đài hơn. Đời sống văn hóa, tinh thần cũng từ đó biết được nhiều điều thú vị và bổ ích. Học cái chữ khó lắm, nhưng mình rất thích”.

 Bà La Ham tỉ mẩn học chữ.
Bà La Ham tỉ mẩn học chữ.

Biết đọc, biết viết, biết đếm và biết tự tay mình ký tên khi làm các giấy tờ, thủ tục… điều tưởng như bình thường với bao người nhưng lại khá xa lạ, mới mẻ với nhiều phụ nữ đồng bào nơi vùng sâu, vùng xa biên giới này. Chính vì vậy, lớp học XMC được mở ra với các các mẹ, các chị cũng là mở ra một tương lai mới với nhiều điều thú vị. Công việc hằng ngày của họ không chỉ cày cuốc, mà còn có những tập sách, những con chữ.

Hình ảnh các chị, các mẹ nắn nót tỉ mẩn tập viết từng nét chữ, đọc to rõ ràng từng thanh âm tiếng Việt, điều đó như minh chứng về sự nỗ lực của những người phụ nữ đồng bào DTTS muốn thay đổi mình. Cùng với đó, sự nỗ lực hằng đêm đứng lớp của các thầy cô giáo, các cán bộ, chiến sỹ Biên phòng càng chứng tỏ tình cảm sâu nặng, keo sơn của quân - dân nơi biên cương. Chính sự chịu khó, ham học của các mẹ, các chị đồng bào DTTS đã khiến những người thầy đặc biệt đứng lớp như “Thầy” Lê, “Cô” Y Theo, “Cô” Meng… như được tiếp sức trên hành trình đồng hành với phụ nữ biên cương, khơi chảy suối nguồn tri thức, nâng cao dân trí, góp phần mang lại niềm vui, hạnh phúc cho đồng bào trên miền biên viễn.

Các cô giáo tại trường Tiểu học và THCS xã Ba Tầng nỗ lực dạy học buổi tối.
Các cô giáo tại trường Tiểu học và THCS xã Ba Tầng nỗ lực dạy học buổi tối.

Đại úy Hồ Xuân Lê, cán bộ Đồn biên phòng Ba Tầng (BĐBP Quảng Trị) cho biết, các lớp học không chỉ giúp cho người dân nơi biên cương có kiến thức, biết đọc, biết viết, biết tính toán mà có thêm các kỹ năng sống. Đặc biệt, biết được chữ, bà con sẽ có thêm động lực tìm hiểu, học tập và áp dụng các mô hình kinh tế vào lao động, sản suất. Đồng thời, công tác vận động, tuyên truyền cho bà con thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng dễ dàng, thuận lợi hơn.

Được biết, ngoài các lớp học tại các điểm trường xã Ba Tầng này, thì vào năm 2022 các thầy cô giáo và cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Ba Tầng còn mở thêm nhiều lớp học khác dành cho phụ nữ như tại điểm trường thôn A Dơi Đớ và thôn Prin Thành, xã A Dơi, huyện Hướng Hóa. Năm 2023, trên tuyến biên giới huyện Hướng Hóa các lớp XMC cho các mẹ, các chị người DTTS sẽ tiếp tục được triển khai tại 5 xã vùng biên. Các lớp học này sẽ tiếp tục lồng ghép những nội dung tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương và ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo.


Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.