Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Mở lối thoát nghèo cho đồng bào Khmer

Phương Nghi - 11:26, 14/05/2023

Với phương châm “trao cần câu hơn trao con cá”, các địa phương của tỉnh Bạc Liêu có đông đồng bào Khmer sinh sống đã cụ thể hóa những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phù hợp với thực tế của địa phương để mang lại chiếc “cần câu”, mở ra cơ hội thoát nghèo cho đồng bào Khmer.

Bạc Liêu thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất góp phần giảm nghèo bền vững.
Bạc Liêu thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất góp phần giảm nghèo bền vững.

Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) là xã có khá đông đồng bào Khmer sinh sống (chiếm 68%), thời gian qua, ngoài thực hiện các chính sách của Nhà nước trong việc nâng cao đời sống, Hưng Hội còn tranh thủ mọi nguồn lực để hỗ trợ đồng bào như phân công các chi bộ quản lý, theo dõi sâu sát các hộ nghèo, cận nghèo để kịp thời hỗ trợ; tạo mô hình sinh kế; vận động hỗ trợ quà, nhà tình thương cho hộ khó khăn, tặng phương tiện sản xuất…

Ông Lâm Thanh Thảo ở ấp Cái Giá (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) phấn khởi cho biết: “Đảng, Nhà nước đã tạo điều kiện cho bà con Khmer chúng tôi được tiếp cận các khoản vay ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó, đời sống của nhiều người như được sang trang mới, không còn sống trong cảnh khó khăn như trước. Vui hơn nữa là khi cuộc sống dần ổn định, bà con Khmer trong ấp đã đồng tâm, hiệp lực cùng chính quyền địa phương ra sức xây dựng quê hương”.

Những chính sách của Đảng, Nhà nước không chỉ giúp người dân chí thú làm ăn, thực hành tiết kiệm mà còn thay đổi cả tập quán, thói quen canh tác lạc hậu trước đây. Người dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó nhiều hộ đã vươn lên trong cuộc sống.

Đơn cử như hộ ông Danh Như, ở ấp Xóm Tre (xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu). Trước đây, đời sống kinh tế gia đình rất khó khăn, nhưng từ khi được chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện vay vốn để phát triển mô hình trồng màu, được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng màu… đã giúp ông Như mạnh dạn thay đổi hình thức canh tác, góp phần mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Không dừng lại ở việc trồng màu, ông Như còn áp dụng những kiến thức đã được học vào việc canh tác 3 công đất trồng lúa, từ đó năng suất đạt được cũng cao hơn so với trước. Thoát nghèo, kinh tế gia đình từng bước ổn định và đi lên, ông Như có điều kiện tham gia các phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng hương ước ở xóm ấp, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương, với mong muốn được góp phần xây dựng quê hương ngày càng khang trang, giàu đẹp hơn.

Bên cạnh các chương trình hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo từ nguồn ngân sách của Nhà nước, những mô hình của các hội, đoàn thể triển khai như may gia công, tổ hùn vốn, mô hình heo đất tiết kiệm... cũng góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo. Nếu như đầu năm 2022, theo tiêu chí nghèo đa chiều, toàn tỉnh Bạc Liêu có 11.493 hộ nghèo (chiếm 5,09%) và 14.755 hộ cận nghèo (chiếm 6,54%) thì đến đầu năm 2023, số hộ nghèo giảm còn 7.229 hộ (chiếm 3,19%) và hộ cận nghèo giảm còn 12.022 hộ (chiếm 5,32%).

Ông Danh Như (ngồi), ở ấp Xóm Tre (xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) chăm sóc vườn rau màu, từ nguồn vốn vay chính sách ưu đãi, giúp ông có nguồn thu nhập ổn định.
Ông Danh Như (ngồi), ở ấp Xóm Tre (xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) chăm sóc vườn rau màu, từ nguồn vốn vay chính sách ưu đãi, giúp ông có nguồn thu nhập ổn định.

Bà Lê Thanh Giang, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu cho biết: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Bạc Liêu phấn đấu đến cuối năm 2025, hộ nghèo bình quân giảm còn dưới 1%. Trong đó, hộ nghèo vùng đồng bào DTTS mỗi năm giảm 1%; không còn gia đình có công với cách mạng nằm trong diện hộ nghèo.

“Để hoàn thành mục tiêu quan trọng này, các cấp, các ngành chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, thu nhập nhiều hơn cho người nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản (việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin), nâng cao chất lượng cuộc sống”, bà Giang nói.

Những năm qua, tỉnh Bạc Liêu đã lồng ghép nhiều nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh để đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng nông thôn, đào tạo nghề, hỗ trợ nhà ở, đất ở, hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo. Nhờ đó, bộ mặt phum sóc ngày càng khởi sắc, góp phần thúc đẩy phát triển sinh kế cho bà con Khmer một cách toàn diện.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.