Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Mặt trái của mạng xã hội: Tạo điều kiện cho nạn tảo hôn phát triển

Việt Hưng - 17:24, 15/01/2021

Với sự phát triển của công nghệ thông tin và các ứng dụng mạng xã hội, con người xích lại gần nhau hơn. Nhưng mặt trái của các ứng dụng mạng xã hội cũng đã được nhận diện; trong đó mạng xã hội đã và đang “hỗ trợ” nạn tảo hôn có điều kiện gia tăng.

Tảo hôn khiến thể trạng, tầm vóc của trẻ em DTTS thấp hơn mức bình quân chung cả nước - (Ảnh minh họa)
Tảo hôn khiến thể trạng, tầm vóc của trẻ em DTTS thấp hơn mức bình quân chung cả nước - (Ảnh minh họa)

Chúng tôi đến thôn Khe Ron, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên (Yên Bái) trong một buổi chiều tà của mùa đông. Người đầu tiên chúng tôi gặp là em Vàng A Tuấn, dân tộc Mông, sinh năm 2005. Quãng đường dốc gập gềnh vào Khe Ron như ngắn lại khi chúng tôi mải miết trong câu chuyện với Tuấn.

Tuấn bảo, em đã nghỉ học, quyết định ở nhà trồng quế với gia đình và sẽ lấy vợ. Dù mới 15 tuổi nhưng theo Tuấn, cưới vợ lúc này là đã muộn lắm rồi.

“Bằng tuổi cháu, các bạn lấy vợ gần hết rồi, có đứa còn có con rồi ạ”, Tuấn cười nói.

Tuấn cho biết, em đã có bạn gái lâu rồi; nhà bạn gái Tuấn cách nhà Tuấn gần 40km. Gần như tối nào Tuấn cũng chạy xe máy đến nhà bạn gái.

“Cứ khoảng 6 - 7 giờ tối cháu đi, sau đó ngủ lại nhà bạn gái đến 4 - 5 giờ sáng thì về. Đi về vào giờ đó để không gặp công an giao thông, cháu chưa có bằng lái”, Tuấn nói.

Chúng tôi ngạc nhiên bởi với khoảng cách xa như vậy, Tuấn làm sao quen được bạn gái của mình. Giải đáp thắc mắc này, Tuấn bảo là nhờ mạng xã hội. Tuấn quen người yêu của mình qua Facebook; nhắn tin qua lại, thế rồi yêu, rồi tìm đến với nhau.

Bằng tuổi cháu, các bạn lấy vợ gần hết rồi, có đứa còn có con rồi ạ!.

Em Vàng A Tuấn

Đi đến những thôn bản vùng cao, những câu chuyện như của cậu bé 15 tuổi Vàng A Tuấn không hiếm gặp. Thực tế bao năm nay, nạn tảo hôn đã đeo đẳng trong đời sống của đồng bào. Một phần do tư tưởng lạc hậu và thiếu thông tin về pháp luật, về những hệ lụy từ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Nhưng điều đáng lo ngại là hiện nạn tảo hôn đang có điều kiện phát triển hơn khi các ứng dụng mạng xã hội đã phát triển mạnh mẽ ở vùng DTTS và miền núi, đến với lớp trẻ một cách tất yếu. Trước đây, hầu hết các cặp vợ chồng “trẻ con” đều là những cô bé, cậu bé trong cùng thôn, cùng bản. Nhưng nay, với “thế giới phẳng” thông qua mạng xã hội, mối quan hệ được mở rộng hơn trước rất nhiều.

Mạng xã hội giúp các em không còn quẩn quanh với những mối quan hệ trong bản, mà còn giúp các em có những mối quan hệ vượt ra khỏi không gian bản làng. Câu chuyện của cậu bé Vàng A Tuấn là ví dụ.

Trên thực tế nhiều năm trở lại đây, ở vùng đồng bào DTTS và miền núi đã được đầu tư phát triển mạnh hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, internet. Công nghệ đã đến với đồng bào DTTS; các cô bé cậu bé đang ở tuổi vị thành niên được đến trường hầu hết biết tiếng Việt, nên tiếp cận công nghệ không gặp nhiều trở ngại. Cũng nhờ vậy mà nhận thức, sự hiểu biết cũng được thay đổi tích cực hơn. Cũng nhờ công nghệ mà các cô bé, cậu bé đã hiểu được hệ lụy của hôn nhân cận huyết, những ảnh hưởng tới sức khỏe bà mẹ, trẻ em và chất lượng dân số, đời sống.

Tuy nhiên, những tác động không lành mạnh từ Internet cũng ảnh hưởng phần nào tới một số trẻ vị thành niên; nhiều trẻ quan hệ tình dục và mang thai trước hôn nhân, đua nhau lấy vợ, lấy chồng sớm. Nếu như trước kia nhiều gia đình ép con cái kết hôn sớm thì giờ đây nhiều em kết hôn bất chấp sự phản đối của cha mẹ, thực trạng ở thôn Khe Ron là một ví dụ.

Những đứa con của những ông bố bà mẹ tuổi vị thành niên đa số đều còi cọc, chậm lớn. Những đứa trẻ chào đời được sinh tại nhà, được cắt rốn bằng dao hay kéo không được sát trùng, đến nay vẫn không phải là chuyện hiếm ở những bản người Mông ở thôn Khe Ron.

Nhiều ông bố, bà mẹ tuổi vị thành niên ở thôn Khe Ron chưa thể làm giấy khai sinh cho con mình vì tảo hôn. Thậm chí, có những đứa trẻ sinh ra đã hai tuổi, nhưng chưa làm được giấy khai sinh. Đó là trường hợp của em Mùa Thì Dông, sinh năm 2004, đã có con 1 tuổi; hay em Sùng A Tùng, sinh năm 2004, đã có con 2 tuổi,…

Chúng tôi rời thôn Khe Ron với nhiều tâm trạng. Nên chăng, để giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng đồng bào DTTS, cần phải kiên quyết xử lý và tăng mức xử phạt cao hơn với tình trạng tảo hôn? Các chương trình nâng cao nâng lực tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ được đẩy mạnh hơn nữa để trẻ vị thanh niên có kiến thức đầy đủ về Pháp luật Hôn nhân và Gia đình, về sức khỏe sinh sản… 

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Thành lập Bảo tàng đa dạng sinh học cấp tỉnh đầu tiên cả nước

Quảng Nam: Thành lập Bảo tàng đa dạng sinh học cấp tỉnh đầu tiên cả nước

Tỉnh Quảng Nam vừa đưa vào hoạt động Bảo tàng đa dạng sinh học cấp tỉnh đầu tiên trong cả nước. Đây là hoạt động triển khai thực hiện Đề án tổ chức Năm phục hồi đa dạng sinh học Quốc gia - Quảng Nam 2024 - Chung sống hài hòa với thiên nhiên; đồng thời hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học 2024 - “Hãy là một phần của Kế hoạch đa dạng sinh học” và Ngày Quốc tế Bảo tàng 2024 - “Bảo tàng vì giáo dục và nghiên cứu”.