Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Màu xanh trên “sa mạc” Bàu Ngứ

PV - 10:32, 22/10/2018

Trở lại thôn Bàu Ngứ vào những ngày giữa tháng 10, chúng tôi được đi giữa dải rừng xanh biếc, trải dài ngút ngát của vùng đất một thời được coi là “sa mạc” của xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận). Thành quả từ Dự án đầu tư trồng rừng phủ xanh cát trắng ven biển, phát huy hiệu quả đã cải tạo môi trường sinh thái, tạo nguồn sinh thủy phục vụ sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống cho nông dân thôn Bàu Ngứ.

Bàu Ngứ Anh Nguyễn Lành thực hiện hiệu quả mô hình trồng dừa phủ xanh tạo nguồn sinh thủy ở thôn Bàu Ngứ.

Gặp lại Nguyễn Kim Hoàng, Trưởng Ban quản lý thôn Bàu Ngứ, anh phấn khởi thông tin: Toàn thôn hiện có 74 hộ, với trên 290 nhân khẩu, đây là khu dân cư có dân số ít nhất xã Phước Dinh. Từ năm 2000 trở về trước, bà con trồng hoa màu lay lắt đợi… trời mưa. Nông dân sản xuất nông nghiệp chờ “ăn” nước trời nên cuộc sống rất bấp bênh.

Khoảng 10 năm gần đây, người dân Bàu Ngứ đã từng bước thay đổi tập quán sản xuất. Cùng với sức sống mãnh liệt của những dải rừng neem, keo, tràm trồng phủ xanh cát trắng đã giữ được nguồn nước tự nhiên cung cấp cho bà con nông dân canh tác 2-3 vụ lúa và hoa màu bảo đảm ăn chắc. Đặc biệt, nhờ trồng rừng tạo nguồn thủy sinh cung cấp nước cho những vườn dừa xiêm, vườn mãng cầu cho thu nhập cao.

Chuyện trồng cây phủ xanh thôn Bàu Ngứ bắt đầu từ mùa mưa năm 1999. Khi đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển Ninh Phước đưa cây neem giống xuống vận động nông dân trồng rừng. Tuy là loài cây được các nhà khoa học đưa giống từ châu Phi về, nhưng bà con thấy cây neem rất gần gũi, vì nó giống cây cốc hành mọc hoang trên vùng rừng CK35. Loài cây có sức sống mãnh liệt, chịu đựng tốt với điều kiện khô hạn ở địa phương. Cây neem trồng sau 3-4 năm tuổi là bắt đầu cho trái. Nhiều gia đình ở Bàu Ngứ đã khá lên nhờ nguồn lợi do cây neem và cây keo lá tràm đem lại. Chỉ tính riêng hạt neem giống, bà con bán tại chỗ cho thương lái mua về làm giống cũng đạt mức giá 20-30 ngàn đồng/kg. Trung bình mỗi cây neem trồng tập trung sau 5 năm tuổi cho thu hoạch 10kg hạt khô.

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Ngô Xuân Tài, 62 tuổi, nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu của thôn Bàu Ngứ. Ông Tài bộc bạch: Bà con tui cảm ơn cấp trên đã đưa cây neem, cây keo lá tràm về trồng, làm lợi cho người dân địa phương. Giữa năm 1987, vợ chồng tui dắt nhau từ thôn Sơn Hải lên Bàu Ngứ khai hoang lập nghiệp, lúc đó cả dải đất rộng hàng ngàn mẫu từ Phước Lập đến Sơn Hải còn nằm trong cảnh sa mạc hoang hoá. Ba tháng mùa mưa còn trồng trỉa chút đỉnh dưa đậu, nhưng có năm gieo hạt xuống, gặp trời hạn coi như mất giống. Đến mùa gió bấc thổi, cát di động bay trắng đất, trắng trời. Nhờ chương trình đầu tư phủ xanh đất cát ven biển của Nhà nước trong những năm qua đã biến nơi này trở thành vùng đất trù phú như ngày nay. “Chỉ tính riêng việc bán hạt neem giống, tôi đã đủ tiền để tiêu dùng sinh hoạt gia đình hàng ngày”.

Cây neem chịu được đất cát khô hạn nên đã giữ được nước phục vụ sản xuất quanh năm. Gia đình ông Tài được cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển Ninh Phước hướng dẫn kỹ thuật trồng 5,5ha keo lá tràm và 2ha cây neem. Ông đào ao giữ nước tưới 1,2 đất canh tác trồng hoa màu xanh tốt quanh năm. Trong đó, có 5 sào ruộng lúa gieo vụ đông xuân và hè thu bảo đảm ăn chắc, đạt năng suất trên 6 tạ/sào, riêng vụ mùa phải ngừng gieo lúa vì trời mưa nước ngập trắng đồng.

Hiệu quả trồng rừng phủ xanh cát trắng ven biển tạo nguồn nước giúp gia đình ông Tài và bà con thôn Bàu Ngứ bám đất đai sản xuất, bảo đảm đời sống gia đình no ấm, góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM.

Cũng tại Bàu Ngứ, chúng tôi đi giữa vườn dừa xanh biếc của gia đình anh Nguyễn Lành, nông dân đi đầu trồng dừa vươn lên làm giàu ở thôn Bàu Ngứ. Những buồng dừa xiêm trái căng tròn được anh Lành thu hái chất xanh gốc được thương lái đặt mua đưa ra thị trường tiêu thụ. Mô hình trồng dừa chống cát bay kết hợp tạo nguồn sinh thủy của anh Lành đem lại hiệu quả kinh tế cao, bảo đảm cuộc sống gia đình luôn đầy đủ vật chất no ấm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Ngọc Hiếu, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển Ninh Phước cho biết, trong 20 năm qua, đơn vị đã tổ chức cho nhân dân trồng mới trên 1.500ha cây neem, phi lao, keo lá tràm, trôm. Đây là những loài cây chịu hạn, cải tạo môi trường, chống cát bay, đem lại nguồn lợi thiết thực cho người dân vùng dự án trồng rừng theo chương trình đầu tư của Chính phủ. Trong đó, có bà con nông dân thôn Bàu Ngứ là địa phương điển hình huy động nguồn lực nhân dân tích cực tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ tài nguyên rừng theo hướng bền vững.

SƠN NGỌC

Tin cùng chuyên mục
Kỳ nghỉ lễ, cả 3 miền ở nước ta đều xảy ra nắng nóng, thời tiết chưa từng có trong 10 năm qua

Kỳ nghỉ lễ, cả 3 miền ở nước ta đều xảy ra nắng nóng, thời tiết chưa từng có trong 10 năm qua

Trong kỳ nghỉ lễ 5 ngày tới đây, nắng nóng gay gắt diễn ra trên khắp cả nước ta, có những nơi nắng nóng đặc biệt gay gắt. đây là lần đầu tiên trong 10 năm qua mà cả 3 miền ở nước ta đều xảy ra nắng nóng trong kỳ nghỉ lễ như vậy.