Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Một mô hình bảo tồn truyền thống độc đáo ở Thái Lan

Duy Ly (biên dịch theo Bangkokpost) - 20:15, 11/08/2021

Bộ Giáo dục Đại học, Khoa học, Nghiên cứu và Đổi mới Thái Lan đang bắt đầu triển khai chương trình phối hợp với Bảo tàng Đời sống cộng đồng tỉnh Bưng Kan để thúc đẩy hoạt động quảng bá việc học tập, nghiên cứu về cuộc sống của người dân vùng cao Đông Bắc cũng như nghệ thuật truyền thống đương đại tại đây.


Một bức tường được vẽ hình Nagas biểu tượng cho tín ngưỡng người dân vùng Đông Bắc Thái Lan
Một bức tường được vẽ hình Nagas biểu tượng cho tín ngưỡng người dân vùng Đông Bắc Thái Lan

Bảo tàng truyền thống

Bảo tàng Đời sống cộng đồng tỉnh Bưng Kan nằm trên một khu đất rộng 4 rai (đơn vị đo của Thái Lan, 1 rai = 1.600 m2), thuộc cộng đồng Baan Khee Lek Yai ở huyện So Phisai. Hiện nay, Bảo tàng đang là một trong những điểm thu hút khách du lịch vùng Đông Bắc Thái Lan.

Suthipong Suriya, người sáng lập Bảo tàng cho biết, anh thành lập bảo tàng này cách đây 4 năm, với mục đích bảo tồn ngôi nhà gỗ 2 tầng truyền thống của người dân địa phương cũng như văn hóa, nghệ thuật của họ.

Bảo tàng được chia thành 4 phần, bao gồm khu giải trí, trung tâm bảo tàng, khu bếp hiện đại mới được xây dựng và rừng cao su mở rộng - chuyên tổ chức các hoạt động cộng đồng của dân làng và các sự kiện văn hóa cho du khách.

Ngôi nhà của Suthipong, là 1 trong số 45 ngôi nhà trong cộng đồng Baan Khee Lek Yai, nơi mà cuộc sống của người dân từ xưa đến nay khá yên bình và giản dị. Vì vậy, các giá trị đời sống, văn hóa đặc trưng vùng Đông Bắc vẫn luôn được bảo tồn. Người dân ở đây chủ yếu kiếm sống từ nghề trồng lúa, trồng cao su, nghề dệt, thủ công mỹ nghệ và đan lát.

Anh Suthipong cho biết, khi quyết định chuyển đổi mô hình, ngôi nhà của anh đã được 60 năm tuổi. Anh là người tiên phong, với mong muốn ngôi nhà của mình trở thành trung tâm, là hình mẫu cho những người dân khác trong làng học làm theo. Vì vậy ngôi nhà 60 năm tuổi của anh đã trở thành một bảo tàng nhằm phát triển ngôi làng trở thành điểm du lịch hút khách, giúp dân làng kiếm sống và tạo ra thu nhập bền vững cho cả cộng đồng.

Suthipong cho biết: “Thật không dễ dàng gì để biến ngôi nhà của mình và cộng đồng Baan Khee Lek Yai thành một bảo tàng, vì ngôi làng của chúng tôi không có đặc điểm tự nhiên, hay điểm hấp dẫn đặc biệt nào để thu hút du khách đến khu vực này”. Vì vậy anh đã suy nghĩ đến việc tạo ra một bản sắc riêng cho ngôi làng.

Trẻ em tỉnh Bưng Kan rất thích các bức tranh tường
Trẻ em tỉnh Bưng Kan rất thích các bức tranh tường

Tìm lối đi riêng

“Tôi bắt đầu từ việc đặt câu hỏi tôi là ai và tôi có gì. Tôi đã sử dụng chuyên môn và kinh nghiệm làm việc, với tư cách là người tạo mẫu thực phẩm (Food stylist) để giúp tạo ra ý tưởng cũng như những câu chuyện về bảo tàng. Tôi kết hợp những câu chuyện lịch sử cùng nghệ thuật truyền thống, thể hiện chúng bằng những phương pháp mới để tăng thêm giá trị cho bảo tàng”, anh Suthipong chia sẻ.

Anh Suthipong cho biết, việc đi du lịch đến các quốc gia khác nhau trên thế giới, đã đem lại cho anh niềm yêu thích đối với nghệ thuật đường phố (tranh tường hay graffiti - hình vẽ bằng sơn). Và việc tạo ra một thứ mới mẻ, hiện đại trên nền giá trị truyền thống có thể giúp ngôi làng của anh thu hút du khách đến thăm.

Suthipong đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ các sinh viên đến từ một số trường đại học như:  Học viện Công nghệ Ladkrabang, Đại học Udon Thani Rajabhat… để tạo ra hơn 100 tác phẩm nghệ thuật đường phố mô tả văn hóa địa phương.

Ví dụ như người dân vùng Đông Bắc có đức tin vào Nagas (sinh vật giống loài rắn huyền thoại được cho là sống ở sông Mekong), nên hầu hết các bức vẽ và graffiti đều phản ánh cách Nagas gắn bó với cuộc sống của người dân địa phương nơi đây.

Một tiệm làm tóc trong khu vực bảo tàng cộng đồng cũng được trang trí theo nghệ thuật đường phố
Một tiệm làm tóc trong khu vực bảo tàng cộng đồng cũng được trang trí theo nghệ thuật đường phố

Đẩy mạnh phát triển, hợp tác

“Tôi thực sự muốn làm việc với Bộ Giáo dục Đại học, Khoa học, Nghiên cứu và Đổi mới, nơi giám sát các trường đại học của đất nước. Bảo tàng có thể là nơi hoàn hảo để thúc đẩy sự phát triển cộng đồng, thông qua giáo dục cho tất cả mọi người. Nó có thể là một mô hình mà các cộng đồng khác có thể rút kinh nghiệm”, anh Suthipong nhấn mạnh.

Các công ty tư nhân và doanh nghiệp đang thực hiện các chương trình trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR), cũng đã đến thăm bảo tàng của anh, tìm hiểu việc cải thiện đời sống cho người dân địa phương, mở rộng các chợ cộng đồng và thúc đẩy phát triển nghề nghiệp. Bảo tàng cũng chào đón sinh viên đến làm việc, với tư cách là thực tập sinh, để tìm hiểu về hoạt động quản lý bảo tàng cũng như hoạt động giới thiệu, quảng bá hình ảnh tại đây.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.