Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

“Mẹ Hường…” của học sinh dân tộc nội trú Tuyên Quang

PV - 11:38, 05/12/2018

20 năm gắn bó với mái Trường PTDTNT, THPT tỉnh Tuyên Quang, cô giáo Đặng Thị Hường đã quen thuộc với bao thế hệ học trò nơi đây. Đặc biệt, với những tiết học dạy ngoài giờ, những bữa ăn sáng miễn phí mà cô Hường, cùng nhiều thầy cô giáo trong trường hỗ trợ cho các em bằng lương của mình… càng khiến cho tình thầy trò nơi đây thêm gần gũi, ấm áp.

cô Hường Cô Đặng Thị Hường say sưa giảng bài trong tiết học môn Ngữ văn.

Trích lương hỗ trợ  trò nghèo bữa sáng

Trong suốt 5 năm từ 2012-2017, cứ đến ngày lĩnh lương hằng tháng, cô Đặng Thị Hường, Phó Hiệu trưởng cùng Ban Giám hiệu và thầy cô giáo trong nhà trường đều trích 150.000 đồng tiền lương để hỗ trợ học sinh nghèo trong trường bữa ăn sáng miễn phí.

Đây là phong trào mà cô Hường là người khởi xướng và duy trì nhiều năm liền trong nhà trường. Cô tâm sự: Nhiều buổi sáng đến lớp, nhìn thấy nhiều học sinh uể oải, mệt mỏi biết các em chưa ăn sáng. Qua tìm hiểu được biết, các em đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, gia đình không lo được bữa sáng nên cô có suy nghĩ, mình phải làm điều gì đó để giúp những đứa trẻ được no bụng mỗi khi đến lớp.

Trong vai trò Chủ tịch công đoàn nhà trường, cô Hường đã vận động các thầy cô giáo trong trường trích lương hỗ trợ các em bữa sáng. Sáng kiến này được tập thể giáo viên ủng hộ cao. Những bát mì, chiếc bánh ngọt đã quen thuộc với nhiều cô cậu học trò nghèo mỗi sáng tại căng tin nhà trường như món quà nhỏ động viên các em hãy cố gắng học tập thật tốt, vì có các thầy cô luôn ở bên.

Từ năm học 2017-2018, do kinh phí học bổng của học sinh được tăng lên, các em đã có bữa sáng nên cô giáo Hường chuyển sang bàn với thầy cô mua tặng áo ấm mùa đông cho học sinh nghèo có hoàn cảnh ĐBKK.

“Mẹ Hường...”

Điều đáng trân trọng về cô Đặng Thị Hường là, mặc dù gia đình cô cũng không phải khá giả nhưng cô có tấm lòng thật giàu có. Cô Hường mồ côi mẹ từ năm 13 tuổi. Năm đầu tiên vào đại học, cha cô mất. Là chị cả của 4 em trai nhỏ, cô vừa phải học, vừa làm để bươn chải cuộc sống của 5 chị em, vượt qua khó khăn để tiếp tục học đại học, thực hiện ước mơ làm cô giáo.

Năm 2015, cô đã khẳng định được bản thân khi trở thành Tiến sĩ Văn học người Cao Lan (dân tộc Sán Chay) đầu tiên. Hình ảnh, ý chí, nghị lực của cô đã truyền cho mọi học trò lòng tự hào, tự tôn về truyền thống văn hóa của dân tộc, cổ vũ tinh thần, động lực cho các em vượt khó vươn lên trong học tập, thay đổi số phận.

Sự quan tâm nhỏ bé từ bữa ăn, giấc ngủ cho học sinh của cô Hường, đã xích lại gần hơn tình cảm cô trò, nhiều học trò coi cô như là người mẹ, người bạn thân thiết để chia sẻ những chuyện buồn vui. “Đối với nhà giáo, đó là một niềm hạnh phúc vô giá”, cô Hường chia sẻ.

Dù rất bận rộn khi đảm nhiệm các công việc Phó Hiệu trưởng Trường PT DTNT-THPT tỉnh Tuyên Quang, Chủ tịch Công đoàn nhà trường, nhưng Nhà giáo ưu tú Đặng Thị Hường vẫn say sưa và duy trì đam mê đứng trên bục giảng. Mỗi tuần, cô vẫn tham gia giảng dạy 8 tiết môn Ngữ văn cho học sinh khối lớp 11.

Để năng lực học tập của học sinh các lớp đồng đều hơn khi các em đến từ 13 dân tộc khác nhau của tỉnh là điều mà cô Hường luôn đau đáu. Vì vậy, cô đã tiếp tục vận động thầy cô giáo đăng kí một việc làm tốt giúp đỡ các em, và cũng là hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, như các thầy cô giáo đăng kí dạy kèm riêng những em học sinh yếu ngoài giờ lên lớp. Phong trào được các thầy cô giáo trong nhà trường hưởng ứng tích cực.

Em Húng Thị Phương, dân tộc Pà Thẻn, học sinh lớp 11B, chia sẻ: “Vì học kém hơn các bạn nên em được cô Hường kèm vào buổi tối. Có bài nào không hiểu trên lớp, cô đều hướng dẫn, giảng giải cho em rất tận tình. Được cô động viên, khuyến khích, em thấy mình tiến bộ hơn từng ngày. Em luôn biết ơn yêu quý kính trọng cô như là mẹ của mình”.

Những ngày lễ giản dị

Kết quả năm học 2017-2018, Trường PTDTNT-THPT tỉnh Tuyên Quang có 30 học sinh đạt giỏi; 353 học sinh khá; 166 học sinh trung bình, không có học sinh xếp loại học lực yếu. Đặc biệt, trong năm học trước, nhà trường có 34 giải các môn văn hóa cấp tỉnh lớp 12; 45 giải học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 10, 11; 16 giải máy tính cấp tỉnh.

Một hành động rất đáng trân trọng của thầy cô giáo ở ngôi trường này là vào những ngày lễ của thầy cô giáo như 20/10, 8/3… trong trường hầu như không có hoa. Cô Hường chia sẻ, vì biết hoàn cảnh của các em, trước những ngày này, cô cùng với Ban Giám hiệu nhà trường đã phải dặn học trò rằng: “Món quà ý nghĩa nhất chính là sự trưởng thành của các em chứ không phải là những món quà về vật chất”.

Cô Hường rưng rưng xúc động khi kể lại câu chuyện, có cậu học trò, từ khi ra trường (từ huyện xa Na Hang xuống tỉnh học Trung cấp chuyên nghiệp) dù gặp ngoài đường hay đi qua nhà, cũng quay mặt đi không chào cô. Điều này khiến cô Hường băn khoăn rất lâu vì không biết mình đã làm gì khiến cậu tự nhiên xa lánh như thế.

Mãi đến dịp Kỷ niệm 55 năm thành lập trường, cậu đã vào tận trường để tìm gặp cô. Với món quà nhỏ trao tận tay cô, cậu học trò tâm sự: “Hơn 10 năm qua, em qua lại học hành dưới tỉnh nhưng không dám đối diện với cô, vì em còn làm nhiều điều sai nên tự cảm thấy có lỗi với cô. Em tự nhủ phải phấn đấu trưởng thành, thành đạt thì mới gặp cô. Cô chính là động lực để em luôn cố gắng phấn đấu. Bây giờ cuộc sống của em đã thật sự ổn định nên mới dám gặp cô, mong cô tha lỗi cho em…”.

Như một loài hoa lặng lẽ tỏa hương, mỗi ngày cô Đặng Thị Hường vẫn gắn bó với học sinh dân tộc ở mái trường này, niềm hạnh phúc nghề giáo chỉ giản đơn như tiếng gọi mà nhiều học sinh nơi đây dành cho cô: “Mẹ Hường ơi...”.

HỒNG PHÚC

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.