Khi lò rèn còn đỏ lửa
Lò nhóm lên, lửa than được gió từ ống bễ tiếp sức chẳng mấy chốc đã cháy bùng, nóng rực. Những thỏi sắt được vùi sâu trong than đỏ một lúc sau cũng đã đỏ hồng, mềm dịu. Rồi dưới âm thanh đùng đục, êm êm của từng nhát búa, thỏi sắt dần dần biến hình thành cái liềm, cái rựa. Chiếc búa gõ xuống mảnh thép đỏ ối bắn tung tóe ra những hoa lửa để dần tạo dáng hình cho sản phẩm rèn. Người thợ rèn mồ hôi nhỏ xuống miếng thép nóng rực đỏ trong tay cặm cụi xuống búa. Cần mẫn và tỉ mẩn, miệt mài và chau chuốt, nâng niu và tấm tắc, những miếng thép dần dần tạo thành nhiều sản phẩm từ nông cụ, các sản phẩm nhà bếp đến nhiều sản phẩm độc đáo khác.
Những làng rèn còn lại ở xứ cố kinh vẫn âm thầm tồn tại như thế đã mấy trăm năm. Xứ Huế bây giờ chỉ còn vài làng rèn đếm trên đầu ngón tay, mà trong số những làng rèn vang danh một thủa ấy có làng chỉ còn lại 1-2 hộ làm nghề, như làng rèn Hiền Lương ở huyện Phong Điền. Và chẳng mấy người biết rằng, làng rèn Hiền Lương ấy có tuổi đời ngót nghét trên 500 năm, và đây cũng là làng rèn khởi nguồn của những làng rèn Cầu Vực (TX. Hương Thủy) hay làng rèn Bao Vinh (phường Hương Vinh, TP Huế) sau này.
Biết bao thế hệ sống và thác, ông bà xưa kia đã làm nghề rồi trao truyền lại cho con cháu từ thế hệ này sang thế hệ sau, cứ thế nghề rèn xứ kinh kỳ thủa xưa được giữ lại cho đến tận bây giờ, bất chấp những đổi thay của thời cuộc. Người làng rèn ở phố cổ Bao Vinh hay làng rèn Cầu Vực đều rèn mọi thứ thủ công bằng chính đôi bàn tay khéo léo và kinh nghiệm của mình để tạo ra những sản phẩm đơn giản như xà beng, búa tạ, vót, dao, liềm... để phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Làm nghề nào cũng có nỗi cực nhọc riêng, có yêu nghề mới có thể làm kế sinh nhai được. Người thợ rèn nào cũng tâm niệm điều ấy. Từ cậu phụ việc tuổi mười bảy cho tới bậc lão niên có 50 - 60 năm kinh nghiệm rèn cũng vậy. Nghề rèn thủ công bao giờ cũng thế, chủ yếu dựa vào đôi tay, những nhát búa nặng hay nhẹ đều ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm. Một chiếc dao bổ cau chẳng thể nào gõ búa mạnh như rèn dao quắm. Cái tinh túy của nghề không phải chỉ được chắt lọc qua thời gian, mà qua chính sự dụng tâm của người thợ trong mỗi bước rèn. Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng đã là thợ rèn đòi hỏi phải có một sức khỏe dẻo dai, bền bỉ và lòng kiên trì, nhẫn nại mới có thể bám trụ được với nghề.
Ngày trước khi công nghệ rèn chưa phát triển, nghề rèn ở Bao Vinh hay Cầu Vực là nghề có nhiều người theo, sản phẩm làm ra cũng rất đa dạng với số lượng lớn. Sản phẩm khi hoàn thiện được thương lái thu mua, chất lên thuyền rồi xuôi theo dòng Hương xuống Kinh đô, ra phía biển rồi vào Nam ra Bắc. Tuy nhiên, theo thời gian, với sự phát triển của khoa học công nghệ, nghề rèn cũng đối diện với nhiều khó khăn. Nghề rèn ở Bao Vinh hay Cầu Vực cũng qua nhiều thăng trầm, trước đây đi đâu cũng nghe tiếng búa đe, nhưng rồi sự chuyển đổi từ nghề rèn sang các ngành nghề cơ khí khác giúp tăng thu nhập, lại đỡ vất vả hơn, vì thế nhiều gia đình không còn làm nghề rèn truyền thồng nữa. Một thời gian, một số lò rèn đóng cửa, nhiều thợ rèn bỏ nghề vì thu nhập từ nghề truyền thống này không đủ công trang trải cuộc sống. Những người thợ vẫn kiên trì bám trụ với nghề phải vất vả lắm mới sống được bằng nghề. Ai cũng than khó!
Tiếp sức cho búa đe
Với nghề rèn, lửa và sắt là các nguyên tố mà sức mạnh của chúng làm nên sự cao quý. Từ lâu, nghề rèn đã trở thành nét văn hóa trong đời sống của người dân phố cổ Bao Vinh. Ở Bao Vinh này ngày trước có cả trăm hộ rèn, bây giờ chỉ còn ngót nghét chừng 11 hộ. Hay ở làng rèn Cầu Vực trước đây là làng rèn lớn nhất nhì xứ Huế, bây giờ số hộ cũng chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
Rèn thủ công ở xứ Huế tuy không còn thịnh vượng như xưa nhưng vẫn được duy trì, đó là nhờ chất lượng của sản phẩm. Dù là sản phẩm nhỏ nhất, đơn giản nhất nhưng người thợ vẫn tỉ mẩn, trau chuốt từng chút. Cùng với đó, cái tâm của những thợ rèn cũng được đặt hết vào lò lửa với niềm hy vọng bễ rèn không bao giờ nguội lạnh. “Nghề của làng không chết được. Có nhà không còn đỏ lửa thường xuyên, nhưng họ đều giữ bệ, giữ lò. Khi cần là đỏ lửa lên ngay, vẫn gõ, vẫn quai như thường”, nghệ nhân Huỳnh Thế Tiến ở làng rèn Cầu Vực chia sẻ.
Nghệ nhân Huỳnh Thế Tiến có lẽ là người đầu tiên và duy nhất ở xứ Huế được phong Nghệ nhân ưu tú về nghề rèn. Anh là chủ cơ sở rèn duy nhất của làng nghề rèn Cầu Vực đã viết hẳn đề án, rồi bán đất, mượn tiền, xin vốn… để giữ cho được lửa lò rèn của gia đình và cho làng rèn.
Bây giờ, các lò rèn ở xóm rèn Bao Vinh vẫn thường đồng loạt nổi lửa vào buổi sáng với tiếng quai búa, bệ lò, âm thanh va chạm của kim loại vang dậy cả một góc phố cổ. Nhiều người trong làng nghề dẫu mệt nhưng vui, vì vẫn còn nghe nhịp búa đều đều từ những lò lửa. Buổi chiều, phần lớn các lò rèn ngừng nghỉ để người nhà mang sản phẩm rèn đi giao ở nơi khác hoặc mang ra chợ bán. Ông Trương Tiến Nhật, một thợ rèn nhiều năm kinh nghiệm ở làng rèn Bao Vinh chia sẻ, duy trì được việc này nhờ người thợ rèn không thể dứt bỏ được nghề truyền từ bao đời nay, cũng như trong nhà có người làm và có nơi tiêu thụ sản phẩm đều đặn tại các chợ đầu mối và còn xuất khẩu nữa. Sản phẩm rèn là các công cụ cầm tay phục vụ sản xuất nông nghiệp, xây dựng, sinh hoạt, như: cuốc, xẻng, dao, rựa, bay, kéo, bào, lề, răng bừa, liềm... và đã có mặt tại các thị trường lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Tây Nguyên.
Ở Cầu Vực hay Bao Vinh bây giờ luôn rộn rã tiếng cười, tiếng chan chát của đe búa. Xã hội phát triển hơn, thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng nên những người làm nghề rèn ở đây không ngừng cải tiến kỹ thuật, mẫu mã, chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng. Ông Trương Thái, Tổ trưởng Tổ dân phố Bao Vinh, ông là một trong những cư dân phố cổ gắn bó trọn đời mình với nghề rèn nơi đây. Ông cũng là một thợ rèn lành nghề năm nay hơn 60 tuổi. Ông Thái chia sẻ: “Dẫu nhiều khốn khó và nặng nhọc nhưng nhiều người dân trong xóm nhờ nghề này đã phát triển kinh tế và ổn định cuộc sống, vừa có thu nhập lại vừa giữ được nghề của cha ông truyền lại”.
Thời nào cũng vậy, tay nghề của người thợ rèn giỏi bao giờ cũng được tín nhiệm nhất mực. Có những người thợ lớn tuổi qua đời đã nhiều năm mà vẫn có khách tìm đến đặt hàng. Khi biết tin, khách hàng cũng bần thần hồi lâu như mất đi thứ gì đó quý giá không thể bù đắp.
Làng nghề rèn truyền thống Cầu Vực, làng nghề rèn Bao Vinh đều đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là làng nghề truyền thống. Việc được công nhận danh hiệu này không chỉ có ý nghĩa to lớn về mặt tinh thần mà còn “đánh thức” niềm tự hào nghề nghiệp trong mỗi nghệ nhân, người thợ thủ công, đồng thời đó còn là điều kiện giúp các làng nghề được hưởng nhiều chính sách “tiếp sức” từ Nhà nước về phát triển ngành nghề, mặt bằng sản xuất, đầu tư tín dụng; xúc tiến thương mại, khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực, cung cấp thông tin và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Nhiều ngành nghề có thể đã bị lãng quên hay đã “hoàn thành sứ mệnh lịch sử”. Tuy nhiên, nhờ có chính sách phát triển kinh tế đúng đắn của Đảng và Nhà nước mà nhiều làng nghề đã kịp thời giữ lại được nhiều ngành nghề thủ công truyền thống. Phát triển du lịch kết hợp làng nghề luôn là môt bài toán khó đối với người dân cũng như chính quyền địa phương, nhưng đó cũng là một tiềm năng đang và sẽ phát triển giống như lò than tại làng rèn vẫn luôn luôn đỏ lửa.