Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Miền Trung khẩn cấp phục hồi, tái thiết nguồn nước sau bão lũ lịch sử

PV - 12:04, 03/12/2020

Liên tiếp các đợt bão, lũ từ đầu tháng 10/2020 đến nay đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh trước mắt cũng như lâu dài ở khu vực Trung Bộ. Hiện công tác phục hồi, tái thiết nguồn nước đang được đẩy mạnh.

Nỗ lực cung cấp nước sạch cho người dân sau mưa lũ
Nỗ lực cung cấp nước sạch cho người dân sau mưa lũ

Lũ lụt làm 148.260 hộ dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt

Theo báo cáo của các địa phương, có khoảng 148.260 hộ dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt do lũ, lụt từ đầu tháng 10 đến trung tuần tháng 11/2020. Trong đó, 69.800 hộ chịu ảnh hưởng từ công trình cấp nước tập trung, 79.460 hộ từ công trình cấp nước hộ gia đình. Nhìn chung, các hộ dân sử dụng cấp nước hộ gia đình đã khắc phụ cấp nước trở lại, cụ thể Nghệ An 17.300 hộ, Hà Tĩnh 44.790 hộ, Quảng Bình 43.270 hộ, Quảng Trị 31.950 hộ, Thừa Thiên Huế 10.000 hộ, Đà Nẵng 300 hộ Quảng Nam 5.580 hộ, Quảng Ngãi: 9.800 hộ, Bình Định: 2.170 hộ.

Bên cạnh 309 công trình cấp nước tập trung bị hư hỏng, tình trạng ngập lụt, úng xảy ra ở nhiều địa phương đã gây ảnh hưởng nặng đến các công trình thủy lợi, đặc biệt là hệ thống kênh mương dẫn nước và công trình thủy lợi nội đồng.

Trong đó, tại tỉnh Nghệ An 52.620m kênh mương bị sạt; trạm bơm bị bồi lấp, hư hỏng 7 trạm; cống bị cuốn trôi, hư hỏng 519 cống; cầu máng bị hỏng 4 công trình. Hà Tĩnh có 41.045 m kênh mương bị sạt, trôi, hư hỏng; trạm bơm bị hư hỏng 55 trạm; cống bị hư hỏng 44 cống; công trình thủy lợi tạm bị phá hủy 4 công trình. Hay tại Thành phố Đà Nẵng, tổng chiều dài kênh mương bị ảnh hưởng là 112.871 m kênh mương (khối lượng gồm: 4.300 m3 đất; 35 m3 đá, bê tông); 15 trạm bơm bị sạt lở, bồi lắng bể hút…

Để đảm bảo nước sinh hoạt cho nhân dân, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) đã phối hợp với các tổ chức quốc tế để hỗ trợ một số thiết bị lọc nước cho các hộ gia đình, trường học, trạm y tế. Đồng thời, cải tạo, sửa chữa một số công trình nước sạch và vệ sinh của trường học/trạm y tế bị hư hỏng, xuống cấp; cung cấp nước rửa tay khô cho cán bộ y tế/giáo viên cho vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai lũ, ngập lụt, úng, sạt lở đất.

Đến nay, Chính phủ Úc đã hỗ trợ 2 đợt cho 3 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị (đợt 1) với tổng kinh phí khoảng 550.000 USD và đợt 2 cho 4 tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum với tổng kinh phí khoảng 450.000 USD. Đồng thời, hỗ trợ 50 hệ thống lọc nước cho các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.

Cùng với đó, các địa phương đã chủ động xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho các công trình cấp nước tập trung, hộ gia đình, có biện pháp che chắn bảo vệ công trình, máy bơm nước, đường ống... Sau khi kết thúc mưa, bão, lũ kịp thời khắc phục để có nước sinh hoạt cho dân, sửa chữa các bộ phận hư hỏng của công trình như tuyến ống dẫn nước, nạo vét bùn cát vùi lấp công trình đầu nguồn lấy nước, đối với công trình cấp nước hộ gia đình tiến hành nạo vét bùn cát giếng đào, giếng khoan, khử khuẩn, cung cấp thiết bị lọc nước...

Đảm bảo an toàn nguồn nước lâu dài

Theo Tổng cục Thủy lợi, để phục hồi, tái thiết nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt ở các tỉnh miền Trung, bên cạnh các giải pháp trước mắt, cần có những giải pháp căn bản, lâu dài.

Trước hết, cần tổ chức khảo sát đánh giá lại trữ lượng, chất lượng nguồn nước cấp cho công trình, mức độ hư hỏng do lũ lụt để có giải pháp sửa chữa hoặc lựa chọn giải pháp cấp nước khác hiệu quả hơn. Đầu tư xây dựng mới các công trình cấp nước tập trung có quy mô lớn đảm bảo an toàn trong thiên tai. Đầu tư nâng cấp, kéo dài tuyến ống từ các nhà máy nước đô thị cho các khu vực nông thôn, nhất là các vùng thường xuyên bị ảnh hưởng do thiên tai.

Đối với nguồn nước phục vụ cho sản xuất, cần tiếp tục đầu tư kiên cố hóa kênh mương, sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình tiêu úng; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thủy lợi nội đồng để bảo đảm chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, ngập lụt, úng. Tổ chức điều tra hiện trạng cơ sở hạ tầng ảnh hưởng tới tiêu thoát lũ để đề xuất giải pháp khắc phục, tiêu thoát nước cho các vùng trũng thấp; đánh giá vết lũ, ngập lụt phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu mưa, lũ vùng Trung Bộ phục vụ công tác quản lý công trình thủy lợi.

Đồng thời, rà soát quy hoạch thủy lợi các lưu vực sông thích ứng với thời tiết mưa lũ cực đoan và biến động nguồn nước. Xây dựng các hồ chứa thủy lợi lớn, đa mục tiêu như hồ Thác Muối (Nghệ An), hồ Trại Dơi (Hà Tĩnh), hồ Ô Lâu Thượng (Thừa Thiên Huế), Là Ngà 3 (Bình Thuận)... đảm bảo khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn nước, phòng chống lũ hạ du.

Đặc biệt, cần chú trọng các giải pháp về khoa học, công nghệ để ứng phó với mưa, lũ lớn, ngập lụt, úng cực đoan khu vực miền Trung: đánh giá nguyên nhân và xây dựng bộ tiêu chí cảnh báo sạt lở đất liên quan đến nước (mưa, dòng chảy sườn dốc) ở miền Trung; đánh giá tổng thể tác động của hạ tầng kinh tế - xã hội, nguyên nhân và đề xuất giải pháp căn cơ chủ động ứng phó với lũ, ngập lụt, úng ở vùng hạ du các lưu vực sông chính ở miền Trung trong bối cảnh biến đổi khí hậu; nghiên cứu nâng cao công năng và đề xuất quy trình vận hành hồ Kẻ Gỗ đảm bảo chủ động ứng phó kịp thời, an toàn hồ, đập và vùng hạ du trong điều kiện xuất hiện mưa, lũ cực đoan; nghiên cứu đánh giá tình hình ngập lụt, úng năm 2020 tại lưu vực sông Nhật Lệ và đề xuất giải pháp phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại…/.

Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí mua hóa chất xử lý nước hộ gia đình; xây dựng các bể chứa nước hộ gia đình phù hợp với vùng, miền; nâng cấp, sửa chữa các công trình cấp nước tập trung nông thôn; đầu tư mới các công trình cấp nước tập trung nông thôn ở những vùng thường xuyên bị xảy ra thiên tai lũ, ngập lụt, úng. Tiếp tục ưu tiên nguồn lực xây dựng các công trình thủy lợi cấp nước, tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh.

Tin cùng chuyên mục