Học sinh khó khăn trong việc tiếp cận tiếng Việt
Có dịp đến thăm một lớp học chuẩn bị cho học sinh bước vào lớp 1 tại Trường Tiểu học Phước Thắng (Bác Ái), chúng tôi cảm nhận được sự vất vả của các cô giáo nơi đây. Đa số học sinh là con em đồng bào Raglai với khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt rất hạn chế, vì ngay từ nhỏ các em đều giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ, môi trường giao tiếp tiếng Việt cũng không nhiều. Do đó, các cháu rất khó khăn trong giao tiếp với giáo viên và hạn chế trong tiếp thu kiến thức.
Thầy giáo Phan Ngọc Còi, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Đối với các em qua lớp mẫu giáo thì đã nghe, nói và hiểu tiếng Việt cơ bản nên kỹ năng sử dụng tiếng Việt khi vào lớp 1 sẽ dễ dàng hơn. Còn đối với các em chưa qua lớp mẫu giáo thì rất khó khăn, nhiều em không hiểu hết lời của giáo viên, ngại giao tiếp, chính vì thế đòi hỏi sự kiên trì của giáo viên. Nhà trường cũng chỉ đạo giáo viên tăng cường tổ chức các hoạt động dạy tiếng Việt qua các trò chơi, giao lưu văn nghệ và dùng các tài liệu, đồ dùng dạy học trực quan để giúp các em tự tin hơn trong việc sử dụng tiếng Việt.
Tương tự, tại Trường Tiểu học Ma Nới (Ninh Sơn), việc dạy tiếng Việt cho học sinh chuẩn bị bước vào lớp 1 cũng đang được triển khai tích cực. Các giáo viên trong trường cho biết: Đối với học sinh DTTS khi học tiếng Việt, các em thường dùng tiếng mẹ đẻ xen vào.
Tăng cường nhiều giải pháp
Môi trường giao tiếp bằng tiếng Việt bị hạn hẹp chính là rào cản lớn nhất để rèn kỹ năng sử dụng tiếng Việt của học sinh DTTS. Nhà trường đã chỉ đạo giáo viên tăng cường dạy tiếng Việt với nhiều hình thức phong phú, phù hợp như các kỹ năng giao tiếp, ứng xử... Trong quá trình dạy, chú ý đến việc phân loại khả năng tiếng Việt của từng em để có phương pháp, nội dung dạy tiếng Việt cho phù hợp.
Qua mô hình “Em nói tiếng Việt”, Sở GD&ĐT Ninh Thuận đã yêu cầu, các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch dạy học, thời gian biểu, phân công giáo viên trực tiếp dạy học tăng cường tiếng Việt cho học sinh trước khi vào lớp 1. Tham mưu với chính quyền địa phương thực hiện vận động học sinh ra lớp, đảm bảo 100% học sinh DTTS được dạy học tăng cường tiếng Việt trước khi vào lớp 1. Đồng thời, cử giáo viên tham gia tập huấn dạy học tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS trong hè do Sở GD&ĐT triển khai; tổ chức các hoạt động tăng cường tiếng Việt.
Ông Nguyễn Bá Ninh, Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Thuận cho biết: Chỉ tiêu tỉnh Ninh Thuận đưa ra từ năm học 2019-2020 là có 100% học sinh tiểu học người DTTS được tập trung tăng cường tiếng Việt. 100% các trường tiểu học xây dựng chương trình tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS theo tài liệu “Em nói tiếng Việt”. Mục tiêu đến năm 2025, có ít nhất 50% trẻ em DTTS trong độ tuổi nhà trẻ và 95% trẻ em DTTS trong độ tuổi mẫu giáo được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi. Hằng năm, 100% học sinh là DTTS được tập trung tăng cường tiếng Việt.
Để thực hiện mục tiêu trên, ngành đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp như: Đẩy mạnh công tác truyền thông; tăng cường học liệu, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi; xây dựng môi trường tiếng Việt; nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục của các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học có trẻ em người DTTS, bồi dưỡng đội ngũ cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ của trẻ em DTTS.
Tuy nhiên, một trong những khó khăn trong việc dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng DTTS là, số học sinh DTTS được học 2 buổi/ngày còn ít. Đồ dùng, trang thiết bị dạy học tối thiểu còn thiếu thốn, xuống cấp. Nhiều trường và điểm trường thiếu sách, truyện, tài liệu để tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS. Những năm qua, kinh phí và nguồn lực hỗ trợ cho các hoạt động dạy tiếng Việt cho trẻ DTTS còn eo hẹp; chưa có chế độ, chính sách cho giáo viên dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ DTTS trước khi vào lớp 1 trong hè.
ĐẠT THÀNH NHÂN