Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Voi Thái Lan “thất nghiệp” về quê do đại dịch Covid-19

Duy Ly (biên dịch theo thaiger) - 12:14, 12/07/2021

Số lượng voi ở miền Nam Thái Lan đã giảm đáng kể do hậu quả của đại dịch Covid-19. Ở tỉnh Phang Nga, nơi có số lượng voi được thuần hoá nhiều nhất ở miền Nam Thái Lan, đến nay, số lượng voi đã giảm một phần ba số lượng bình thường.


Những chú voi đang bị “thất nghiệp” do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19
Dịch Covid-19 đã khiến cho hơn 1000 con voi ở Thái Lan mất việc làm

Những chú voi quay về cố hương

Ngành du lịch đóng góp một phần không nhỏ vào nền kinh tế Thái Lan. Trước khi virus SARS-CoV-2 tấn công, du lịch và lữ hành chiếm hơn 20% tổng sản phẩm quốc nội của đất nước này và tạo công ăn việc làm cho gần 16% lực lượng lao động. Do đó, trước sự “tấn công” của dịch bệnh Covid-19, doanh thu ngành du lịch của Thái Lan đã giảm mạnh.

Sự sụt giảm số lượng voi tại miền Nam Thái Lan có liên quan trực tiếp đến đại dịch Covid-19 và sự bấp bênh của ngành du lịch nước này. Khách du lịch nước ngoài giảm đột ngột khiến hàng chục  trang trại nuôi nhốt, sở thú, công viên voi vắng bóng du khách, thực tế này đã khiến hơn 1.000 con voi ở Thái Lan “mất việc”. Đối với nhiều chủ sở hữu, doanh thu kinh doanh giảm sút mạnh khiến việc kiếm đủ thực phẩm cho những con voi vào thời điểm này cũng là một trong những mối quan tâm hàng đầu.

Lựa chọn khả thi duy nhất cho những con voi bị thải loại và những người nuôi chúng là quay trở lại ngôi làng mà chúng sinh sống. Cuộc sống ở đó, người ta hy vọng sẽ dễ dàng hơn, với khả năng tiếp cận thực phẩm rẻ hơn và một môi trường yêu thương được sinh ra từ mối quan hệ hàng thế kỷ giữa con người và loài voi.

Chủ voi dẫn theo những “đứa con” của mình về quê
Chủ voi dẫn theo những “đứa con” của mình về quê

Một số người chủ đã vận chuyển những con voi của họ đến Surin, một trung tâm voi lớn ở miền bắc Thái Lan. Ở đó, chính phủ Thái Lan đang cung cấp một số gói hỗ trợ tạm thời nhằm ứng phó với đại dịch. Tuy nhiên hành trình đến Surin dài hơn 1.200 km và nhiều chủ voi không đủ khả năng chi trả cho cho một quãng đường dài như vậy nên đã chọn quay về quê hương.

“Tôi thích sống ở đây hơn vì có nhiều tự do hơn”, Pongkavi Kwansaodaeng nói khi vuốt ve chú voi tên Dumbo, 5 tuổi, một trong bốn con voi của anh, trên sườn đồi gần làng. “Những con voi ở đây hạnh phúc hơn. Bạn có thể thấy điều đó bằng cách nhìn vào mắt và biểu hiện của chúng. Chúng có nhiều thời gian hơn để chơi và giao lưu”.

Nhưng Pongkavi thừa nhận rằng, việc này có lẽ không thể kéo dài. Khi làm việc tại một trại voi du lịch ở miền Nam Thái Lan trước Covid-19, anh có thể kiếm được 24.000 baht (766 USD) mỗi tháng cho một con voi. Số tiền tiết kiệm của anh phần lớn để mua thức ăn cho voi sẽ cạn kiệt trong vòng chưa đầy một năm tới.

Hành trình trở về quê hương của những chú voi
Hành trình trở về cố hương của những chú voi cũng không phải dễ dàng

Kiên quyết không để voi đi ăn xin

Amnuai Charornsuksombat, 36 tuổi, là chủ của một gia đình nuôi voi qua nhiều thế hệ cho biết, tuần trước ông đã phải “đón” 5 con voi từ nơi chúng đang làm việc, một điểm thu hút khách du lịch. Đây là lần đầu tiên ông phải đưa voi về nhà mà không biết đến bao giờ chúng mới được quay trở lại làm việc vì không có khách du lịch.

Ông cũng cho biết, thay vì cho voi ăn những món ăn “xa xỉ” như chuối và mía, thì những con voi này sẽ ăn cỏ ở cánh đồng gần đó và thân cây ngô mà ông mua được từ nông dân. Tất cả đều đang trong tình thế khó khăn, nhưng dù cho có khó khăn đến đâu, ông Amnuai cũng quyết không để những con voi của mình ra đường ăn xin.

Hầu hết các công viên và trại voi ở miền Nam Thái Lan đã đóng cửa và trong đó sẽ có một số cơ sở không thể mở cửa trở lại. Số ít còn lại đang hoạt động chủ yếu dựa vào việc gây quỹ từ cộng đồng, nhưng cũng rất bấp bênh. Việc chăm sóc những con voi này khá tốn kém, những con voi trưởng thành uống khoảng 100-200 lít nước mỗi ngày và tiêu thụ 200-300 kg thực vật, tốn hơn 400 baht (tiền Thái Lan) một ngày để nuôi.

Không có bất kỳ thu nhập nào từ công viên, những chủ voi phải vật lộn để nuôi voi và thậm chí không có tiền để gửi về cho gia đình. Nhận thức được cuộc khủng hoảng sắp xảy ra, Tổ chức Voi miền Nam Thái Lan đã vào cuộc để hỗ trợ cung cấp nguồn thức ăn cho những con voi còn sót lại ở vùng này.

Chiến dịch “Hãy cứu những chú voi chết đói” diễn ra từ tháng 4 đến tháng 7, hiện đã quyên góp được hơn 1,7 triệu baht và các tình nguyện viên đã giao được hơn 700 xe tải thực phẩm.

“Những sự hỗ trợ này thực sự đáng quý, tuy nhiên về lâu dài chỉ khi du lịch mở cửa trở lại, du khách quay lại nhiều như trước thì mới có thể hy vọng đưa những con voi từ miền Bắc quay trở lại”, Somchai Xuwicha chủ một trại voi bộc bạch.

Tất cả những chủ trại, quản tượng tại Thái Lan đang mong chờ điều kỳ diệu sẽ xảy ra – khi mà đại dịch được kiểm soát và họ có thể quay về cuộc sống như trước. 

Tin cùng chuyên mục
Chương trình MTQG 1719 năm 2024 ở Nghệ An: Sớm có kế hoạch phân bổ nguồn vốn sự nghiệp

Chương trình MTQG 1719 năm 2024 ở Nghệ An: Sớm có kế hoạch phân bổ nguồn vốn sự nghiệp

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An vừa ban hành Nghị quyết số 12 ngày 22/4/2024 về việc phân bổ kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, năm 2024 (Chương trình MTQG 1719). Đây là cơ sở quan trọng để các địa phương có nguồn lực thực hiện các nội dung, tiểu dự án, dự án của Chương trình MTQG 1719. Tuy nhiên, tỉnh Nghệ An cần ưu tiên xem xét, lập kế hoạch phân bổ nguồn vốn này sớm hơn, làm cơ sở cho các địa phương chủ động thực hiện.