Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Miền biển lấp lánh niềm tin

PV - 16:35, 05/02/2019

Đứng giữa cồn cát mênh mông, cảm nhận cơn gió mặn mòi trong cái tiết trời se sắt những ngày cuối đông ở Quảng Bình, để cảm nhận sự tấp nập, rộn ràng của những người dân cả đời bám biển đang phấn chấn đón chào mùa Xuân mới.

Bước tới đầu xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), mùi nước mắm cốt đặc trưng đã dậy lên thơm lừng. Nhà nào nhà nấy đều đang rất phấn khởi, nhà thì kiểm tra từng lu chượp nước mắm, nhà thì đang giao dịch với khách mua. Đa số các hộ làm nước mắn đều đã chuẩn bị được một lượng lớn sản phẩm để tiêu thụ trong dịp Tết cổ truyền này.

Ảnh minh hoạ. Ảnh minh hoạ.

Có lẽ, tình yêu biển và sự gắn bó với tôm cá, với biển khơi, với nghề truyền thống mà những người dân ở Nhân Trạch đã có được bí quyết tạo vị đậm đà đặc biệt của loại nước chấm không đâu có được, với thương hiệu nước mắm Nhân Nam ở đây.

Bà Lê Thị Dịp, chủ cơ sở sản xuất nước mắm lớn nhất ở Nhân Trạch tâm sự, từ thời con gái, thậm chí khi còn ngô nghê chưa biết yêu chàng trai nào, bà đã sành sỏi cách thức làm nước mắm nhĩ. Được ngoại truyền cho nghề làm mắm, đến khi lấy chồng, bà Dịp vẫn phải duyên phải kiếp với những lu chượp nước mắm, bởi đây cũng là nghề gia truyền của gia đình nhà chồng. “Làm cái nghề này miết rồi quen, rồi yêu không bỏ được, còn sống nghĩa là còn làm”, bà Dịp nói.

Thăm cơ sở sản xuất của gia đình bà Lê Thị Dịp, mới cảm nhận rõ được niềm vui đến với những người bám biển để sống từ hàng chục năm qua. Bà Dịp kể, năm nay, gia đình bà mua 10 tấn cá để chế biến nước mắm, lượng nước mắm chín đúng độ đang đợi gần Tết xuất bán khoảng hơn 1.000 lít. Thế mà vẫn còn có nhiều người ở trong tỉnh, ngoài tỉnh điện đặt hàng mà không đủ bán. Giá bán nước mắm dịp cuối năm nay là 80.000 đồng/lít, cao hơn so với những năm trước, đem lại thu nhập gần 100 triệu đồng cho gia đình bà Dịp ngay trong vụ nước mắm này.

Ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch xã Nhân Trạch cho biết, dựa vào nghề truyền thống làm nước mắm và chế biến hải sản, bà con đã biết chủ động sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Thương hiệu nước mắm thôn Nhân Nam, xã Nhân Trạch đã nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc. Gần 400 hộ sản xuất nước mắm truyền thống của xã chẳng phải lo đầu ra, vì lúc nào cũng “cháy” hàng.

Qua chia sẻ của nhiều hộ dân, năm nay biển không được mùa như mọi năm, nhưng từ khi sống dựa vào biển, họ đã biết gật đầu chấp nhận cái thăng trầm của đại dương, cứ chung thủy với biển khơi thì chẳng bao giờ lo đói. Đời sống nhân dân trong xã được ấm no, đầy đủ hơn. Năm 2018, địa phương đã giảm 6 hộ nghèo. Và như vậy, tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện nay chỉ còn lại 1,45%. Tỷ lệ này dự kiến sẽ xóa trong nay mai, bởi chính quyền xã đang đề nghị huyện Bố Trạch đẩy nhanh việc xúc tiến thương mại, mang thương hiệu nước mắm Nhân Nam xuất khẩu ở một số thị trường trong khu vực. Việc này thành công, Nhân Trạch sẽ không còn hộ nghèo, thậm chí có thêm rất nhiều hộ giàu.

Bà Lê Thị Dịp đang kiểm tra chất lượng từng lu chượp nước mắm cho đợt sản phẩm phục vụ Tết Cổ truyền. Bà Lê Thị Dịp đang kiểm tra chất lượng từng lu chượp nước mắm cho đợt sản phẩm phục vụ Tết Cổ truyền.

Những ngày cuối năm ở làng biển Nhân Trạch, ngư dân không chỉ tất bật mua bán, lo chuẩn bị cho những ngày Tết mà bà con còn đang nô nức chuẩn bị cho ngày lễ cúng đình làng. Theo tục lệ của làng biển nơi đây, vào dịp cận Tết Nguyên đán, đình làng luôn mở cửa để cho tất cả người dân trong làng và những người con xa quê về dâng hương. Đặc biệt, trong các ngày 27, 28 Tết, chính quyền địa phương còn cùng với ngư dân tổ chức lễ cúng đình làng. Nghi lễ có ý nghĩa báo cáo với thành hoàng làng, thần biển thành tích của từng thôn trong năm và cầu thần biển cho một năm mới mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy khoang, mắm ngon đậm vị…

Không khí ấm no, phơi phới sắc Xuân cũng đã ùa đến những ngôi làng của người dân ở xã Đức Trạch vốn bao đời bám biển để sống, coi biển là quê hương. Xã Đức Trạch vốn nổi tiếng xa gần bởi nghề đánh bắt, chế biển hải sản và làm cơ khí.

Theo ông Trương Công Hoạt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Trạch, tính đến tháng 12 năm 2018 này, sản lượng đánh bắt của toàn xã đạt 9.600 tấn, thủy sản khai thác được phần lớn là hàng xuất khẩu có giá trị kinh tế cao. Toàn xã có 495 tàu thuyền, với tổng công suất trên 175 nghìn cv, trong đó có 258 tàu trên 90cv và 237 tàu dưới 90cv. Hầu hết các tàu cá công suất lớn, nhất là các tàu cá được đóng theo vốn vay Nghị định 67 của ngư dân ở Đức Trạch đều có doanh thu trong năm đạt hàng tỷ đồng, có nhiều tàu đạt từ 5 đến 7 tỷ đồng.

Đặc biệt, có nhiều tàu cá chỉ sau một chuyến biển đã có doanh thu từ 500 đến 600 triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng. Những chuyến tàu tấp nập vươn khơi, cập bến trong năm đã làm thay đổi diện mạo của làng biển, kinh tế nhiều hộ gia đình phát triển, trẻ em được học hành đầy đủ, tương lai đang ngày càng trở nên tươi sáng hơn.

Đứng trước biển ngày Xuân giữa dào dạt tiếng sóng, có lẽ không ai giấu được cảm xúc trong mùa Xuân mới. Lòng yêu và gắn bó tha thiết với biển đã ngấm vào máu thịt con người nơi đây. Có lẽ cũng vì thế, ánh nhìn của họ mới xa xăm và thâm trầm như biển cả quê hương. Rồi mai đây, tàu thuyền lại băng băng ra khơi, mang theo ước vọng đẹp tươi của người dân làng biển về cuộc sống ấm no sung túc.

Đã nghe trong gió nồng nàn hương vị Tết nơi làng biển. Năm mới đến rồi!

THU THẢO

Tin cùng chuyên mục
Quảng Trị: Vùng đồng bào DTTS và miền núi khởi sắc sau gần 4 năm triển khai Chương trình MTQG 1719

Quảng Trị: Vùng đồng bào DTTS và miền núi khởi sắc sau gần 4 năm triển khai Chương trình MTQG 1719

Sau gần 4 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), đời sống kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Trị đã có những bước phát triển mới. Nổi bật là cơ sở hạ tầng, nhất là các công trình dân sinh không ngừng được đầu tư, hoàn thiện; Nhiều mô hình sinh kế hình thành và đã phát huy hiệu quả..., góp phần cải thiện đáng kể đời sống của Nhân dân, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu.