Xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, huyện Nam Trà My đã từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin từ các cơ quan nhà nước đến chợ và mạng lưới viễn thông trải khắp thôn, xã. Cụ thể, các xã trên địa bàn huyện đã trang bị hệ thống hạ tầng mạng, wifi tốc độ tương đối, phục vụ cho việc khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin.
Đến nay, tỷ lệ sử dụng máy tính của cán bộ, công chức cấp huyện đạt 100% và cấp xã đạt 95%. Việc ứng dụng chứng thư số, chữ ký số được triển khai đến 100% cơ quan nhà nước thuộc UBND huyện và cấp xã. Địa phương đã có 26/35 thôn được phổ biến sóng 3G/4G, đạt tỷ lệ 74%. Hầu hết các trung tâm hành chính, trạm y tế xã, trường học trên địa bàn huyện được trang bị internet cáp quang. Hệ thống hội nghị truyền hình được kết nối thông suốt ở 4 cấp từ Trung ương đến xã.
Là một trong những hộ chăn nuôi heo lớn ở Trà Mai, anh Hồ Văn Cường đã sớm áp dụng công nghệ thông tin để nâng cao sản xuất. Anh Cường cho biết, ngoài việc tham gia các lớp tập huấn về thú y, kỹ thuật nuôi heo đạt chất lượng, anh thường tìm hiểu thông tin trên các trang mạng xã hội để áp dụng. “Mình thường sử dụng điện thoại thông minh để tìm kiếm các phương pháp chăn nuôi đạt hiệu quả, nếu thấy phù hợp thì áp dụng. Bên cạnh đó, một số bệnh thông thường của heo, mình cũng có thể tự chữa thông qua một số kiến thức tìm được trên internet. Ngoài ra, mình có thể đăng bán heo qua các trang Facebook, Zalo cá nhân”, anh Cường nói.
Còn tại các chợ, khu trung tâm mua sắm trên địa bàn huyện đều được kết nối mạng internet, tạo thuận lợi cho người dân mua bán mà không sử dụng tiền mặt. Theo ghi nhận tại một số phiên chợ sâm Ngọc Linh diễn ra trên địa bàn xã Trà Mai, số tiền giao dịch thường rất lớn, nên hầu hết mọi người đều sử dụng thanh toán điện tử.
“Nhờ sử dụng công nghệ số, việc kinh doanh của doanh nghiệp có hiệu quả cao, nhất là khi tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử của huyện. Từ đó tạo niềm tin cho khách hàng về sản phẩm, giá cả cũng rõ ràng, tạo sự thuận tiện cho đôi bên. Hơn nữa, nhờ có công nghệ số, chúng tôi dễ dàng quảng bá hình ảnh sản phẩm như sâm Ngọc Linh, dược liệu của mình qua các trạng mạng, thu hút thêm khách hàng”, bà Nguyễn Thị Huỳnh - Giám đốc Công ty Huỳnh Sâm chia sẻ.
Cũng theo UBND huyện Nam Trà My, các nhà mạng đã đầu tư 45 trạm phát sóng (30 trạm Viettel, 13 trạm VNPT, 2 trạm MobiFone) trên địa bàn huyện, phủ sóng đảm bảo ở 10/10 xã. Trên cơ sở đó, huyện đã triển khai lắp đặt hệ thống Wifi cộng đồng ở 31/35 thôn, 40 cụm phát thanh không dây tại 4 xã Trà Vân, Trà Tập, Trà Leng, Trà Nam.
Ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết: Chuyển đổi số góp phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Nắm bắt được điều này, trong thời gian qua, huyện đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lao động sản xuất, một trong đó có thể kể đến là việc xây dựng thành công sàn giao dịch điện tử sâm Ngọc Linh.
Đây không chỉ là kênh mua bán dược liệu uy tín mà việc chính thức vận hành sàn thương mại điện tử triển vọng sẽ đưa sâm Ngọc Linh hội nhập môi trường số, kinh doanh số, giúp tăng hiệu quả kinh doanh, đồng thời bảo vệ uy tín, thương hiệu sâm Ngọc Linh trong tình hình hiện nay. Qua đó giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh mở rộng thị trường, gia tăng lợi nhuận, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Bên cạnh đó, tháng 5/2024, huyện Nam Trà My đã ban hành Kế hoạch triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn, hướng đến triển khai hiệu quả nền tảng số, công nghệ số đến từng thôn, nóc, hộ gia đình để thúc đẩy chuyển đổi số. “Tổ công nghệ số cộng đồng là lực lượng mang tính huy động sức mạnh toàn dân, ở gần dân, sát dân và là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, huyện, xã đến thôn. Nhờ quyết liệt triển khai, đến nay toàn bộ 35 thôn trên địa bàn huyện đều đã có Tổ công nghệ cộng đồng”, ông Mẫn cho biết.
Cũng theo ông Mẫn, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đã ứng dụng hiệu quả chữ ký số được cấp, đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp thiết của cơ quan trong việc bảo đảm xác thực và bảo mật thông tin. Hiện nay, có đến 90% văn bản điện tử gửi đi được thực hiện ký số, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, tiết kiệm chi phí, tạo được môi trường làm việc hiện đại, góp phần tích cực trong việc cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả công việc.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu đã đạt được, việc ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn huyện vẫn còn một số khó khăn. Theo đó, mặc dù hệ thống máy tính cơ bản đã được đầu tư đồng bộ nhưng chất lượng không đồng đều, đa số máy sử dụng lâu năm nên xuống cấp, không đủ điều kiện để cài đặt các phần mềm chuyên ngành.
Bên cạnh đó, phần lớn máy tính không có phần mềm, công cụ diệt virus, bảo mật thông tin. Hệ thống mạng LAN, tốc độ đường truyền Internet băng thông rộng tại một số đơn vị, địa phương còn hạn chế, chưa quản lý kết nối tập trung.
Hạ tầng viễn thông tại các khu dân cư còn chưa đảm bảo, nhiều khu vực vẫn còn tình trạng "trắng sóng, lõm sóng" nhưng không thể đầu tư trạm phát sóng BTS, do chưa có điện lưới quốc gia. Từ đó khiến việc ứng dụng công nghệ thông tin từ cơ quan nhà nước đến Nhân dân vẫn chưa đạt được như mong muốn.
“Thời gian tới, huyện xác định 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong chuyển đổi số, gồm: Xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, với 23 nhiệm vụ cụ thể; tổng kinh phí thực hiện dự kiến hơn 10,6 tỷ đồng từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách tỉnh, huyện và các nguồn huy động khác.
Cùng với đó, huyện tiếp tục đề nghị các đơn vị viễn thông đầu tư xóa những điểm "trắng sóng, lõm sóng" còn lại trên địa bàn huyện; tiếp tục thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào DTTS tiếp cận với công nghệ thông tin, ứng dụng cho cuộc sống và phục vụ công cuộc chuyển đổi số toàn diện hiện nay”, ông Mẫn cho biết thêm.