Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Mỹ không thay đổi chính sách Biển Đông dù ai là tổng thống

PV - 15:01, 17/11/2020

Chính sách của Mỹ đối với Biển Đông sẽ vẫn được duy trì cho dù tổng thống mới của Mỹ là ai đi chăng nữa.

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh.
Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh.

Đây là nhận định được nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh đưa ra bên lề Hội thảo Quốc tế về Biển Đông diễn ra trong 2 ngày 16-17/11 tại Hà Nội dưới hình thức bán trực tuyến.

Khác biệt Trump-Biden…

Ông Phạm Quang Vinh cho rằng việc báo chí đưa tin ông Joe Biden đã đạt được đủ số phiếu đại cử tri cần thiết và có thể trở thành tổng thống mới vẫn cần chờ thời gian xác nhận chính thức. Tuy nhiên, có thể khẳng định, dù tổng thống mới của Mỹ là ai đi chăng nữa cũng sẽ phải tiếp tục duy trì lợi ích của Mỹ trong các vấn đề toàn cầu.

Trong khi đó, Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực địa chiến lược quan trọng hàng đầu với những nền kinh tế và các quốc gia phát triển hết sức năng động được coi là động lực của nền kinh tế thế giới. Chính vì thế, Mỹ dù dưới nhiệm kỳ của Tổng thống nào vẫn phải hết sức coi trọng và gắn kết chặt chẽ với khu vực.

Tuy nhiên, đây cũng là nơi đang xảy ra cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung và Mỹ cũng đã có những thay đổi về nhận thức đối với Trung Quốc. Bản thân Trung Quốc cũng không còn “ẩn mình chờ thời” nữa mà cũng đang tiến hành các hình thức cạnh tranh khác với Mỹ.

Điều này đặt ra câu hỏi liệu có sự khác biệt nào trong chính sách về Biển Đông giữa ông Trump và ông Biden. Theo ông Phạm Quang Vinh, nếu thắng cử, Tổng thống Trump nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mởi kèm them một loạt sáng kiến gắn kết với ASEAN cùng các đối tác trong khu vực, trong đó có Nhật Bản, Ấn Độ và Australia để tạo ra các không gian vừa hợp tác vừa xây dựng những chuẩn mực ứng xử trong khu vực.

Cạnh tranh Mỹ-Trung chắc chắn sẽ được duy trì nhưng có thể sẽ giảm nhiệt sau khi leo thang suốt 6 tháng qua do tác động của đại dịch Covid-19 cũng như cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020.

Trong khi đó, xét theo quan điểm của đảng Dân chủ, nếu ông Biden trở thành ông chủ Nhà Trắng, có thể nhận định, nhiều khả năng ông sẽ quay trở lại chính sách ngoại giao truyền thống vốn “dễ đoán định hơn”. Trong đó, một điều dễ nhận thấy là ông Biden chắc chắn sẽ phải tham gia nhiều hơn vào các thể chế đa phương cũng như thúc đẩy những giá trị về dân chủ, nhân quyền, môi trường, biến đổi khí hậu…

Theo ông Phạm Quang Vinh, ông Biden sẽ phải đối mặt với 2 thách thức trong chính sách về Biển Đông: Một là di sản của cựu Tổng thống Obama và của chính ông Biden liên quan đến chính sách tái cân bằng trong khu vực và thứ hai là những gì Tổng thống Trump đang thực hiện trong thời gian qua thông qua chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Cả hai mô hình nói trên có sự song trùng, nhất là việc gắn kết những lợi ích của Mỹ trong khu vực cũng như việc Mỹ thúc đẩy quản trị khu vực dựa trên luật lệ quốc tế vừa có lợi cho Mỹ nhưng cũng vừa tranh thủ được sự ủng hộ của các nước nhằm cạnh tranh với Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và ông Joe Biden dù ai thắng cử vẫn phải duy trì những chính sách chung liên quan đến vấn đề Biển Đông. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và ông Joe Biden dù ai thắng cử vẫn phải duy trì những chính sách chung liên quan đến vấn đề Biển Đông. Ảnh: Reuters

... và những giá trị bất biến

Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh nhấn mạnh, câu chuyện Biển Đông đối với Mỹ là hết sức quan trọng mà dù Tổng thống sắp tới là ông Trump hay ông Biden cũng không thể bỏ qua, đó là phải đảm bảo được hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải tại đây. Ngoài ra, Mỹ cũng cần xây dựng được một trật tự dựa trên luật lệ quốc tế, hợp tác với các đối tác trong khu vực, nhất là ASEAN.

Dù mỗi thời tổng thống Mỹ có thể có cách tiếp cận khác đi đối với tình hình Biển Đông dựa trên cách tiếp cận song phương hay đa phương, có thể nhận thấy, trong thời gian qua, Mỹ vẫn tìm cách gắn kết chặt chẽ hơn với các quốc gia trong khu vực đồng thời tăng cường sự hiện diện cả về quân sự, kinh tế, an ninh trong khu vực để đảm bảo lợi ích của Mỹ.

Ngoài ra, theo ông Phạm Quang Vinh, Mỹ dù muốn dù không vẫn phải tạo ra không gian hợp tác với các nước và các đối tác trong khu vực, và như vậy, họ vẫn phải tiếp tục coi trọng ASEAN. Cuối cùng, Mỹ sẽ vẫn quan tâm đặc biệt đến vấn đề tôn trọng và tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Dù chưa tham gia UNCLOS nhưng Mỹ vẫn luôn ủng hộ mạnh mẽ các quốc gia tham gia công ước này. Hơn thế nữa, dù lưỡng đảng lớn tại Mỹ đang chia rẽ sâu sắc trong rất nhiều vấn đề, họ vẫn nhất quán trong vấn đề Biển Đông, đặc biệt là trong việc ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về vụ kiện của Philippine ngày 12/7/2016, cũng như bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò phi lý của Trung Quốc./.