Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Người giữ bí quyết nghề rèn của dân tộc Gié Triêng

Sơn Gia Phúc - 11:01, 07/11/2023

Hơn 60 năm gắn bó với nghề rèn, ông Tơngôl Nhứn ((75 tuổi ở thôn Đắc Tà Vâng, xã Đắc Tôi, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) giữ nhiều bí quyết riêng trong nghề rèn của người Tà Riềng (nhóm địa phương của dân tộc Gié Triêng).

Thợ rèn Tơngôl Nhứn với công đoạn chế tác dụng cụ lao động.
Ông Tơngôl Nhứn (bên phải) với công đoạn chế tác dụng cụ lao động.

Khi chúng tôi đến nhà, ông Tơngôl Nhứn đang dùng búa đập sắt chan chát bên lò rèn. Thấy chúng tôi thích thú với nghề rèn, ông Tơngôl Nhứn dừng việc để trò chuyện. Ông cho biết, từ xa xưa, những người đàn ông Tà Riềng đã biết làm rèn để sản xuất ra nông cụ phục vụ lao động, sản xuất. Bản thân ông khi lên 15 tuổi cũng đã theo cha vào rừng tìm quặng, củi đốt than để về rèn.

Ông Tơngôl Nhứn không nhớ nổi mình đã rèn bao nhiêu dụng cụ như: Cái cuốc (ma rehs), cái rựa (mưr), rìu (chuông), con dao (para), đến chĩa cá, tôm và nhiều dụng cụ sinh hoạt khác phục vụ bà con trong làng. Khi rèn, nguyên liệu quặng và sắt được cho vào nung đỏ rực rồi đem nhúng vào nước để nhiệt độ giảm đột ngột làm cho sắt non hơn để dễ đập thành dụng cụ. Sau đó, người thợ dùng đột và búa cắt thành hình công cụ cần rèn. Khi cắt xong từng dụng cụ, người thợ tiếp tục bỏ vào lửa nung rồi lại đập cho đến khi thành sản phẩm.

Lò rèn của ông Nhứn được đắp bằng đất, mặt lò võng xuống để có thể cho than vào. Từ cách nhóm lò, chọn than đến cách đặt bếp cũng phải có kỹ thuật. Than để đốt lò cũng là than của một loại gỗ đặc biệt ở trong rừng. Ông Nhứn cho biết, không phải than nào cũng dùng để đốt lò mà ông thường sử dụng than đốt từ cây gỗ dẻ, loại than này cho ngọn lửa có nhiệt độ cao.

Ông Tơngôl Nhứn với công đoạn mài thật kỹ cho đến khi dụng cụ sắc hơn.
Ông Tơngôl Nhứn với công đoạn mài thật kỹ cho đến khi dụng cụ sắc hơn

Cũng theo ông Nhứn, kỹ thuật rèn của người Tà Riềng không được ghi chép bài bản, mà chỉ nhớ trong đầu, người đi trước truyền lại cho người đi sau. Người Tà Riềng có bí quyết riêng để có được những con dao, cái rựa bóng như vỏ con cua, láng như cái mai của con rùa. Bí quyết đó là lấy vỏ của con cua đá hoặc mai của con rùa giã nát, trộn ngâm với nước mưa. Mỗi khi tôi sắt xong thì nhúng dụng cụ vào bể nước mưa này.

Công đoạn rèn phải theo một quy trình nhất định và cần có hai người, một người rèn và một người quay quạt để than trong lò cháy đều, cung cấp nhiệt cho quá trình đốt nóng các dụng cụ. Nghề rèn thủ công của người Tà Riềng đòi hỏi người thợ phải có sức khỏe, sự khéo léo cũng như sự kiên trì và sáng tạo mới có thể cho ra những sản phẩm chất lượng với độ sáng, kiểu dáng đặc trưng.

Với ông Nhứn, khi rèn xong các vật dụng, ông tiếp tục sử dụng chiếc dũa để dũa những đoạn bị mẻ, sứt hoặc chưa đều, rồi lấy đá để mài thật kỹ cho đến khi dụng cụ sắc bén và bong ra một lớp trắng ở đầu lưỡi thì mới thôi. Cuối cùng là công đoạn tra cán, ông Nhứn sử dụng gốc cây trúc già làm cán.

Trẻ em Tà Riềng xem ông Tơngôl Nhứn rèn nông cụ
Trẻ em Tà Riềng xem ông Tơngôl Nhứn rèn nông cụ

Bà Chơ Rum Ớn (78 tuổi) cho biết: Bà con Tà Riềng ở thôn Đắc Tà Vâng thường xuyên đến nhờ ông Nhứn làm các nông cụ phục vụ lao động sản xuất, từ cái cuốc làm cỏ lúa rẫy, cái rựa, cái rìu đi rừng, đến con dao... Bởi nông cụ mà ông Nhứn làm thì phát rẫy rất bén và nhanh, không bị cùn và không mất thời gian mài. Còn hàng nông cụ mua ở chợ huyện thì lưỡi mỏng dính, dễ bị mẻ sứt mẻ.

Ông Zơ Râm Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Đắc Tôi cho biết: Hiện nay, ở xã Đắc Tôi chỉ có lò rèn của ông Tơngôl Nhứn hoạt động thường xuyên. Ông Tơngôl Nhứn là thợ rèn tiêu biểu của người Tà Riềng luôn tâm huyết, bảo tồn, gìn giữ nghề rèn truyền thống của dân tộc.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Hạn hán, nắng nóng kéo dài khiến cho hàng nghìn người dân ở các xã biên giới tỉnh Đắk Lắk thiếu nước sinh hoạt. Để giúp người dân vùng biên qua cơn khát, các đơn vị bộ đội đóng quân ở khu vực biên giới đã huy động nguồn lực khoan giếng làm công trình nước sinh hoạt tập trung, chở từng bồn nước khu dân cư hỗ trợ người dân.