Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Các tỉnh miền Trung: Tập trung vệ sinh môi trường sau lũ

Nguyễn Thanh - 14:24, 09/11/2020

Khơi thông cống rãnh, phun thuốc phòng dịch, xử lý nguồn nước… đang là những biện pháp mà các tỉnh miền Trung thực hiện để phòng ngừa dịch bệnh sau lũ nhằm sớm đưa hoạt động sinh hoạt, sản xuất trở lại bình thường.

Nhân viên Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Tĩnh hướng dẫn xử lý giếng nước bị ngập cho các hộ dân
Nhân viên Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Tĩnh hướng dẫn xử lý giếng nước bị ngập cho các hộ dân

Vệ sinh phòng dịch là cấp bách

Lũ rút, để lại môi trường sống ngổn ngang rác, bùn đất, xác động vật... gây ô nhiễm môi trường nặng nề tại một số vùng nông thôn. Trước tình trạng trên, Sở Y tế Nghệ An đã tổ chức 2 đoàn công tác kiểm tra, hỗ trợ các địa phương phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra.

Tại các địa phương bị ngập nặng, các đoàn công tác của Sở Y tế đã đề nghị các trạm y tế chủ trì phối hợp các cấp chính quyền vệ sinh môi trường tại chỗ, cung ứng đầy đủ hóa chất, hướng dẫn và hỗ trợ giúp người dân xử lý môi trường sau mưa, lũ. Đặc biệt, giám sát chặt chẽ các chỉ số bọ gậy, muỗi để phòng, chống sốt xuất huyết...

Ông Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An chỉ đạo, trung tâm y tế các huyện, trạm y tế các xã phải tham mưu kịp thời cho chính quyền địa phương tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường; rà soát, thống kê tình trạng ngập lụt, ô nhiễm môi trường, cơ số hóa chất cần có để xử lý phù hợp theo phương châm “nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường, phun hóa chất đến đó”.

Tại Hà Tĩnh, theo báo cáo của ngành chức năng, đến nay có hơn 90% các hộ gia đình bị ngập do ảnh hưởng mưa lũ cơ bản được xử lý giếng nước, vệ sinh nhà cửa.

Ở các điểm công cộng và khu dân cư, chính quyền địa phương cũng quán triệt đến tận người dân các giải pháp xử lý vệ sinh môi trường như vét dọn rác thải, xác động, thực vật trôi dạt đến, nạo vét bùn đất… Ông Lê Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho hay: Về cơ bản, các điểm sinh hoạt, giếng nước, trường học đều đã xử lý xong. Ở các khu dân cư, địa phương đang cho phun tiêu độc khử trùng để phòng, chống dịch bệnh sau lũ.

Sở Y tế Hà Tĩnh cũng đã thành lập 9 tổ cơ động phối hợp với các cơ sở y tế tại địa phương và các đơn vị liên quan thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phổ biến trong mùa mưa lũ.

Hỗ trợ tối đa để vệ sinh môi trường sau lũ

Ngoài việc huy động nhân lực tham gia, vệ sinh môi trường sau lũ, các địa phương cũng nhận được tối đa sự hỗ trợ về hóa chất, phèn chua…để tiêu độc khử trùng.

Ông Lê Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: Huyện đã hỗ trợ các xã 2.000 lít hóa chất, 2.750kg phèn chua, 21.000 viên Aquatab để xử lý vệ sinh môi trường cho 20.655 hộ, 19.851 công trình vệ sinh, 16.584 giếng nước. Ngoài ra, các địa phương và người dân cũng được hỗ trợ 15 tấn vôi, 2.200m2 bạt, 1.500 bao tải, 1.000 lít thuốc tiêu độc khử trùng, 600 dụng cụ vệ sinh môi trường để chôn lấp 40 tấn trâu, bò, 320 tấn lợn, 100 tấn gia cầm các loại.

Nhằm kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả từ mưa lũ, Bộ Y tế đã thành lập 7 tổ công tác hỗ trợ 7 tỉnh miền Trung xử lý vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh. Các tổ công tác sẽ hỗ trợ người dân thu gom, xử lý xác động vật chết, tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng và Vectơ gây bệnh tại khu vực bị ngập sau khi nước rút; xử lý các giếng khoan, giếng đào theo hướng dẫn của Bộ Y tế; triển khai thau rửa và khử trùng bể chứa, dụng cụ chứa nước ăn uống, sinh hoạt bằng chế phẩm khử khuẩn đã được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận.