Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Lung linh “phố núi” A Nôr

Phạm Tiến - 11:14, 13/05/2024

Chiều buông xuống, cũng là lúc ánh đèn của những biển hiệu homestay, farmstay ở A Nôr bật lên rực rỡ. Điểm du lịch sinh thái A Nôr do đồng bào Bru Vân Kiều xây dựng và vận hành giờ đây được trang hoàng lung linh như một khu phố nhỏ trên miền núi rừng hoang sơ.

Khu Farmstay A Nôr - trang trại cá tầm của Hồ Thanh Phương ở làng du lịch cộng đồng A Nôr, thôn Đút, xã Hồng Kim (A Lưới, Thừa Thiên Huế)
Khu Farmstay A Nôr - trang trại cá tầm của Hồ Thanh Phương ở làng du lịch cộng đồng A Nôr, thôn Đút, xã Hồng Kim (A Lưới, Thừa Thiên Huế)

Dự án Trường Sơn xanh “mở lối”

Trở lại A Lưới (Thừa Thiên Huế) trong những ngày cuối tháng 4/2024, cái nắng đầu hè như dịu hơn ở vùng đất được ví là “Đà Lạt” của Miền Trung này. Từ ngã ba đường Hồ Chí Minh, đi vào chưa đến 1km là điểm du lịch sinh thái cộng đồng A Nôr. Hình ảnh trực quan khác hẳn trong suy nghĩ của chúng tôi trước khi về với A Nôr. Hàng chục ngôi nhà được cải tạo xinh xắn, những bảng hiệu du lịch homestay treo trước cổng lung linh. Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, đặc biệt là có Thác A Nôr nên du khách đến du lịch ở điểm du lịch sinh thái ở miền sơn cước này đông hơn tôi nghĩ.

Câu chuyện phát triển du lịch vùng đồng bào DTTS ở xã Hồng Kim (A Lưới, Thừa Thiên Huế) bắt đầu từ năm 2008. Thời điểm đó, dự án Trường Sơn Xanh đã hỗ trợ cho thôn Đút, xã Hồng Kim tiểu dự án phát triển điểm du lịch cộng đồng ở A Nôr với kinh phí 500 triệu đồng. Bước đầu, Dự án hỗ trợ cho 3 hộ gia đình đồng bào Bru Vân Kiều là Hồ Trâm, Nhuận Thoa và 1 hộ nữa (giờ đã nghỉ do già yếu) cải tạo khu nhà sàn để làm du lịch cộng đồng. Trong số 500 triệu đồng, kinh phí hỗ trợ cho 3 hộ gồm cải tạo nhà sàn, làm đường, cải tạo sân vườn còn lại phần lớn kinh phí được đầu tư cho tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn kinh doanh du lịch. 

Đồng hành cùng Dự án để hỗ trợ đồng bào xây dựng làng du lịch cộng đồng A Nôr, UBND huyện A Lưới đầu tư thêm tuyến đường và các hạ tầng kỹ thuật trong khuôn viên điểm du lịch. Để du lịch hoạt động bài bản, chính quyền địa phương cũng thành lập Hợp tác xã du lịch sinh thái A Nôr. Sau khi khu du lịch đưa vào khai thác, lượng khách đã tăng dần, đều cho đến nay. Vào các dịp hè, lượng khách đến với A Nôr ngày một đông có thời điểm tăng đột biến.

Cung đã vượt cầu, hiệu quả kinh tế từ mô hình homestay, farmstay ở A Nôr đã thấy rõ. Nhiều hộ gia đình người Bru Vân Kiều ở thôn Đút đã tự bỏ tiền cải tạo nhà cửa để chuyển sang kinh doanh du lịch homestay, farmstay. Đến nay toàn thôn đã có 11 hộ gia đình kinh doanh dịch vụ này. Cùng với đó, số hộ tham gia dịch vụ phụ trợ như ăn uống, nuôi trồng để cung cấp thực phẩm sạch cho du khách cũng phát triển. Đời sống đồng bào ở làng du lịch cộng đồng A Nôr theo đó cũng được nâng lên.

Nhiều hộ gia đình khác ở A Nôr cũng trở nên khá giả nhờ các hoạt động giao thương, du lịch
Nhiều hộ gia đình ở A Nôr cũng trở nên khá giả nhờ các hoạt động giao thương, du lịch

Gia đình Hồ Trâm, một chủ khu homestay chia sẻ, mỗi năm gia đình anh có nguồn thu nhập ổn định khoảng 90 triệu đồng từ các hoạt động du lịch. Số tiền đó, đủ bù chi phí cho các dịch vụ và hỗ trợ thêm cho kinh tế gia đình. Có nguồn thu nhập khá, gia đình Hồ Trâm đầu tư cho trồng rừng, làm nương rẫy nên cuộc sống cũng ổn định.

Cũng như gia đình Hồ Trâm, nhiều hộ gia đình khác ở A Nôr cũng trở nên khá giả nhờ các hoạt động giao thương, du lịch. Cùng với cái được trước mắt là kinh tế đã khá lên, tư duy đồng bào cũng đã thay đổi nhanh chóng nhờ được giao thương với khách thập phương về với A Nôr.

Đồng bào Bru Vân Kiều tiếp bước

Từ 3 hộ kinh doanh dịch vụ homestay, farmstay “hạt nhân” do Dự án Trường Sơn xanh hỗ trợ. Đồng bào Bru Vân Kiều ở thôn Đút tiếp bước xây dựng A Nôr trở thành điểm nhấn trên dãy Trường Sơn.

(Bài Kế hoạch): Lung linh “Phố núi” A Nôr 2
Hiện, ở A Nôr có 11 hộ gia đình kinh doanh dịch vụ Homestay, farmstay phục vụ du khách

Đến nay, điểm du lịch cộng đồng A Nôr có 11 hộ gia đình kinh doanh dịch vụ homestay, farmstay. Nhờ có nguồn thu ổn định nên đồng bào có khả năng tái đầu tư cho cơ sở của mình. Trải qua nhiều năm, giờ đây A Nôr có cảnh quan bắt mắt du khách. Các dịch vụ lưu trú, ăn uống cũng trở nên chuyên nghiệp hơn trước. Trong số những khu homestay tại A Nôr, khu farmstay trang trại cá tầm của vợ chồng anh Hồ Thanh Phương (40 tuổi) là một điểm du lịch được đầu tư khá bài bản.

Bên cạnh những hồ nuôi cá tầm là những khu nhà sàn được xây dựng bằng gỗ với phòng ốc được thiết kế sang trọng. Khu farmstay hiện có 3 khu nhà sàn phục vụ lưu trú khách đơn lẻ hoặc đoàn với khả năng phục vụ tối đa khoảng 50 người. Các phòng nghỉ được xây dựng với kiến trúc gỗ trồng thân thiện với môi trường, có ban công và tầm nhìn đồi núi tuyệt đẹp.

(Bài Kế hoạch): Lung linh “Phố núi” A Nôr 3
Đến với A Nôr, du khách còn được đắm mình trong những sinh hoạt văn hóa, ẩm thực đậm đà bản sắc

Là người có trình độ, lại đang công tác tại VNPT A Lưới nên Hồ Thanh Phương có điều kiện để phát triển dịch vụ của gia đình theo được xu thế hiện đại. Năm 2009, Sau khi tốt nghiệp đại học, anh Phương trở lại A Lưới ứng tuyển và được nhận vào làm việc tại VNPT A Lưới. Có việc làm phù hợp với chuyên môn ngay tại quê hương, có thu nhập ổn định là cơ sở để Hồ Thanh Phương có thể vay vốn tiếp tục đầu tư cho khu trang trại ấp ủ bấy lâu của mình. 

Trải qua thời gian cần mẫn, giờ đây anh Phương đã làm chủ được kỹ thuật nuôi cá tầm từ nguồn nước tự nhiên A Lưới. Mỗi lứa thả nuôi lên đến 1.000 con giống, sau khoảng 1 năm nuôi có thể thu hoạch với giá 300.000 đồng/kg (cá từ 1kg đến 10kg). Sản phẩm cá tầm A Lưới của Hồ Thanh Phương giờ đây không chỉ là món đặc sản của khu farmstay mà đã bắt đầu có mặt trên các nhà hàng đặc sản A Lưới, TP. Huế và các vùng lân cận như Quảng Trị, Quảng Nam.

(Bài Kế hoạch): Lung linh “Phố núi” A Nôr 4
Thác A Nôr điểm nhấn độc đáo của điểm du lịch cộng đồng

Hiện nay, khu Farmstay A Nôr - trang trại cá tầm của Hồ Thanh Phương đang hoạt động ổn định với lượng khách đạt 80% phòng lưu trú mùa hè (từ tháng 3 - tháng 8 trong năm). Nguồn thu ổn định đã giúp vợ chồng anh trang trải nợ nần, tiếp tục đầu tư mở rộng ao hồ, tạo việc làm ổn định cho 3 - 4 người dân địa phương với mức thu nhập từ 5-8 triệu đồng/người/tháng. Với vùng cao A Lưới mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp của anh Hồ Thanh Phương đang trở thành hình mẫu cho nhiều bạn trẻ học tập, phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp ngay trên chính tiềm năng của quê hương mình.

Mở đường cho du lịch cộng đồng, mô hình sinh kế homestay, farmstay ở A Nôr là Dự án Trường Sơn xanh. Bằng ý chí và cần mẫn lao động, đồng bào Bru Vân Kiều ở thôn Đứt đã tiếp bước xây dựng A Nôr trở thành điểm nhấn lung linh trên đỉnh Trường Sơn.

Tin cùng chuyên mục
Chuyện ở thung lũng nóc Ông Đến

Chuyện ở thung lũng nóc Ông Đến

Nóc Ông Đến là tên người dân gọi thân thương về nơi ở của mình. Còn gọi theo tên hành chính là tổ 4, thuộc thôn 2, xã Trà Giang, huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi). Nóc Ông Đến như một thung lũng nằm biệt lập giữa rừng xanh, nơi đây có 14 nóc nhà, với hơn 60 nhân khẩu là đồng bào Co sinh sống hòa mình với núi rừng.