Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Lục địa Á - Âu: Nơi dẫn đầu về số lượng di sản thế giới mới được vinh danh

Duy Ly (biên dịch theo CNBC; UNESCO) - 16:23, 10/09/2021

Từ những thị trấn Spa lớn ở châu Âu (Great Spa Towns of Europe) đến các sa mạc, với những xác ướp lâu đời nhất thế giới, 34 kỳ quan vừa được ghi tên vào danh mục Di sản thế giới của UNESCO.

Hải đăng Cordouan được UNESCO đánh giá là một kiệt tác về báo hiệu hàng hải
Hải đăng Cordouan được UNESCO đánh giá là một kiệt tác về báo hiệu hàng hải

Sau 1 năm bị hoãn vì đại dịch Covid-19, phiên họp năm nay của Ủy ban Di sản thế giới (cơ quan của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc - UNESCO) được tổ chức trực tuyến và chủ trì từ Phúc Châu, Trung Quốc. Ủy ban Di sản thế giới đã xem xét và đánh giá các đề cử từ năm 2020 và 2021, vì vậy có nhiều Di sản thế giới được bổ sung hơn các năm trước đó.

Ủy ban đã xem xét gần 40 địa danh địa lý và lịch sử bằng cách sử dụng một bài kiểm tra 10 bước để tìm ra các địa điểm có “giá trị phổ quát nổi bật”.

Theo UNESCO, “Giá trị phổ quát nổi bật” có nghĩa là mang ý nghĩa về văn hóa hoặc tự nhiên. Sự đặc biệt này vượt qua ranh giới quốc gia và có tầm quan trọng chung đối với các thế hệ hiện tại và tương lai của toàn nhân loại. Trong số 34 di sản được thêm vào danh sách, có tới hơn 80% nằm ở lục địa Á - Âu.

Một nửa số di sản thế giới năm nay ghi nhận thuộc về “Lục địa già”

Mặc dù thành phố Bath ở Anh đã là Di sản Thế giới từ năm 1987, nhưng những nỗ lực để có được bộ sưu tập xuyên quốc gia về các “Thị trấn Spa lớn” của châu Âu vào danh sách mới chỉ bắt đầu vào năm 2012. Đến năm nay, 11 thị trấn tại 7 quốc gia châu Âu đang được xác nhận, bao gồm: Baden bei Wien (Áo); Spa (Bỉ); Františkovy Lázně (Séc); Karlovy Vary (Séc); Mariánské Lázně (Séc); Vichy (Pháp); Bad Ems (Đức); Baden - Baden (Đức); Bad Kissingen (Đức); Montecatini Terme (Ý) và thành phố Bath (Vương quốc Anh).

Theo UNESCO, các thị trấn tôn vinh nền văn hóa spa châu Âu xuất hiện vào đầu thế kỷ 18. Tất cả những quần thể này đều được tích hợp vào một bối cảnh đô thị tổng thể bao gồm, một môi trường trị liệu và giải trí được quản lý cẩn thận trong một cảnh quan đẹp như tranh vẽ. Cùng với nhau, các thị trấn spa thể hiện sự giao thoa quan trọng của các giá trị nhân văn và sự phát triển trong y học, khoa học và khoa học balneology (tẩm ngâm, thủy lý học).

Ngọn hải đăng Cordouan tọa lạc trên một cao nguyên đá nông ở Đại Tây Dương, cửa sông Gironde, Pháp. Được xây dựng bằng những khối đá vôi trắng vào cuối thế kỷ 16, Cordouan là minh chứng cho giai đoạn vĩ đại của lịch sử kiến ​​trúc và công nghệ của các ngọn hải đăng, được xây dựng với tham vọng tiếp nối truyền thống của những ngọn hải đăng nổi tiếng thời xưa; minh họa cho nghệ thuật xây dựng hải đăng trong thời kỳ hàng hải đổi mới, khi đèn hiệu đóng một vai trò quan trọng như đánh dấu lãnh thổ và báo hiệu an toàn.

Cảnh quan đá phiến Tây Bắc xứ Wales là địa điểm thứ 33 của Vương quốc Anh trong Danh sách Di sản Thế giới. Khu vực này đã từng là một địa điểm phát triển mạnh về khai thác đá, đặc biệt là đá phiến. Điều này đã làm thay đổi từ bản sắc nông nghiệp đặc trưng sang công nghiệp.

Một số địa danh khác trong danh sách di sản tại châu Âu còn có: Khu nghệ thuật Mathildenhohe tại Darmstadt (Đức), những bức bích họa từ thế kỷ 14 ở thành phố Padua (Italia), Paseo del Prado và Buen Retiro - cảnh quan của Nghệ thuật và Khoa học (Tây Ban Nha)…

Đền Kakatiya Rudreshwara, Ấn Độ
Đền Kakatiya Rudreshwara, Ấn Độ

Hơn một phần ba các địa điểm mới được UNESCO công nhận là ở châu Á

Năm nay, hai địa điểm ở Ấn Độ đã được ghi tên vào Danh sách Di sản Thế giới. Một trong số đó là đền Kakatiya Rudreshwara. Nằm ở phía Nam bang Telangana, khu phức hợp của ngôi đền được xây dựng trong khoảng thời gian 40 năm vào đầu thế kỷ 13. Ngôi đền có những bức tường và cột trụ được chạm khắc tinh xảo và nổi tiếng với những viên gạch được đánh giá là rất nhẹ, có thể nổi trên mặt nước.

Di sản từ Trung Quốc xuất hiện trong danh sách năm 2020 - 2021, là Trung tâm giao thương của thế giới thời Tống - Nguyên ở Tuyền Châu. Đây là địa danh có giá trị lịch sử lớn, khi chứng kiến thời kỳ phát triển mạnh của thương mại hàng hải ở châu Á. Địa điểm này bao gồm các công trình tôn giáo và một loạt các di tích khảo cổ học.

Đường sắt xuyên Iran, nối biển Caspi ở phía Đông Bắc, với vịnh Ba Tư ở phía Tây Nam. Tuyến đường đẹp như tranh vẽ băng qua 2 dãy núi, cũng như vô số sông, cao nguyên, rừng và đồng bằng, trải dài trên 4 khu vực khí hậu khác nhau được hoàn thành vào năm 1938.

Theo UNESCO, tuyến đường dài 1.394 km (866 dặm) với 360 cây cầu và 224 đường hầm. Tuyến đường sắt này đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, văn hóa và chính trị của Iran; Đồng thời nó trở thành biểu tượng của sự phát triển và chủ nghĩa hiện đại của đất nước.

Một số địa danh mới được ghi nhận khác ở châu Á bao gồm: Khu văn hóa Ḥima (Ả Rập Xê Út); Bãi triều Getbol (Hàn Quốc); Khu phức hợp rừng Kaeng Krachan (Thái Lan)…

Thành phố Bath ở Anh đã là Di sản Thế giới từ năm 1987
Thành phố Bath ở Anh đã là Di sản Thế giới từ năm 1987

 Các di sản nằm ở châu Phi và châu Mỹ

Các nhà thờ Hồi giáo theo phong cách Sudan của Bờ Biển Ngà là 1 trong 2 địa điểm của châu Phi góp mặt trong danh sách năm nay.

Việc sử dụng các vật liệu truyền thống của châu Phi cùng với các đặc điểm Hồi giáo như mái vòm, thể hiện sự kết hợp của hai nền văn hóa đã tồn tại lâu dài kể từ khi giao thương lần đầu tiên bắt đầu giữa họ vào thế kỷ 17.

Châu Mỹ cũng ghi danh thêm nhiều địa điểm mới, trong đó có các xác ướp Chinchorro. Xác ướp Chinchorro là những xác ướp của những người Nam Mỹ thuộc nền văn hóa Chinchorro, tìm thấy tại vùng Bắc Chile và Nam Peru ngày nay. Đây là những xác ướp nhân tạo người cổ nhất được biết, với hơn 7.000 năm tuổi, cổ hơn các xác ướp cổ Ai Cập đến 2.000 năm.

Tổng cộng hiện nay có 1.154 địa điểm nằm trong Danh sách Di sản Thế giới. Khoảng 52 trong số này nằm trong danh sách “Đang gặp nguy hiểm” của UNESCO, bao gồm Thành phố cổ Jerusalem ở Trung Đông và Vườn quốc gia Everglades của Hoa Kỳ.

Tin cùng chuyên mục
Vùng đồng bào DTTS và miền núi: Thành quả giảm nghèo đa chiều từ chính sách toàn diện

Vùng đồng bào DTTS và miền núi: Thành quả giảm nghèo đa chiều từ chính sách toàn diện

Từ nhiều năm qua, công tác giảm nghèo của Việt Nam được các quốc gia và tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh gia cao; trong đó, kết quả giảm nghèo đa chiều đặc biệt ấn tượng ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Thành quả giảm nghèo ở địa bàn này xuất phát từ hệ thống chính sách đầu tư, hỗ trợ toàn diện, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực.