7 giờ ngày 18/10, hàng nghìn người dự tang lễ 13 cán bộ chiến sĩ hy sinh khi đi thực hiện nhiệm vụ cứu nạn ở Thủy điện Rào Trăng 3, được tổ chức tại Bệnh viện Quân y 268 (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Trong 13 quan tài phủ Quốc kỳ đỏ thắm, có quan tài của một liệt sĩ - Nhà báo Phạm Văn Hướng, Trưởng Phòng Thông tin - Tuyên truyền, Cổng Thông tin điện tử Thừa Thiên - Huế.
Những ngày qua, miền Trung mưa xối xả, trắng trời. Nước dâng mênh mang. Nhà báo Phạm Văn Hướng, cũng như các đồng nghiệp khác ở Thừa Thiên - Huế, luôn bám hiện trường để cập nhật tình hình, đáp ứng thông tin đối với Nhân dân cả nước đang lo lắng, hướng về miền Trung ruột thịt và phục vụ công tác cứu hộ.
Trưa ngày 12/10, lệnh phát ra: Lên đường. Chẳng chút phân vân, Phạm Văn Hướng có mặt ngay, tham gia Đoàn công tác 21 người, do Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4, chỉ huy, tức tốc đến khu vực Đường 71, hướng lên thủy điện Rào Trăng 3 để xác minh, cứu hộ, cứu nạn sự cố sạt lở tại thủy điện này. Sao có thể phân vân, khi phía trước là đồng bào. Sao có thể suy tính khi thời điểm đó, ba tiếng “Rào Trăng 3” luôn văng vẳng như âm thanh thảng thốt, xé lòng của người dân trong cơn cuồng nộ của thiên tai.
Tối hôm đó, do mưa lớn và đường đi sạt lở, đoàn công tác buộc phải nghỉ chân tại Trạm bảo vệ rừng 67. Thảm họa bất ngờ ập đến: Chỉ trong phút giây, 13 người trong đoàn công tác cứu hộ bị vùi trong đất, đá do núi sạt lở kinh hoàng lúc 0h ngày 13/10; chỉ có 8 người kịp thoát nạn...
Trong đoàn công tác có một nhà báo nữa. Anh là Thiếu tá Nguyễn Đức Cương, Phó Tổng biên tập Báo Quân khu 4, anh là 1 trong 8 người may mắn thoát chết. Tới giờ, Nguyễn Đức Cương hẳn vẫn chưa thể quên những gì mình đã chứng kiến. Và chắc chắn, điều đó sẽ còn theo anh như một ký ức xót xa nhất cuộc đời. Tuy nhiên, điều còn lại vô cùng ý nghĩa từ chuyến tác nghiệp đau thương đó của anh là khi, vài ngày sau, lực lượng cứu hộ tìm thấy chiếc Camera, trong đó có những hình ảnh cuối cùng của Tướng Man và đoàn công tác trên con đường lầy lội: Vách núi lở, vàng quạch, con đường lở lói, lổn nhổn đất đá; những gương mặt đăm chiêu; tiếng réo của nước, tiếng quất của mưa như trút, những cánh tay hơ vội quần áo trên bếp củi tạm tại Trạm quản lý bảo vệ rừng 67... Và câu nói của tướng Man: “Việc thì gấp, vì nhiệm vụ, vì Nhân dân chúng ta phải làm”.
Là người cầm máy, Nguyễn Đức Cương hẳn không có trong đoạn Video chỉ 1,5 phút kia. Nhưng không sao, hơn tất cả, ý nghĩa lớn lao còn lại của những hình ảnh đó ghi nhận đóng góp, lòng quả cảm, tinh thần trách nhiệm của nhà báo chiến sĩ này.
Viết tới đây, tôi không thể không nghĩ về một nhà báo khác: Phóng viên 29 tuổi Đinh Hữu Dư của Thông tấn xã Việt Nam. Dư bị dòng lũ cuốn trôi khi đang tác nghiệp, làm tin về mưa lũ tại cầu Thia, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) hồi 13h chiều ngày 11/10/2017. Một sự trùng hợp sau 3 năm, cũng trong những ngày này của tháng 10, Phạm Văn Hướng và đoàn công tác Rào Trăng 3 lại gặp nạn.
Lũ tháng Mười các năm gần đây, sao ác đến vậy?
Còn nhớ dạo đó, có người cho rằng, Dư có thể tránh được cái chết, nếu anh không cầu toàn, không cố lần ra cây cầu đang rung lắc, để có thể ghi hình, đặc tả cho được cái hung hãn của lũ miền Tây Bắc?
Có thể. Nhưng, lại là không thể với những nhà báo yêu nghề, căng tràn khát vọng, quả cảm và sẵn sàng dấn thân như phóng viên trẻ Đinh Hữu Dư! Sự ra đi của Dư đã khiến một đồng nghiệp cảm thán về nỗi đau - một nỗi đau vẻ vang của nghề báo - rằng: “Nỗi đau khi số phận của họ bị đảo ngược: Từ nhân chứng trở thành nạn nhân, từ người đưa tin trở thành người phải gánh nỗi bất trắc về sự kiện mà họ cần đưa. Nhưng những nhà báo tử nạn khi tác nghiệp luôn là những nạn nhân đặc biệt, cái chết của họ có sức mạnh hơn bao giờ hết”.
Còn nhiều, nhiều nữa những nhà báo như thế, trong những tình huống như thế, ở nhiều cơ quan báo chí như thế. Quên sao được phóng viên Hồng Sen của Đài phát thanh huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi), gặp tai nạn giao thông trên đường đi tác nghiệp đưa tin, trong cơn bão Haiyan quét dọc miền Trung năm 2013 này. Và sao không thể khâm phục một Nguyễn Ngân - phóng viên trẻ VTV, thoắt lên rừng, lại xuống biển; nay Tây Bắc, mai đã lại Tây Nam Bộ, với những bản tin vừa có chiều sâu, vừa nóng hổi thời sự...
Những ngày qua, hàng trăm nhà báo của nhiều cơ quan báo chí; trong đó có các phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đang dầm mình trong mưa lũ. Những bài viết, hình ảnh thời sự, xúc động của họ không chỉ cập nhật tình hình, mà còn làm thức dậy, sáng lên tình đồng bào chan chứa; cổ vũ, khích lệ, tôn vinh những việc làm cao cả, nhân ái hướng về miền Trung ruột thịt trong thời khắc khó khăn nhất.
Nghề báo là vậy!.
Nỗi đau khi số phận của họ bị đảo ngược: Từ nhân chứng trở thành nạn nhân, từ người đưa tin trở thành người phải gánh nỗi bất trắc về sự kiện mà họ cần đưa. Nhưng những nhà báo tử nạn khi tác nghiệp luôn là những nạn nhân đặc biệt, cái chết của họ có sức mạnh hơn bao giờ hết.