Tại phiên họp, Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày Tờ trình về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Theo đó, dự thảo Luật gồm 4 Chương, 12 Điều, bám sát theo 7 nhóm chính sách tại hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý, đồng thời, dự thảo Luật đã luật hóa một số nội dung đang thực hiện ổn định trong thời gian dài tại các văn bản dưới Luật.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho biết về đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đã sửa đổi, quy định các hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để đồng bộ với pháp luật chuyên ngành; sửa đổi, quy định hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Về đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, theo Phó Thủ tướng Lê Thành Long, dự thảo Luật đã sửa đổi quy định hàng hóa do tổ chức, cá nhân sản xuất, gia công, thuê gia công trực tiếp xuất khẩu ra nước ngoài hoặc bán, ủy thác cho tổ chức, cá nhân kinh doanh khác để xuất khẩu ra nước ngoài thuộc đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để bảo minh bạch chính sách. Đồng thời, sửa đổi quy định hàng hóa nhập khẩu không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để xử lý những bất cập phát sinh trong thực tế và đồng bộ với pháp luật chuyên ngành...
Về người nộp thuế, sửa đổi, bổ sung quy định về người nộp thuế tiêu thụ đặc biệt là tổ chức, cá nhân sản xuất, gia công, nhập khẩu hàng hóa và kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để bao quát các trường hợp. Cùng với đó, sửa đổi, bổ sung đồng bộ các quy định tại Luật về “cơ sở” sản xuất/nhập khẩu/kinh doanh/sản xuất kinh doanh thành “tổ chức, cá nhân” sản xuất/nhập khẩu/kinh doanh/sản xuất kinh doanh để thống nhất, đồng bộ về khái niệm.
Ngoài ra, về căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho biết, dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt để bao quát trường hợp bổ sung áp dụng thuế tuyệt đối, áp dụng thuế hỗn hợp; Bổ sung 01 Điều quy định về thời điểm xác định thuế tiêu thụ đặc biệt để luật hóa quy định đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật.
Đồng tình với các nội dung trong báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh về sửa đổi, bổ sung liên quan đến danh mục hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế đối với sửa đổi liên quan đến điều hòa nhiệt độ, đa số ý kiến nhất trí với nội dung dự thảo Luật.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh đề nghị Chính phủ làm rõ một số nội dung được các Đại biểu Quốc hội quan tâm. Cụ thể, một số Đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc, không thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa nhiệt độ vì hiện nay, việc sử dụng điều hòa nhiệt độ đã trở nên phổ biến, không còn là mặt hàng xa xỉ như trước đây. Do đó, trong trường hợp vẫn tiếp tục thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa nhiệt độ thì chỉ thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các loại điều hòa sử dụng chất làm lạnh chứa HCFC để khuyến khích sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường hoặc phân loại theo công suất thiết kế và không thu thuế đối với loại điều hòa có công suất thiết kế được sử dụng phổ biến, phù hợp với nhu cầu thiết yếu của người dân.
Về bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam, có hàm lượng đường trên 5g/100 ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, đa số ý kiến nhất trí, đồng thời, đề nghị Chính phủ làm rõ nội dung “theo Tiêu chuẩn Việt Nam” vì quy định này có thể dẫn đến vướng mắc trong thực hiện đối với các sản phẩm nhập khẩu không được sản xuất theo Tiêu chuẩn Việt Nam, song vẫn có hàm lượng đường trên 5g/100 ml.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị giải trình rõ hơn về khả năng đạt được mục tiêu của chính sách này trong việc góp phần bảo vệ sức khỏe người dân; bổ sung các thông tin liên quan đến kinh nghiệm quốc tế; đánh giá kỹ tác động trên khía cạnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt…